| Hotline: 0983.970.780

Những bài học kinh nghiệm ứng phó xâm nhập mặn trên cây ăn trái

Thứ Năm 22/10/2020 , 17:00 (GMT+7)

Để ứng phó trong mùa khô hạn 2020-2021 sắp tới, nông dân ĐBSCL cần rút ra những bài học kinh nghiệm để chủ động hơn trước ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Mùa khô 2019 – 2020, ĐBSCL hứng chịu ảnh hưởng khốc liệt của khô hạn và xâm nhập mặn. Dù đã chuẩn bị kỹ càng nhưng ảnh hưởng đã vượt lên trên sự tiên lượng của chính quyền địa phương lẫn người dân. Hậu quả thật nặng nề, 5 tỉnh ven biển đã phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

Theo Bộ NN-PTNT, toàn vùng ĐBSCL có trên 25 nghìn ha cây ăn trái bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Một số loại cây ăn quả chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là cây sầu riêng 9,64 nghìn ha, bưởi 5,74 nghìn ha, chanh 2,34 ngìn ha, chôm chôm 4,61 nghìn ha.

Xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 đã ảnh hưởng gần 10 nghìn ha cây sầu riêng ở ĐBSCL. Ảnh: Minh Đãm.

Xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 đã ảnh hưởng gần 10 nghìn ha cây sầu riêng ở ĐBSCL. Ảnh: Minh Đãm.

Tỉnh Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của xâm nhập mặn trong mùa khô đầu năm nay. Số liệu quan trắc độ mặn của Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Bến Tre cho thấy độ mặn 4‰ xâm nhập sâu vào các nhánh sông của tỉnh, độ mặn 1‰ hầu như bao trùm toàn tỉnh. Diện tích cây ăn quả của tỉnh bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn chiếm trên 50% tổng diện tích bị thiệt hại của toàn vùng, trên 13,5 nghìn ha.

Nguyên nhân gây thiệt hại là gì?

Thông tin về những nguyên nhân gây thiệt hại trên cây ăn quả, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT đã cho biết những nguyên nhân như: Do tình hình khô hạn kéo dài, thiếu nước ngọt tưới, một số nơi không thể vận chuyển nước mua, nước hỗ trợ dẫn đến đất khô không đủ ẩm, đất bị xì phèn, nước nhiễm phèn. Bên cạnh đó, nước mặn xâm nhập, rò rỉ qua bờ bao vào mương vườn ảnh hưởng nghiêm trọng trên những vườn không có đê bao khép kín.

Một số người dân nóng lòng đã tưới nước nhiễm mặn nhẹ để cung cấp cho cây, độ mặn tích tụ dần và dẫn đến thiệt hại. Cây bị sốc do môi trường bất lợi như có những cơn mưa đầu mùa cây ra lá, rễ non nhưng sau đó nắng nóng kéo dài thêm 20-30 ngày, tiếp tục khô hạn làm rễ và đọt non bị tổn thương, cây không còn đủ sức phục hồi.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như thiết kế vườn cây chưa tốt, một số vườn lên liếp thấp, khoảng cách giữa các liếp hẹp, không đủ diện tích mặt nước để trữ nước sử dụng trong mùa khô. Nhu cầu khoảng 300 - 800 mét khối nước/ha trong 3 tháng mùa khô. Nông dân áp dụng quy trình canh tác chưa tốt, một số hộ dân lạm dụng phân, thuốc hóa học, đặc biệt sử dụng Paclobutrazol để kích thích ra hoa nghịch vụ trong thời gian dài, dẫn đến cây suy yếu, không có khả năng chống chịu khi gặp điều kiện bất lợi như khô hạn, xâm nhập mặn.

 Vì sao nhiều vườn cây không bị thiệt hại?

Nhà vườn Nguyễn Công Thành, ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, ông đã dự trữ được một số lượng lớn nước ngọt trong các mương vườn trước khi mặn ké đến. Thời gian xâm nhập kéo dài, ông còn thuê ghe chở nước về dự trữ trong ao đến gần 200 khối, đủ cho vườn cây qua được mùa hạn ròng rã gần nửa năm trời.

Tuy nhiên, theo ông Thành vấn đề sử dụng nước tiết kiệm, tưới nhỏ giọt là yếu tố quan trọng giúp ông tiết kiệm nước, tiết kiệm chi phí. Mùa khô sắp tới, ông Thành cho biết ông sẽ dự trữ nước từ sớm, tăng cường dự trữ lên gấp 2-3 lần so với mùa rồi, không để bị động.

Vườn cây của ông Nguyễn Công Thành vẫn xanh tốt giữa vòng vây của hạn mặn nhờ tích nước và sử dụng nước tiết kiệm. Ảnh: Minh Đãm.

Vườn cây của ông Nguyễn Công Thành vẫn xanh tốt giữa vòng vây của hạn mặn nhờ tích nước và sử dụng nước tiết kiệm. Ảnh: Minh Đãm.

Những yếu tố tích cực tại các vườn cây đã vượt qua được hạn mặn, được Cục Trồng trọt ghi nhận để chỉ đạo sản xuất trong mùa vụ tới. Theo Cục Trồng trọt, diện tích các vườn cây không bị thiệt hại do người dân chủ động dự trữ nước ngọt, sử dụng hợp lý nguồn nước do nhà nước hỗ trợ hoặc tự mua thêm nước để tưới.

