| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực sớm nhất giảm thiểu thiệt hại vườn cây ăn quả vùng ĐBSCL

Thứ Tư 23/09/2020 , 10:20 (GMT+7)

Sáng 17/9, tại Tiền Giang Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh sẽ chủ trì hội nghị quan trọng bàn giải pháp khôi phục, bảo vệ và quản lý vườn cây ăn quả ĐBSCL.

Khó khôi phục trong một thời gian ngắn

Hạn, mặn đã xảy ra ở vùng ĐBSCL, nơi có vùng trồng cây ăn trái tập trung với diện tích hơn 300 nghìn ha đã để lại những tác hại nặng nề đối với đất đai và cây trái rất khó khắc phục trong một thời gian ngắn. Chính vì vậy, ngay mùa lũ nhưng đã diễn ra một hội nghị quan trọng bàn các giải pháp ứng phó với hạn, mặn để bảo vệ vườn cây ăn quả trong mùa khô 2020-2021 ở ĐBSCL.

Vườn sầu riêng bị thiệt hại do hạn mặn trng mùa khô 2019-2020. Ảnh: Minh Đãm.

Vườn sầu riêng bị thiệt hại do hạn mặn trng mùa khô 2019-2020. Ảnh: Minh Đãm.

Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích cây ăn quả cả nước năm 2019 đạt 1,067 ngàn ha. Diện tích cây ăn quả các tỉnh phía Nam liên tục tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khác nhau giữa các vùng, địa phương và các thời kỳ. Riêng ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực lớn nhất cả nước, chiếm 39% tổng diện tích cây ăn quả cả nước.

ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn quả (CAQ) lớn nhất cả nước với hơn 300 nghìn ha, chiếm khoảng 58% diện tích CAQ toàn miền Nam. Có nhiều chủng loại cây ăn quả đặc sản như sầu riêng Ri 6, xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm Java, bưởi da xanh, vú sữa Lò rèn... Tuy nhiên, trong những năm gần đây tác động của biến đổi khí hậu đã gây những tổn thất lớn cho con người, đất đai và cây trồng vùng ĐBSCL.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Mùa khô 2019-2020 diện tích cây ăn quả vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn khoảng 25,12 nghìn ha. Trong đó, cây sầu riêng 9,64 nghìn ha, bưởi 5,74 nghìn ha, chanh 2,34 ngìn ha, chôm chôm 4,61 nghìn ha, hồng xiêm 0,10 nghìn ha và cây ăn quả khác 2,65 nghìn ha.

Vùng thượng nguồn có tỉnh Long An, diện tích bị hạn khoảng 2,5 nghìn ha chiếm khoảng 10 % diện tích hạn mặn toàn vùng. Vùng giữa là trọng điểm phát triển cây ăn quả của ĐBSCL có Tiền Giang, Vĩnh Long diện tích bị hạn mặn khoảng 8,8 nghìn ha (chiếm 35 %). Vùng giáp biển Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, diện tích bị hạn khoảng 13,8 nghìn ha, chiếm tới 55% diện tích hạn mặn cây ăn quả toàn vùng.

Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, hiện nay nhiều bà con nông dân đang bắt tay vào việc khôi phục vườn cây ăn quả. Vì vậy, cần phải có các giải pháp kỹ thuật phục hồi sinh trưởng, phát triển vườn cây ăn quả sau hạn mặn. Đồng thời, chuẩn bị tốt công tác phòng chống hạn, xâm nhập mặn cho mùa khô 2020-2021 để giảm thiểu những thiệt hại ở mức thấp nhất có thể xảy ra.

 Dân đốn bỏ vườn sầu riêng bị thiệt hại do hạn mặn. Ảnh: Minh Đãm.

 Dân đốn bỏ vườn sầu riêng bị thiệt hại do hạn mặn. Ảnh: Minh Đãm.

Xâm nhập mặn có thể xảy ra theo 2 kịch bản

Tổng cục Thủy lợi dự báo, theo tính toán của các cơ quan khoa học, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 dự kiến có thể xảy ra 2 kịch bản.

Kịch bản 1, mưa trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện như dự báo của một số tổ chức khí tượng quốc tế (các tháng cuối năm 2020 lượng mưa cao hơn TBNN), khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức nặng đến rất nặng. Phạm vi xâm nhập mặn 4 g/lít sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 55-65 km xuất hiện từ tháng 2, 3/2021, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15-20 km, thấp hơn năm 2015-2016 từ 5-8 km, thấp hơn năm 2019-2020 từ 7-13 km.

