| Hotline: 0983.970.780

Những điều chưa biết về đại danh y Tuệ Tĩnh

Thứ Năm 22/10/2020 , 15:44 (GMT+7)

Về Thiền sư Tuệ Tĩnh và Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, hai nhà y thuật lớn nhất nước Nam, không người Việt nào không biết.

Văn miếu Mao Điền

Văn miếu Mao Điền

Chúng tôi có ông bạn học khoa Địa lý, Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Hữu Oanh. Cả khóa mới có ông Oanh làm quan to, từng giữ chức Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương. Nghỉ hưu rồi chúng tôi mới có dịp về thăm quê nhau.

Được biết thời kỳ đương chức, khoảng những năm 1990 - 2010, ông Oanh phụ trách mảng văn hóa xã hội, là người có công lớn trong việc bảo tồn, tôn tạo hơn hai mươi công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo cho quê hương, trong đó có đền thờ Chu Văn An ở núi Phượng Hoàng, khu di tích Côn Sơn thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, đền Kiếp Bạc thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, khu Văn miếu Mao Điền vinh danh một nền khoa bảng Nho học xứ Đông, khu đền chùa tưởng niệm Đại danh y Tuệ Tĩnh tại huyện Cẩm Giàng…

Có thể vì là người cùng huyện, giáp xã, lại là lớp hậu sinh 600 năm của Tuệ Tĩnh thiền sư, có chút hiểu biết về cuộc đời, công trạng, tài năng, đức độ của Ngài, mà ngay từ những năm làm Bí thư Huyện ủy huyện Cẩm Giàng, ông Oanh đã đau đáu nghĩ tới chuyện trùng tu lại khu đền Bia đã quá dột nát, sập xệ?

Và khi ông nhận chức Phó Chủ tịch tỉnh, phụ trách khối văn xã, ông liền đề xuất tỉnh và Bộ Y tế những dự định tôn vinh Đại Danh y Tuệ Tĩnh đúng vị trí bậc Tiên thánh của ngành y học nước Việt. Đền Bia được khởi công phục dựng từ năm 2001, thờ Thiền sư Tuệ Tĩnh và tiến sỹ Nguyễn Danh Nho.

Mấy giờ vãng cảnh đền Bia, một công trình lịch sử văn hóa tâm linh vào hạng di tích cấp quốc gia, với sự hoành tráng kỳ khu của công trình kiến trúc, sự cổ kính thâm nghiêm của chiều sâu lịch sử, sự rộng lớn về quy mô, sự nối tiếp di nguyện của người xưa bởi những vườn thuốc nam được chăm sóc trong khuôn viên đền… mới thấy nơi đây đáng là một địa chỉ hành hương của du khách cả nước.

Về Thiền sư Tuệ Tĩnh và Đại danh y Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác, hai nhà y thuật lớn nhất nước Nam, đều quê xứ Đông (quê cụ Lê Hữu Trác ở Liêu Xá, Yên Mỹ, Hưng Yên), không người Việt nào không biết.

Ảnh: tapchidongy.org

Ảnh: tapchidongy.org

So với Hải Thượng Lãn ông (1720 - 1791) Đại danh y lừng lẫy trời Nam, cuộc đời Thiền sư Tuệ Tĩnh sóng gió và bí ẩn hơn nhiều. Cậu bé Nguyễn Bá Tĩnh sinh năm 1330 tại làng Xưa ( tức Nghĩa Phú), trong một gia đình nghèo. Sáu tuổi mồ côi cha mẹ, phải dời làng đến chùa Giám, tức chùa Hải Triều, ăn mày cửa Phật, làm chú tiểu. Được các sư trụ trì yêu mến dạy chữ, Nguyễn Bá Tĩnh chóng tinh thông Phật pháp, y lý, văn chương, được nhận pháp danh Tuệ Tĩnh, tự Linh Đàm, biệt hiệu Tráng tử Vô dật, Hồng Nghĩa.

Năm Tân mão 1351, thời vua Trần Dụ Tông, ở tuổi 22, ông thi đỗ Thái học sinh, nhưng không ra làm quan, lại về chùa tu hành và làm thuốc. Đây là thời kỳ manh nha một nền y học thuần Việt “Nam dược trị Nam nhân” với các cây thuốc Nam, cách chữa bệnh dân gian và những đúc kết của người xưa, để sau này ra đời bộ y thư vĩ đại: "Nam dược thần hiệu" gồm 10 chương, và Hồng Nghĩa giác tự y thư, gồm hai quyển, trong đó ông dùng thơ Nôm diễn giải 500 vị thuốc Nam và 630 bài thuốc Nam chữa bách bệnh…

Đây cũng là thời kỳ Thiền sư Tuệ Tĩnh phát tâm cùng nhân dân trong vùng xây dựng 24 ngôi chùa và hình thành ở mỗi chùa một vườn thuốc Nam, thực hiện phương châm người nước Nam dùng thuốc nam của ngài.

