| Hotline: 0983.970.780

Cơ quan chức năng của Hải Phòng ở đâu khi lưới bẫy chim giăng khắp nơi?

Thứ Hai 30/12/2024 , 07:26 (GMT+7)

Hễ vào mùa chim di trú là lưới lại giăng khắp các vùng quê của TP Hải Phòng để rồi chim trở thành nguồn thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng đặc sản.

Lưới bẫy chim giăng ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lưới bẫy chim giăng ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Việt Nam được Tổ chức bảo tồn chim quốc tế công nhận là 1 trong 5 vùng chim đặc hữu và là 1 trong 25 quốc gia có hệ chim hoang dã phong phú nhất trên thế giới. Tuy nhiên vào mỗi mùa chim trời trên thế giới di cư về thì đủ loại lưới tàng hình giăng khắp các cánh đồng, đủ loại keo dính cùng loa đài giả tiếng chim và chim mồi rải tràn các bãi triều hay rừng phòng hộ chờ chúng ngây thơ sà xuống.

Trên cánh đồng thôn Đông của xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng ông Nguyễn Trọng Thả đang cùng với mấy người già đi cắt ít lúa còn sót lại sau bão Yagi. Năm nay do tình trạng hạn mặn xâm nhập khiến cho cả lúa lẫn rươi đều kém, thêm vào đó bão gió lại tiếp tục vùi dập tả tơi. Tôi chỉ vào những tấm lưới giăng mờ mờ như tơ nhện xung quanh họ mà thắc mắc thì ông Thả mau mắn đáp: Đây là những cái lưới dùng để bẫy chim, có còi (loa) với bình ắc quy để gọi chim. Cứ nhá nhem tối, khoảng 5h30-6h trở đi là họ bật còi gọi chim suốt đêm. Từ tháng 10 đến tháng chạp chim di cư về, nghe tiếng còi gọi bay xuống là mắc lưới.

Đoạn ở phía kia là họ đang đặt cò giả tức là những con cò bằng gỗ, quét sơn trắng khiến cho chim trên trời tưởng là có đàn cò ở dưới ruộng đang mổ mồi, bay xuống là dính. Hai người bẫy chim này đều trong thôn, họ mua đồng (đấu thầu) nên có quyền đánh chim, về bán cho các nhà hàng với giá khoảng vài chục ngàn đồng một con…Thế thấy bẫy chim như thế mà công an lại không phạt hay nhắc nhở gì à? Tôi hỏi thì ông đáp: Công an xã không nhắc nhở vì là chim trời, việc đánh bắt cũng không ảnh hưởng gì cả. Người ta còn muốn khuyến khích cho bà con đi làm ăn chứ ai lại đi cấm?

Trước mặt ông Nguyễn Trọng Thả là một loạt những cái lưới bẫy chim được mắc trên các cọc tre. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước mặt ông Nguyễn Trọng Thả là một loạt những cái lưới bẫy chim được mắc trên các cọc tre. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chứng kiến cảnh tượng đó, anh Trần Văn Trung - một trong những hộ dân liên kết trồng lúa rươi hữu cơ ở huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng nói bằng giọng buồn rầu: Bất kỳ chim gì, từ to đến bé cứ mắc lưới là họ bắt hết. Người dân không hiểu, cứ nghĩ rằng con chim trời là của tự nhiên, bắt chúng chẳng ảnh hưởng gì cả nhưng đối với tôi sản xuất hữu cơ là mong muốn thiên nhiên được trở lại như xưa với bên trên là chim trời, gió biển, bên dưới là con cua, con cáy, con rươi cùng sinh sống. Bởi thế nên tôi thấy cảnh bắt chim trời này rất đau xót, tuy nhiên chỉ trong những ruộng mình liên kết thì còn khuyên bảo được, còn đây là diện tích bên ngoài là rất khó.

Ban đầu, một số chủ ruộng liên kết với tôi cũng nghĩ đơn giản, cho người ta cắm nhờ ít lưới bắt chim cũng chẳng ảnh hưởng gì nhưng tôi phải thuyết phục họ, đừng cho bắt như thế vì rất phản cảm, vì ảnh hưởng đến tự nhiên. Ví dụ bây giờ một tổ chức quốc tế đi thăm vùng lúa rươi hữu cơ của Hải Phòng, chỉ cần họ nhìn thấy những biểu hiện của canh tác hóa học đã ghi lại rồi chứ chưa nói đến bắt chim trời thì không biết họ nghĩ gì về hệ sinh thái hữu cơ này...Anh nói là anh làm hữu cơ mà lại đi hủy diệt môi trường thì không thể nói là hữu cơ được. Hiện tượng bẫy chim này xuất hiện nhiều trên các cánh đồng, đặc biệt là đồng lúa rươi bởi canh tác tự nhiên sẽ có nhiều côn trùng, tôm, tép làm thức ăn cho chim trời. Ở xã Ngũ Phúc và Kiến Quốc của huyện Kiến Thụy có vài trăm ha lúa rươi như thế. Rất nhiều lần tôi mong muốn một cơ quan chức năng như công an, như kiểm lâm vào cuộc để bảo vệ cho môi trường sinh thái và cho cả diện tích lúa rươi hữu cơ nữa nhưng mà vẫn chưa thấy có…   

Một chú chim bị sa lưới. Ảnh: Trần Văn Trung.

Một chú chim bị sa lưới. Ảnh: Trần Văn Trung.

Được biết đầu tư cho một bộ loa và lưới đánh bắt chim trời vào khoảng 3-4 triệu đồng nhưng chỉ một hai đêm là có thể thu hồi được vốn. Trong khi đó, việc xử lý vấn nạn đánh chim trời cũng chỉ như bắt cóc bỏ đĩa, mỗi năm trên toàn TP Hải Phòng chỉ bắt được vài ba vụ. Điều quan trọng là không xử lý hình sự được mà chỉ phạt hành chính và nếu không bắt được quả tang thì chẳng ai dại gì khai loa, lưới đang giăng ngoài đồng ấy là của mình. Bởi thế từ tháng 10 đến tháng chạp nạn săn bắt chim trời cứ đến hẹn lại lên tại Hải Phòng cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong sự mặc nhiên chấp nhận đến lạnh lùng của cộng đồng.

Theo quy định tại các điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP), mọi hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép chim hoang dã (không phải loài nguy cấp, quý, hiếm) có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng (đối với cá nhân).

Xem thêm
Vụ chuyến bay giải cứu: Người nước mắt ăn năn, kẻ tự hào dù sai phạm

Sáng ngày 25/12, phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án 'chuyến bay giải cứu' tiếp tục diễn ra tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội với phần tranh tụng.