Kịch bản 2, mưa trên lưu vực sông Mê Công tiếp tục ở mức thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa mưa đến nay, khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức rất nặng đến nghiêm trọng. Phạm vi xâm nhập mặn sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 60-70 km xuất hiện từ tháng 2, 3/2021, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 20-25 km, ở mức tương đương với năm 2015-2016, một số thời điểm ngắn hạn ở mức tương đương năm 2019-2020.

Xâm nhập mặn mùa khô 2020- 2021 có thể xảy ra theo hai kịch bản. Ảnh: Minh Đãm.

Xâm nhập mặn mùa khô 2020- 2021 có thể xảy ra theo hai kịch bản. Ảnh: Minh Đãm.

Như vậy, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020-2021 ảnh hưởng đến vùng cây ăn trái có thể xảy ra theo 2 kịch bản. Theo đó, ở kịch bản thứ nhất lượng mưa như dự báo, mặn xâm nhập lớn nhất ở thời kỳ tháng 2, 3/2021 có khả năng ảnh hưởng đến gần 50.000 ha diện tích cây ăn trái. Theo kịch bản thứ 2 lượng mưa thấp hơn dự báo, mặn xâm nhập lớn nhất ở thời kỳ tháng 2, 3/2021 có khả năng ảnh hưởng đến gần 82.000 ha diện tích cây ăn trái.

Giải pháp trước mắt và lâu dài

Tổng cục Thủy lợi đưa ra nhiều giải pháp, nhưng trước mắt là cập nhật liên tục hàng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Công và ĐBSCL. Tổ chức đo đạc, theo dõi độ mặn (đến mức ≤1g/l) ở các vùng cửa sông, cửa lấy nước tại các vùng trồng cây ăn trái. Thực hiện tích trữ nước ngọt tối đa vào các kênh rạch, ao hồ, đầm trũng nhất là vào thời kỳ gần cuối mùa mưa.

Cụ thể nhất từ năm 2021, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức giám sát, dự báo gianh mặn 4g/l, 2g/l, 1g/l và sẽ cung cấp thường xuyên thông tin cho các địa phương, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.

Về lâu dài, để vùng trồng cây ăn trái trên ĐBSCL phát triển bền vững cần tiếp tục tăng cường thực hiện các nội dung Nghị quyết 120/NQ-CP. Thực hiện việc rà soát quy hoạch, đẩy mạnh việc chuyển đổi, bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với các tiểu vùng sinh thái: lũ, ngọt, mặn - lợ. Riêng với hạ tầng nông nghiệp cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi vùng trồng cây ăn trái. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tích trữ nước hợp lý trong các vườn trồng cây ăn trái.

Cục Trồng trọt đưa ra nhữngkhuyến cáo để ứng phó với hạn mặn trong mùa khô tới. Ảnh: Minh Đãm.

Cục Trồng trọt đưa ra nhữngkhuyến cáo để ứng phó với hạn mặn trong mùa khô tới. Ảnh: Minh Đãm.

Cục Trồng trọt đã đưa ra những khuyến cáo rất cụ thể để ứng phó với hạn mặn cho mùa khô tới. Đó là, đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước tưới, không tưới nước có độ mặn trên 1 phần nghìn cho cây. Đối với một số cây ăn trái mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... không tưới nước có độ mặn trên 0,5 phần nghìn. Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt.

Cân đối nguồn nước tưới để chủ động tích trữ nước ngọt thông qua hệ thống cống đập, bờ kè, các hồ kênh mương dự trữ nước ngọt. Đào ao, nạo vét các kênh mương trong vườn để trữ nước. Sử dụng các túi đựng để trữ nước, kết hợp sử dụng nguồn nước tiết kiệm thông qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt, phun sương.

Chủ động che phủ đất trong mùa khô bằng các vật liệu hữu cơ hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho đất. Nên để cỏ phủ trên vườn, hạn chế làm cỏ để giảm thất thoát nước trong mùa nắng. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa khi gặp điều kiện khô hạn, thiếu nước tưới để hạn chế bốc, thoát hơi nước. Không tiến hành xử lý ra hoa rải vụ, trái vụ, trồng mới trong thời gian hạn mặn nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây. Về lâu dài đầu tư xây dựng hoàn thiện khép kín các hệ thống thủy lợi vùng trồng cây ăn quả và lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đãm.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Đãm.

