| Hotline: 0983.970.780

2 kịch bản chủ động đối phó xâm nhập mặn

Thứ Tư 23/09/2020 , 06:00 (GMT+7)

Hôm nay (23/9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020-2021 tại Tiền Giang.

Theo các cơ quan khoa học của Bộ NN-PTNT, tình trạng xâm nhập mặn năm 2021 sẽ sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm nên cần nhiều biện pháp ứng phó chủ động.

Ít nước, lũ nhỏ

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng lượng mưa tích lũy trên lưu vực sông Mê Kông từ đầu mùa mưa (tháng 6/2020) đến nay ở Trung Quốc, trung và hạ lưu sông Mê Kông thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 25-45%, riêng thượng lưu sông Mê Kông cao hơn TBNN từ 10-25%.

Do hiện tượng La Nina diễn ra vào cuối năm, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông từ tháng 9 đến hết năm 2020 khả năng ở mức cao hơn TBNN từ 15-30%. Với dự báo mưa nêu trên, nguồn nước đang thiếu hụt trên lưu vực sông Mê Kông được bù đắp bằng lượng mưa muộn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khảo sát thực địa các công trình ứng phó với hạn mặn tại tỉnh Bến Tre ngày 8/3/2020. Ảnh: Minh Đãm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khảo sát thực địa các công trình ứng phó với hạn mặn tại tỉnh Bến Tre ngày 8/3/2020. Ảnh: Minh Đãm.

Tuy nhiên, xét trung bình lượng mưa năm 2020 trên toàn lưu vực thì vẫn có khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 5-15% và năm 2020 được dự báo tiếp tục là năm ít nước, lũ về ĐBSCL nhỏ.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ đến sớm hơn, gay gắt hơn nhiều so với TBNN, nhưng ít khả năng nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2019-2020.

Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN-PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 có thể xảy ra theo 2 kịch bản.

Thứ nhất, mưa trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện như dự báo của một số tổ chức khí tượng quốc tế, các tháng cuối năm 2020 lượng mưa cao hơn TBNN. Khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức cao hơn nhiều so với TBNN, mức độ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh tương đối nghiêm trọng, một số thời điểm ngắn hạn tương đương năm 2015-2016.

Thứ hai, mưa trên lưu vực sông Mê Kông tiếp tục ở mức thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa mưa đến nay, khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức cao hơn nhiều so với TBNN, mức độ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh từ nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng, tương đương năm 2015-2016, một số thời điểm tương đương năm 2019-2020.

Dựa theo 2 kịch bản này, Bộ NN-PTNT cũng vạch ra 2 khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn đối với khu vực ĐBSCL trong mùa khô 2020-2021.

Theo kịch bản 1, nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 chủ yếu ở các tỉnh ven biển, tổng diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 85.000 ha cây trồng (chiếm khoảng 5,3% diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân 2020-2021 vùng ĐBSCL theo kế hoạch).

Trong khi đó, tổng diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng hơn 50.000 ha (chiếm khoảng 14% diện tích cây ăn quả toàn vùng ĐBSCL).

Còn theo kịch bản 2, nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 chủ yếu ở các tỉnh ven biển, tổng diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 97.000 ha cây trồng (chiếm khoảng 6,1% diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân 2020-2021 vùng ĐBSCL theo kế hoạch).

Với cây ăn trái, tổng diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng khoảng 82.000 ha (chiếm khoảng 23% diện tích cây ăn quả toàn vùng ĐBSCL).

Dù là theo kịch bản nào, ảnh hưởng của xâm nhập mặn đối với nuôi trồng hải sản cũng đáng lưu ý. Cụ thể, các vùng nuôi tôm nước lợ quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm lúa tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Bến Tre sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó còn tác động đến, các hộ nuôi cá lồng trên hệ thống sông Cửu Long và khu vực nuôi nhuyễn thể tại vùng triều và cửa sông ở Tiền Giang và Bến Tre.

Đáng lo ngại nữa là, dự kiến có khoảng 70.600 hộ bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Long An, Kiên Giang và Bạc Liêu.

Chủ động phòng chống

Với tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở ĐBSCL.

Bên cạnh các biện pháp đã thực hiện, Bộ NN-PTNT sẽ cập nhật liên tục hàng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông và ĐBSCL. Ngoài ra, Bộ tập trung rà soát, xây dựng cụ thể kế hoạch đắp đập tạm ngăn mặn, sửa chữa, nâng cấp các ô bao, bờ bao, các cống để vừa đảm bảo ngăn lũ, triều cường và ngăn mặn.

Sóc Trăng và Bạc Liêu có khu vực Ninh Quới, thường xảy ra tranh chấp hạn mặn, nhưng năm nay đã có công trình cống Âu thuyền Ninh Quới điều tiết nước, phát huy hiệu quả rất cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Sóc Trăng và Bạc Liêu có khu vực Ninh Quới, thường xảy ra tranh chấp hạn mặn, nhưng năm nay đã có công trình cống Âu thuyền Ninh Quới điều tiết nước, phát huy hiệu quả rất cao. Ảnh: Tùng Đinh.

