| Hotline: 0983.970.780

Những công trình mọc lên… từ sức dân

Thứ Ba 17/09/2019 , 13:20 (GMT+7)

Hiếm có một vùng quê thuần nông nào như xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), người dân đồng lòng hiến hàng chục ha đất để làm đường giao thông, xây dựng nông thôn mới (NTM).

16-59-41_1
Nhà cửa khang trang, đường làng sạch sẽ ở Tình Cương.

Khắp vùng quê, đâu đâu cũng là đường bê tông sạch đẹp, dài tít tắp nhưng xã không mất một đồng tiền giải phóng mặt bằng.
 

Nội lực Tình Cương

Nằm ven bờ con sông Thao hiền hòa, uốn lượn, Tình Cương sạch sẽ, đẹp đẽ như một bức tranh với đầy màu xanh cây cỏ. Bao năm, người dân nơi đây vẫn sống bám vào ruộng đồng, tính tình chất phác, thật thà. Ông Nguyễn Trọng Phú, Chủ tịch UBND xã Tình Cương cho biết, xã chính thức được công nhận đạt chuẩn NTM từ tháng 11/2017, điều mà chẳng mấy người nghĩ có thể làm được khi mới bắt tay vào triển khai.

Theo ông Phú, vốn là xã thuần nông với xuất phát điểm thấp, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Mỗi năm, người dân chỉ trông chờ vào hai vụ lúa với ít rau màu. Nhưng không vì khó khăn mà ỷ lại, chính quyền và nhân dân Tình Cương cùng nhau đưa nhiều kế sách phát triển kinh tế.

Tình Cương phát động chiến dịch tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Với những diện tích kém hiệu quả, người dân được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác, sản xuất theo quy mô hàng hóa giá trị cao. Từ đây, nhiều mô hình kinh tế có giá trị ra đời và được nhân rộng. Điển hình như dự án trồng dâu nuôi tằm, sản xuất cánh đồng mẫu lớn, chăn nuôi bò lai giá trị cao.

16-59-41_2
Do người dân tự nguyện hiến đất, đường giao thông nội đồng ở Tình Cương được mở rộng.

Ngoài ra, địa phương này cũng đẩy mạnh phát huy các làng nghề truyền thống như làng nghề mộc, may mặc hay cơ khí. Đặc biệt, những hộ tham gia phát triển nghề truyền thống được chính quyền xã tạo điều kiện tối đa khi vay vốn ngân hàng để sản xuất, quảng báo, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Chỉ trong vòng vài năm, đời sống cả về vật chất và tinh thần của người dân Tình Cương thay đổi rõ rệt. Theo ông Phú, những năm qua, khi xã phát động làm đường giao thông nông thôn, nội đồng đều được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Các hộ dân đã tự nguyện “xén” 4.500 m2 của gia đình để mở rộng các tuyến đường bê tông. Với đường giao thông nội đồng, các hộ dân họp bàn, quyết định hiến 28 m2/sào với những mảnh có đường chạy qua.

Nhờ vậy, giờ đây về Tình Cương, ô tô có thể băng băng chạy giữa những cánh đồng thơm mùi lúa. Người dân tha hồ thuê máy gặt, cày bừa xuống đồng một cách nhàn nhã. Ông Phú khẳng định, hiếm có một nơi nào như ở Tình Cương, đường bê tông 5 – 7 mét khắp nơi mà chưa bao giờ phải đi giải phóng mặt bằng hay cưỡng chế.
 

Công trình nghĩa tình

Ông Phú tiết lộ, dù là vùng đất thuần nông, nhưng con em Tình Cương xa quê đi làm ăn, tương đối nhiều người thành đạt. Không ít người trở về, góp công, góp của xây dựng để Tình Cương khang trang, sạch đẹp như hôm nay.

Tình Cương cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của TS Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Từ năm 2011, ông Hưởng khởi xướng đầu tư xây dựng cụm công trình gồm: Trường tiểu học, THCS và Trạm y tế xã Tình Cương. Ngoài ra, nhiều nhà tạm cũng được đơn vị này đứng ra xây mới cho người dân. Tổng số tiền đầu tư khoảng 50 tỷ đồng.

16-59-41_3
Công trình cụm trường học của xã Tình Cường do Ngân hàng TMCP Liên Việt tài trợ xây dựng.

Dù được xây dựng cách đây gần chục năm, cụm công trình này vẫn to đẹp, bề thế thuộc hạng nhất nhì của huyện Cẩm Khê. Theo ông Phú, đây chính là cú hích để địa phương và người dân phấn đấu phát triển kinh tế, trở thành xã NTM.

Tới nay, tổng nguồn vốn Tình Cương đầu tư cho xây dựng NTM khoảng trên 100 tỷ đồng. Không tự thỏa mãn vì về đích NTM, Tình Cương đang tiếp tục vận động người dân chung tay nâng cao các tiêu chí. Công trình to, đẹp nhưng phải xanh – sạch – đẹp thì môi trường, cuộc sống con người mới thực sự tươi mới.

Đi một vòng quanh xã Tình Cương, đâu đâu cũng là những con đường sạch đẹp, nhà cửa khang trang. Ông Phú bảo, không để chính quyền nhắc nhở, lâu nay người dân vẫn có thói quen phân loại rác thải trước khi thu gom. Với trường hợp người dân vứt rác ra đường, nếu bị phát hiện sẽ bị thôn xóm nhắc nhở, thậm chí bắt nộp phạt.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục, y tế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình đào ao thả cá, trồng cây ăn quả đang được người dân phát huy. Với những diện tích lúa năng suất kém, địa phương đang đưa một số giống chuối, ớt về thay thế”, Chủ tịch UBND xã Tình Cương cho biết.

Tính đến tháng 6/2019, tỉnh Phú Thọ đã huy động được trên 12,6 nghìn tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, vốn cộng đồng dân cư và huy động khác là 1,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 12%.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.