Thiệt hại nặng nhất là cây sầu riêng

Tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 đã ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân toàn tỉnh. Mặc dù UBND, các ngành các cấp của tỉnh đã có sự chủ động phòng ngừa ứng phó xâm nhập mặn và hạn rất sớm nhưng tình hình thiệt hại vẫn cao hơn so với năm 2016.

Tổng diện tich cây trồng bị thiệt hại là 14.500 ha, trong đó tỷ lệ thiệt hại từ 30-70% là gần 5.700 ha và thiệt hại trên 70% là 8.800 ha. Thiệt hại nặng nhất là cây sầu riêng với diện tích thiệt hại là 5.480 ha. Ngay sau khi hạn mặn chấm dứt, tỉnh đã phối hợp với các nhà khoa học và cơ quan chuyên môn thực hiện ngay các giải pháp khôi phục sản xuất. Công tác rửa mặn, phục hồi cây trồng được tỉnh khẩn trương thực hiện.

Đối với cây ăn trái bị ảnh hưởng nhẹ đang dần phục hồi. Đối với cây bị ảnh hưởng trên 70% được người dân trồng lại cây thay thế. Để chủ động công tác phòng chống hạn mặn trong những năm tiếp theo, Tiền Giang đã xây dựng ban hành phương án ứng phó chi tiết theo từng vùng.

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại để quảng bá, góp phần tiêu thụ sản phẩm do nông dân sản xuất là rất quan trọng. Do yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu đòi hỏi phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên công tác xây dựng và cấp mã vùng tại Tiền Giang rất được chú trọng. Mục tiêu đến năm 2025, Tiền Giang xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo truy xuất nguồn gốc cho trên 50% diện tích các loai cây trồng trên địa bàn của tỉnh.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: Minh Đãm.

Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: Minh Đãm.

Cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Đến nay đối với các thị trường “khó tính”, đã cấp được 998 mã số vùng trồng, trong đó các mã số được cấp nhiều nhất là cho thị trường Hoa Kỳ (471). Tiếp đó là Úc và New Zealand (393), Hàn Quốc (199) và cuối cùng là các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, EU. Ngoài ra, cũng đã cấp 47 mã số cơ sở đóng gói cho nông sản xuất khẩu sang các thị trường này.

Đối với thị trường Trung Quốc, tính đến tháng 8/2020 đã có 47 tỉnh gửi văn bản đề nghị và đã cấp được 1.735 mã số vùng trồng với diện tích trên 180 000 ha cho 9 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt) đã được xuất khẩu chính ngạch và 1.832 mã số cơ sở đóng gói. Trong số này, xoài, nhãn, thanh long là các sản phẩm có nhiều mã số vùng trồng được cấp nhất. Riêng đối với khu vực ĐBSCL hiện đã cấp 628 mã vùng trồng và 924 cơ sở đóng gói phục xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Đãm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Minh Đãm.

Cần thống nhất quan điểm căn cơ

Hạn mặn năm 2019-2020 gay gắt hơn 2015-2016, chúng ta rất cố gắng từ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành, địa phương. Năm vừa rồi bằng rất nhiều các giải pháp, quyết tâm, chúng ta đã vượt qua một năm đầy thử thách. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều bài học mà chúng ta cần phải thảo luận. Thời gian tới câu chuyện này chắc chắn sẽ lặp đi lặp lại, chu kỳ gần như là hàng năm rồi. 

Tại hội nghị này, chúng ta sẽ bàn các giải pháp để có những chỉ đạo, điều hành hiệu quả ứng phó với hạn, mặn cho vườn cây ăn quả vùng ĐBSCL trong mùa khô tới. Bởi cây ăn quả là cây trồng dài ngày, vốn đầu tư cho lớn, hạn mặn ảnh hưởng rồi sẽ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng dai dẳng. Cần thống nhất quan điểm căn cơ, chứ không thể để hạn mặn ảnh hưởng sâu rộng hơn.

Đối với vấn đề mã số vùng trồng, xuất xứ hàng hoá theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thì EU là một thị trường tiềm năng, quan trọng. Hầu hết các dòng thuế sẽ về không trong thời gian ngắn, lộ trình rất là nhanh, 94% các dòng thuế sẽ về không ngay từ ngày 1/8. Nhưng ngược lại họ có một yêu cầu rất cao về mặt kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm cho nên từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến phải rất nghiêm ngặt thì mới tận dụng được.

Đối với mã số vùng trồng, Bộ NN-PTNT đã giao cho một cơ quan đầu mối là Cục Bảo vệ thực vật cùng với các địa phương đưa ra các tiêu chí xây dựng và cấp. 

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.