Song song đó, người dân áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật chăm sóc bảo vệ cây trong điều kiện hạn, mặn theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Các giải pháp kỹ thuật được áp dụng nhiều nhất là tích cực trữ nước bằng nhiều giải pháp, tận dụng nhiều vật liệu. Bón phân hữu cơ, bón vôi, phun phân bón trung vi lượng, các chế phẩm để tăng sức chống chịu của cây. Đồng thời, giữ ẩm cho cây bằng các giải pháp phủ trấu, rơm, lá dừa, lá chuối, cỏ khô, lục bình lên gốc cây, tỉa bớt hoa trái, tỉa cành. Các công trình phòng chống hạn mặn được vận hành hợp lý, hiệu quả và phương án hỗ trợ vận chuyển nước ngọt của tỉnh kịp thời.

Nông dân cần làm gì trong mùa khô sắp tới?

Theo Bộ NN-PTNT, các địa phương cần vận động tuyên truyền nông dân sản xuất cây ăn trái đúng theo kế hoạch đề ra, tập trung sản xuất cây ăn trái theo vùng quy hoạch. Xây dựng và củng cố hệ thống đê bao xung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập. Chủ động dự trữ nước ngọt trong mương, ao để tưới cho cây trong thời gian nước ngoài kênh có độ mặn cao. Chủ động đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước, không tưới nước có độ mặn trên 1‰. Đối với một số loại cây mẫn cảm với độ mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt không tưới nước có độ mặn trên 0,5‰.

Nông dân Bến Tre rải vôi xử lý đất nhiễm mặn, phèn trên cây chôm chôm. Ảnh: Minh Đãm.

Nông dân Bến Tre rải vôi xử lý đất nhiễm mặn, phèn trên cây chôm chôm. Ảnh: Minh Đãm.

Trong thời gian nhiễm mặn, chỉ tưới nước tối thiểu giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt. Thời tiết nắng nóng, hạn mặn kéo dài nguồn nước dự trữ thiếu hụt sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho đất. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa, không để trái để hạn chế tối đa thoát hơi nước. Tăng cường bón phân hữu cơ, lân, canxi, hạn chế việc sử dụng phân hóa học khác, có thể kết hợp phun phân bón lá có chứa kali, canxi, silic, các chế phẩm có chứa acid amin giúp tăng sức đề kháng cho cây.

Theo Cục Trồng trọt, từ công tác quản lý, chỉ đạo phòng chống hạn, mặn cây ăn quả thời gian qua cho thấy một số bài học kinh nghiệm. Các địa phương chủ động xây dựng phương án ứng phó phù hợp với diễn biến hạn mặn. Tổ chức thực hiện quyết liệt, nhưng cần phải ứng phó kịp thời theo diễn biến phức tạp của hạn, mặn. Ngăn mặn phải triệt để, kịp thời để trữ được ngọt và phải có nguồn nước ngọt bổ cấp khi ngăn mặn trong thời gian dài.

Mùa khô tới nông dân cần tích nước trong mương vườn để ứng phó hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Mùa khô tới nông dân cần tích nước trong mương vườn để ứng phó hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân phải chủ động ngăn mặn, trữ ngọt kịp thời kết hợp với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc, bảo vệ cây như: quản lý cỏ, giữ ẩm cho cây, để trái phù hợp với tình trạng sinh trưởng của cây, tuyệt đối không tưới nước nhiễm mặn cho cây. Trong quá trình thực hiện các giải pháp bảo vệ sản xuất, không được chủ quan, cần xác định được và xử lý tốt tất cả các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến vườn cây ăn quả như: nguồn nước tưới, tác động của việc rò rỉ mặn, tình hình sức khỏe của cây. Chỉ cần bỏ qua bất kỳ một mối nguy nào cũng có thể dẫn đến thiệt hại cho cây trồng. Tận dụng bằng nhiều nguồn nước ngọt để tưới đồng thời phải giữ được nước ở chân mương vườn cây.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam: Hiện nay, có rất nhiều cách tích nước như tích trong mương vườn, dùng bạt lót đáy ao tích nước, dùng túi tích trữ nước. Hiện nay, nhiều người dân trồng cây khôi phục sản xuất thì đã rút kinh nghiệm đắp mô cao hơn mô cũ 3 tấc, mặn có xâm nhập cũng sẽ không ảnh hưởng hết toàn bộ rễ cây. Người dân nên liên hệ chặt chẽ với chính quyền để nắm thông tin về độ mặn, khuyến cáo sản xuất của nhà nước.

Bến Tre: Chủ động ứng phó hạn mặn mùa khô 2020-2021

Mới đây, tỉnh Bến Tre vừa tổ chức buổi hội nghị để chủ động ứng phó với tình hình hặn mặn trong mùa khô tới. Ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, vấn đề thủy lợi, cấp nước rất quan trọng, có ý nghĩa sống còn cho sự phát triển của tỉnh.

Bí Thư tỉnh ủy Bến Tre yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động các kế hoạch, sẵn sàng các phương án để bảo vệ sản xuất, kiểm soát được thủy lợi và đặc biệt kiểm soát được cấp nước; quyết tâm không để tình trạng thiếu nước xảy ra như năm 2019-2020.

  • Tags:
Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.