Đối với các công trình thủy lợi, Bộ NN-PTNT tổ chức vận hành hợp lý để lấy được cao nhất lượng nước ngọt xuất hiện trong thời kỳ xâm nhập mặn ảnh hưởng và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý.

Các giải pháp cho lúa được Bộ NN-PTNT đưa ra bao gồm khoanh vùng sản xuất an toàn trong điều kiện ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, không tổ chức sản xuất ở vùng nguồn nước không chắc chắn.

Bố trí thời vụ hợp lý, chủ động xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2020-2021 cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Bộ cũng khuyến cáo ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, giống lúa chất lượng cao cho những vùng không bị ảnh hưởng hạn mặn; sử dụng các giống lúa ngắn ngày, lúa chịu mặn cho các vùng ảnh hưởng hạn mặn.

Ngoài ra, cần tranh thủ thu hoạch sớm lúa Thu Đông và làm đất xuống giống ngay vụ Đông Xuân trước ngày 10/01/2021. Những diện tích lúa không xuống giống được cần chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Đối với diện tích cây ăn trái, cần rà soát diện tích chi tiết đến từng loại cây trồng của từng huyện, hướng dẫn người dân tính toán, cân đối nguồn nước tưới cần thiết trong toàn bộ thời gian ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó.

Tiếp tục tổ chức phổ biến các giải pháp kỹ thuật rửa mặn, cải tạo đất phục hồi cây đã bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn mặn sau mùa khô năm 2019-2020, giúp cây khỏe mạnh, đủ sức chống chịu để vượt qua các điều kiện bất lợi trong mùa khô 2020-2021.

Tùy tình hình sinh trưởng của cây, trước khi mùa mưa chấm dứt, nên tiến hành bón phân cân đối và đầy đủ giúp cây phục hồi sau vụ thu hoạch, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt vượt qua các điều kiện bất lợi.

Theo Bộ NN-PTNT, bà con cần chủ động che phủ đất trong mùa khô bằng các vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình...) hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho đất. Nên để cỏ phủ trên vườn, hạn chế cắt cỏ để giảm thất thoát nước trong mùa nắng và áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm.

Bộ NN-PTNT cũng sẽ phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, kịp thời hướng dẫn người dân thực hiện hiệu quả các giải pháp chủ động bảo vệ vườn cây trong mùa khô tới.

Về nuôi trồng thủy sản, Bộ sẽ tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các khuyến cáo, kết quả quan trắc môi trường của ngành chức năng để người dân kịp thời có biện pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn.

Phổ biến quy trình kỹ thuật nuôi trồng phù hợp trong điều kiện hạn mặn. Đặc biệt là các mô hình nuôi (quảng canh cải tiến, tôm - rừng, tôm - lúa) đến người nuôi áp dụng nhằm tăng năng suất, giá trị và thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn.

Còn với nước sinh hoạt, cần xây dựng và ban hành kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chủ động thực hiện các giải pháp cân đối nước tại chỗ, trữ nước theo hộ gia đình, ấp, khóm, xã, huyện, tỉnh.

Giành thắng lợi nhờ chuyển đổi thời vụ sản xuất

Nhờ các giải pháp chủ động, đồng bộ, tác động của hạn mặn trong mùa khô 2019-2020 đến sản xuất và dân sinh đã được giảm thiểu đáng kể.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tổng diện tích lúa bị thiệt hại do hạn mặn là 58.400 ha, bằng 14% so với diện tích bị ảnh hưởng năm 2015-2016 (tổng mức ảnh hưởng năm 2015-2016 là 405.000 ha).

Trong khi đó, diện tích cây ăn trái bị thiệt hại là 25.120 ha, bằng 88% so với diện tích bị ảnh hưởng năm 2015-2016 (tổng mức ảnh hưởng năm 2015-2016 là 28.500 ha); trong đó, có 18.470 ha thiệt hại sau thời gian xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng.

Với nước sinh hoạt, có tổng cộng khoảng 96.000 hộ dân gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn, chỉ bằng 54% mức ảnh hưởng năm với năm 2015-2016 (tổng cộng 210.000 hộ).

Để đạt được kết quả trên, phải kể đến hiệu quả từ công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương quan tâm thực hiện sớm, quyết liệt.

Đặc biệt việc khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi thời vụ sản xuất để né hạn mặn, giảm thiểu diện tích cây trồng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Bộ NN-PTNT cũng cho nhận định, việc bố trí diện tích, cơ cấu thời vụ (thời gian gieo cấy) phù hợp với tình hình diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với xâm nhập mặn. Giải pháp này cần phải tiếp tục nghiên cứu, triển khai áp dụng cho ĐBSCL và các khu vực trên cả nước.

  • Tags:
Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…