Ông Tiến bị khởi tố vì liên quan đến việc Chi cục Nông lâm - Thủy sản tỉnh Gia Lai cấp cho 7 hộ dân ở xã An Phú, TP.Pleiku 135 gram hạt cà chua giống với giá 4.100.000 đồng để trồng trên diện tích 1ha (10.000m2). Tuy nhiên, Chi cục Nông lâm - Thủy sản tỉnh Gia Lai lại lập hồ sơ quyết toán khống về việc cấp 18.480 cây giống, trị giá hơn 25 triệu đồng cho người dân.
Hơn 21 triệu đồng tiền chênh lệch, bị can Phạm Ngọc Tiến giữ lại sử dụng cá nhân. Hiện ông Tiến được tại ngoại nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Cơ quan CSĐT Công an TP. Pleiku đang đấu tranh có hay không vai trò đồng phạm của bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Kế toán Chi cục Nông lâm - Thủy sản đối với hành vi Tham ô tài sản trên của bị can Tiến.
Liên quan đến các sai phạm tại Chi cục Nông lâm - Thủy sản tỉnh Gia Lai, Công an TP. Pleiku đang đấu tranh thêm hành vi khác là dấu hiệu mua bán hóa đơn xảy ra giữa Chi cục Nông lâm - Thủy sản với Hợp tác xã Vận tải và Du lịch Pleiku (số 91 Nguyễn Đình Chiểu, TP. Pleiku, Gia Lai).
Tại Cơ quan CSĐT Công an TP. Pleiku, một số cán bộ của Chi cục Nông lâm thủy sản trình bày: Do thiếu xe, một số cán bộ đã tự đi thuê xe bên ngoài, nhưng các đơn vị chủ xe không có hóa đơn để xuất. Do vậy, cán bộ của Chi cục Nông lâm - Thủy sản đã đến Hợp tác xã Vận tải và Du lịch Pleiku mua hóa đơn để quyết toán chi phí thuê xe.
Qua giám định tài chính, cơ quan giám định (Sở Tài chính) cho rằng không gây thiệt hại về ngân sách Nhà nước, bởi thực tế các cán bộ có đi công tác.
Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT đang tập trung đấu tranh, làm rõ vào hành vi mua bán hóa đơn tại Hợp tác xã Vận tải và Du lịch Pleiku do ông Nguyễn Quốc Cao làm Giám đốc.
Theo Viện KSND TP. Pleiku, việc mua bán hóa đơn trong vụ án này, tuy chưa gây thiệt hại ngân sách Nhà nước ở Chi cục nhưng vi phạm về quản lý kinh tế của Nhà nước. Bởi lẽ hóa đơn khi được xuất, thuế suất giá trị gia tăng đều có 10% tiền thuế giá trị gia tăng. Hợp tác xã Vận tải và Du lịch Pleiku có hay không dấu hiệu trốn thuế, đang được Cơ quan CSĐT TP. Pleiku đấu tranh.
Công an TP.Pleiku cũng đã có văn bản xin ý kiến Công an tỉnh Gia Lai điều tra mở rộng vụ án.
Trước đó, ngày 18/4/2018, trong Kết luận số 07/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Gia Lai nêu rõ: Từ năm 2013-2017, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Gia Lai đã để xảy ra sai phạm số tiền 432 triệu đồng. Cụ thể, để ngoài sổ sách theo dõi một số loại tài sản, chi sai nguồn, lập khống chứng từ, hợp thức hóa hồ sơ để rút các nguồn kinh phí, không nộp trả ngân sách theo quy định. Trong đó có việc hợp thức hoá 43 hợp đồng và thanh lý hợp đồng thuê xe 4,5 chỗ với tổng số tiền trên 346 triệu đồng.
Vì vụ việc có dấu hiệu tội phạm, nên Thanh tra tỉnh đã chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT Công an TP. Pleiku để khởi tố.