Luật Nhà có quy định nhà đầu tư phải có quyền sử dụng "đất ở" đang gây khó trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án |
Cụ thể, theo HoREA cho biết, đối với quy định về chấp thuận đầu tư trong Luật Nhà ở (Khoản 4 Điều 23 quy định nhà đầu tư phải có quyền sử dụng "đất ở") chưa thật ăn khớp với quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án trong Luật Đất đai và quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư trong Luật Đầu tư nên chưa đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trong Luật Nhà ở các quy định về quản lý, vận hành chung cư, cụm chung cư chưa đầy đủ, chưa có chế tài đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trước tình hình tranh chấp xảy ra tại chung cư có xu thế ngày càng gia tăng, trọng tâm là các vấn đề tổ chức hội nghị chung cư, bầu Ban quản trị, tranh chấp quỹ bảo trì chung cư, quỹ quản lý vận hành chung cư, các nguồn thu từ bãi giữ xe, các không gian có thể cho thuê sinh lợi, tranh chấp về sở hữu chung, sở hữu riêng, về chất lượng công trình, thiết bị; đã xuất hiện dấu hiệu đối tượng ngoài xã hội can dự vào các tranh chấp này để trục lợi.
Trong Luật Nhà ở có quy định trần 30% số căn hộ trong tòa nhà chung cư hoặc 250 căn nhà trong một đơn vị hành chính cấp phường được bán cho cá nhân nước ngoài chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, nhất là tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1. Quy định cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được đầu tư, kinh doanh căn hộ kiểu "chung cư mini", "chung cư hộp diêm" đang làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, làm hạn chế hiệu quả công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị.
Đối với Luật Kinh doanh Bất động sản hiện chưa có quy định để kiểm soát các hành vi tự ý phân lô đất nông nghiệp trái phép, chưa có dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mà đã huy động vốn kiểu kinh doanh đa cấp (mô hình Ponzi).
Đặc biệt tại Khoản 2 Điều 54 Luật Kinh doanh Bất động sản chưa có điều khoản quy định về loại hình sản phẩm "nền nhà hình thành trong tương lai" và cũng chưa có quy định để kiểm soát các hành vi thỏa thuận "đặt cọc giữ chỗ", "góp vốn đầu tư", "hợp tác đầu tư" theo quy định của Bộ luật Dân sự bị một số doanh nghiệp môi giới, đầu nậu, cò đất lợi dụng để lừa đảo khách hàng, thực chất là bán bất động sản hình thành trong tương lai.
Luật Kinh doanh Bất động sản hiện chưa có quy định để kiểm soát các hành vi tự ý phân lô đất nông nghiệp trái phép |
Trong luật Kinh doanh Bất động sản cũng chưa có quy định để kiểm soát các hành vi sử dụng hình thức "vi bằng thừa phát lại" trong các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai; Một vài địa phương chưa quản lý chặt chẽ loại hình sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (Condotel, nhà phố, biệt thự trong khu du lịch. Sau đây gọi là Condotel); loại hình Condotel cần bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý vào Luật Kinh doanh Bất động sản.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đến nay Luật Kinh doanh Bất động sản loại hình kinh doanh môi giới bất động sản chưa chặt chẽ, tại Khoản 5 Điều 13 có nhắc đến nhưng quy định này không hợp lý đối với các doanh nghiệp cùng tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn với nhau, bởi lẽ hai bên đều có năng lực hành vi dân sự, có hợp đồng quy định quyền và nghĩa vụ, lại có giấy ủy quyền thì không nên cấm thực hiện các hành vi kinh doanh nêu trên.