Tuổi thơ tôi đã ngụp lặn dưới lòng sông này cùng với con trâu và lũ bạn của mình. Tôi biết bơi cũng từ cái dải lụa nước hiền hòa và thanh bình ấy.
Xưa, mỗi độ hè về, dưới cái nắng như lửa trút trong gió lào, không phải chỉ bọn con nít huyên náo dưới dòng nước mát, mà người lớn cũng đua nhau vùng vẫy. Ngày tháng cứ thế trôi đi, con nước đầy rồi lại vơi dưới vầng trăng cổ độ, chúng tôi lớn lên từ những lùm sim chín của chân núi Nga Mi và cái mát lành của sông Yên lở bồi.
Thời gian như là gió, bẵng đi, đã mười mấy năm trôi. Trở về, trên con đê dọc bờ sông, lòng nôn nao như gặp lại cố nhân, như gặp lại người cũ. Bởi thèm cái buổi trưa ngày bé mà mắt không thể rời những mảnh sáng loang loáng trên sông. Dưới chân cầu Trạp, cây cầu nối làng tôi với huyện Nông Cống, thấy người lớn tụ tập, im ắng, từng tốp nhỏ; lâu lâu lại nghe ồ lên. Người ta đánh bài, trưa nóng quá, làng thì bê tông và mái tôn phủ kín nên tìm ra bờ sông dưới gầm cầu này để chơi bài uống nước hay ăn những đồng tiền lẻ, đợi mặt trợi dịu xuống.
Tôi đứng nhìn đám người, rồi lại nhìn dòng sông, thấy kỳ lạ vì không ai xuống tắm. Có thể ngồi trên bờ vào giờ này phải là một sự kiên nhẫn phi thường lắm. Ghé hỏi một người quen cũ, rằng tại sao nóng thế mà mọi người không xuống sông tắm… Người đàn ông cười như trêu, “toàn nước cứt lợn với cống rãnh chảy ra đó, tắm có mà ghẻ từ đầu xuống chân”. Tôi ngước nhìn lại dòng sông, màu nước thâm bầm chở những chai lọ và túi nilon dập duềnh lơ đãng trôi. Gió từ dưới sông thổi lên, mùi hôi xộc vào mũi. Một con lợn chết, bụng căng lên như cái trống, thong thả về biển…
Chào người quen cũ, tôi trở lên mặt đê, đôi chân nặng trĩu. Thương con sông quê chở đầy hồn những mụt nhọt thời gian mưng mủ. Nhìn tuổi thơ trôi qua trước mặt mà không thể ào vào lòng nhau.
Bạn tôi kể, cứ mỗi lần mưa về, nhất là những cơn mưa đầu mùa, cá chết trắng mặt sông, vì nước thải trừ trong các ngôi làng theo kênh mương đồng bãi mà đổ về. Trong phút chốc, con sông bị đầu độc, lũ cá tôm ngộp thở và chết tức tưởi trong sự dơ bẩn và hôi thối. Tôi không biết dọc con sông thân yêu của chúng tôi ngày bé, bây giờ có nhà máy nào cũng đang âm thầm thải nước vào lòng nó hay không, nhưng trông cái thân hình đang quằn quại chảy dưới nắng hè kia, như đang nhìn một người trong cơn hấp hối.
Ngày xưa, làng bên kia sông nuôi vịt nhiều, những con vịt xấu tính thường hay đẻ lang, chỉ đợi đến sáng được thả ra mới đi tìm ổ. Có những con đẻ luôn bên mép sông cạnh đồng cói. Đứng ở bên này, nhìn trái trứng sáng như một viên ngọc dưới ánh mặt trời, lũ con nít ùa xuống và thi nhau bơi qua sông để giành lấy, rồi mang ra đầu cầu Trạp đổi những chiếc kẹo mật, đổi “bánh nướng Toàn Thành”, những chiếc “bánh đầu ông sư”, về chia nhau ngồi ăn.
Chúng tôi lớn lên như thế, giữa những lấm láp, nghèo khổ nhưng trong lành. Chúng tôi đã lớn lên giữa đồng bãi mùi bùn gây gây nhưng sạch sẽ như một thứ đề hồ màu nâu. Chúng tôi ném nhau bằng thứ bùn ấy, đầy mình và mặt mũi, để rồi đứng trên bờ nhảy ầm xuống, dòng sông gột rửa, chỉ còn lại mùi của tuổi thơ.
Những ngôi làng nghèo thủa xưa, bây giờ nhà cao tầng mọc lên, không gian và lối sống đô thị bắt đầu lấp ló. Đất cứ hẹp dần dưới chân người chen chúc. Rồi rác thải từ một đời sống nửa nông thôn nửa phố thị cứ ngập dần lên - có nhiều những thứ rác thải mà 20 năm trước chưa từng hiện diện như chai nhựa, túi bóng, ống hút, vỏ lon…, đi đâu cũng gặp, đi đâu cũng thấy, vạ vật bên đường và đứng ngồi dưới mương nước thải.
Đô thị hóa trên những con đường làng bê tông, đô thị hóa trong dáng hình những ngôi nhà xây mỗi ngày một cao, đô thị hóa bên trong những cửa kính của những quán hàng lấp lánh; nhưng đi sâu thêm vài bước chân, phía sau những ngôi nhà cấp 4 lô xô vẫn là những chuồng lợn của một nếp sống 30 năm trước, vẫn là lũ gà vịt giày giẽ đất quanh chiếc giếng khơi. Nước thải sinh hoạt ngày một nhiều, rác thải ngày một lắm nhưng chẳng biết mang đi đâu, chẳng biết xử lý thế nào. Có nhiều người cứ thế, trên đường đi làm thì xách theo, ngang qua con sông thì quẳng ùm xuống, phủi tay, bình thản.
Khi rác nhiều quá, xã tổ chức thu gom, mỗi hộ đóng tiền hàng tháng, có xe tới lấy mang đi. Mà là mang ra đồng, nơi một khoảnh đất trống, và cứ thế chất lên, lưu cữu, hôi thối.
Sống trong rác, sống giữa rác, người và rác lẫn vào nhau. Nước máy không có mà đất đai thì ô nhiễm. Những chiếc giếng khơi giếng khoan âm thầm đứng bên những chuồng lợn, chuồng gà và những rãnh nước thải trong những mảnh đất mỗi ngày một chật chội. Nước bẩn cứ thế ngấm xuống, rồi lại múc lên tắm rửa ăn uống... Người chết ung thư ngày một nhiều, có những xóm chết ráo, toàn những người đàn ông lực lưỡng mới 50, 60 tuổi.
Bỗng thấy cái ước muốn một lần trở về ngụp lặn trên dòng sông thơ bé yên ả kia thật là xa xỉ và cả nhẫn tâm nữa. Đến chiếc giếng khơi trong làng còn bốc lên mùi hôi hám thì đòi cả một dòng sông sạch sẽ trong lành làm sao được. Tôi tự hỏi, có bao nhiêu ngôi làng như thế, có bao nhiêu dòng sông tuôi thơ đang chết đi như thế, trên khắp nước mình?
Và, bao giờ cho đến ngày xưa…