Năm 1374, Tuệ Tĩnh lần nữa lại ứng thí. Lần này ông đỗ Hoàng Giáp. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “...Tổ chức thi đình cho các tiến sỹ. Ban cho Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ Bảng nhãn, bọn La Tu đỗ Hoàng giáp cập đệ và đồng cập đệ…”.

Sử ký không chép hết danh sách các tân khoa, nhưng chắc chắn trong bọn La Tu có Tuệ Tĩnh. Sau khóa thi này, có thuyết nói rằng Tuệ Tĩnh lại không làm quan, mà trở về chùa tiếp tục hoằng pháp và làm thuốc. Lại có thuyết cho rằng Tuệ Tĩnh có ra làm quan.

Chỉ hiềm thời kỳ này là thời Mạt Trần, vua Trần Dụ Tông bị đại bại và chết trận khi mang quân vào Thị Nại đánh Chiêm Thành (1377), tiếp đến thời vua Trần Phế đế, rồi Trần Thuận Tông rối ren mục nát để cho Chế Bồng Nga nhiều phen tiến vào đốt phá Thăng Long như vào chỗ không người. Bấy giờ ở phương Bắc, thế của nhà Minh đã vững, năm 1385, tháng 3, nhà Minh sai sứ sang đòi 20 tăng nhân (Đại Việt sử ký toàn thư). Trong số này chắc có Thiền sư Tuệ Tĩnh. Và dĩ nhiên vua Minh đã chỉ đích danh Tuệ Tĩnh, vì thời kỳ này y thuật và tài năng của ông đã vang danh bốn cõi.

Vậy là suốt 15 năm sau đó (1385 - 1400), Tuệ Tĩnh bị cầm tù nơi xứ người, bị thành quan thái giám, làm việc trong viện Thái Y. Sử liệu Trung Hoa ghi lại, Tuệ Tĩnh từng chữa cho Tống Vương phi khỏi bệnh sản hậu, được vua Minh phong Đại Y Thiền sư.

Nhờ ông cựu phó chủ tịch tỉnh, người từng góp công lớn tôn tạo đền Bia, chúng tôi được vào bên trong hậu cung, chốn linh thiêng mà khách thường rất khó được tiếp cận. Sau tượng thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh ngồi trên ngai, uy nghi hiền từ, ông Oanh đưa chúng tôi đến phía hậu cung, nơi có tấm bia hình hộp đứng, cao chừng nửa mét, đỉnh bia hình búp sen, sơn son thếp vàng đã bong tróc hết phần chữ, đặt trong long đình.

Chúng tôi thắp hương, kính cẩn cầu khấn.

Người bạn gái trong đoàn, bà giáo La Ngọc Quỳnh, bỗng lảo đảo, mồ hôi ướt trán, tưởng suýt ngất xỉu. Một người bạn dìu bà giáo ra ngoài.

- Tấm bia này là bảo vật quốc gia - ông Oanh nói. Năm 1670, làng Xưa có một vị đỗ đại khoa, nối gót Hoàng giáp Tuệ Tĩnh, đó là tiến sỹ Nguyễn Danh Nho (hiệu Sằn Hiên, sinh năm 1638, mất năm 1699). Sinh sau Tuệ Tĩnh hơn ba trăm năm, tiến sỹ Nguyễn Danh Nho là người thành đạt, làm quan tới chức Bồi tụng, Hữu Thị lang. Năm 1690, thời Lê Trung hưng, tiến sỹ Nguyễn Danh Nho trong đoàn sứ thần sang nhà Thanh, Trung Quốc, khi qua Giang Nam, đã tìm thấy mộ của Đại Danh y Tuệ Tĩnh. Tấm bia trên mộ có phiên bản giống như bia thờ đây. Trên bia ghi dòng chữ: “Ai về nước Nam, cho tôi về với”. Vì hoàn cảnh không thể đưa hài cốt ngài về nước, tiến sỹ Nguyễn Danh Nho đã thuê người sao chép bia mộ, rồi về Thăng Long tạc khắc như nguyên bản, bằng đá xanh, nặng chừng 75kg, đưa về làng Xưa.

Chúng tôi hứng thú nghe ông Oanh kể câu chuyện chìm nổi của tấm bia mang hồn cốt hiền tài.

- Việc đưa bia về làng tưởng xuôi chèo mát mái, nào ngờ, khi thuyền theo sông Thái Bình về đến đoạn sông giáp ranh hai làng Văn Thai và Nghĩa Phú, thì thuyền chở bia bị đắm. Đến mùa nước cạn, trục vớt bia lên, nhìn thấy doi đất nơi bia chìm có hình con dao cầu tán thuốc, dân các làng thấy đó là điềm linh, liền cho xây ở đây ngôi đền thờ bia, sau gọi là Đền Bia. Vậy là, chỉ nội trong huyện Cẩm Giàng, đã hình thành ba nơi thờ Đại Danh y Tuệ Tĩnh: Chùa Xưa ở làng Nghĩa Phú, chùa Giám, Hải Triều, nơi Tuệ Tĩnh hoằng pháp, thực hành y đức. Và đền Bia đây.

Lễ hội Đền Bia vào ngày 1/4 hàng năm, là một sinh hoạt văn hóa, tâm linh của cả vùng Hải Đông. Khách thập phương cả nước kéo về nghìn nghịt. Lều quán giăng kín cánh đồng. Hội diễn, rước sách, truyền bá thuốc nam, y thuật, lễ hội ẩm thực… mấy ngày. Có năm vàng mã nhiều quá, gây hỏa hoạn. Đến mức quan trị nhậm địa phương không quản được, tâu lên triều đình. Đến thời nhà Nguyễn, vua Thiệu Trị cho là mê tín dị đoan, ra lệnh đục bỏ dòng chữ ở bia, giam bia vào hậu cung, để hạn chế lễ hội. Tấm bia thờ hiện nay bị xóa chữ, bong tróc sơn là do vậy…

Dời hậu cung, chúng tôi ra sân đền, nơi bà giáo Quỳnh đang phơi những vị thuốc Nam sản phẩm của đền, cùng vị thủ từ.

Nhà thơ Ba Luận và bà giáo Thu Huệ cùng nói:

- Nàng Ngọc Quỳnh được Thiền sư phù hộ, lại tươi tỉnh lên rồi.

- Lạ lắm các vị ạ - bà giáo Quỳnh nhoẻn cười, thì thầm vẻ quan trọng. Lúc thắp hương bia ngài cầu khấn, các vị biết tôi nhìn thấy gì không?

Mọi người lắc đầu, đầy vẻ hiếu kỳ.

- Trong khói hương và ánh đèn thờ, tôi nhìn thấy máu đỏ lênh láng. Hình như ngài bị hành quyết…

Ông Nguyễn Hữu Oanh trầm ngâm:

- Tôi cũng nghe nói, có nhà sử học sang Yên Kinh đọc được tài liệu nói rằng, vào cuối đời, Thiền sư Tuệ Tĩnh muốn vua Minh cho về nước, nhưng không được. Và ông đã bị sát hại vào năm 1400, năm mà Hồ Quý Ly cướp ngôi Trần Thuận Tông. Có thể khi nghe tin nhà Trần mất, Tuệ Tĩnh phẫn uất, muốn trốn về nước, nhưng đã bị bắt lại và bị bức hại.

Bỗng nhớ tới Thám hoa Sứ thần Giang Văn Minh, người làm rạng danh Đại Việt hơn hai trăm năm sau kể từ cái chết của Tuệ Tĩnh Thiền sư, vì dám làm câu đối chửi lại vua Minh “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”, mà bị mổ bụng moi gan. Phải chăng Đại Danh y Tuệ Tĩnh cũng gặp đại bi kịch như vậy?

Đang luận bàn về cái chết bí hiểm của người xưa, thì một vị khách vãng đền cho chúng tôi xem một bức ảnh.

- Các vị có tin đây là ngôi mộ của Thiền sư Tuệ Tĩnh mới được tìm thấy ở Giang Nam, Trung Quốc không?

Ngôi mộ của Thiền sư Tuệ Tĩnh mới được tìm thấy ở Giang Nam, Trung Quốc

Ngôi mộ của Thiền sư Tuệ Tĩnh mới được tìm thấy ở Giang Nam, Trung Quốc

Chúng tôi đổ dồn mắt vào bức ảnh chụp một tòa tháp ba tầng ven núi, trên tầng tháp có tượng một thiền sư ngồi thế kiết già.

- Ảnh và tin này tác giả còn muốn giữ bí mật, chưa muốn công bố - vị khách nói. Như các vị đều biết, từ lâu rồi, tỉnh Hải Dương và Bộ Y tế đã đặt vấn đề với nhà nước Trung Quốc về việc tìm mộ và các tư liệu, trước tác của Thiền sư Tuệ Tĩnh. Gần đây, một cán bộ đại sứ quán ta tại Bắc Kinh đã liên lạc được với môt nhà ngoại cảm để tìm mộ ngài. Và đây là tấm hình chụp ngôi đền nơi Đại Danh y Tuệ Tĩnh yên nghỉ mà nhà ngoại cảm đã gửi về…

Vậy là, chúng ta đang hy vọng ngày đón vị Tổ Thánh Y nước Việt trở lại quê nhà.

Bỗng nhớ những câu thơ của nhà thơ Trần Nhuận Minh:

“ … Ngày sau có ai người nước Nam qua đây

Xin đưa hài cốt tôi về với.

Lời Người khẩn cầu lúc lâm chung

Đã khắc vào đá

Đặt trên mộ

600 năm…

Mưa nắng Giang Nam không mòn được

Trời đất Trung Hoa sương khói mịt mùng…”.

(Kiến thức gia đình số 43)

Xem thêm
Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

Quang Hải sang Nhật Bản?

Tiền vệ Quang Hải sẽ rời CLB CAHN vào cuối mùa giải này khi hợp đồng đôi bên đáo hạn, nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.