Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong một lần đến thăm nhà văn Sơn Tùng
Tôi đã đến căn hộ một nửa của ông ở ngõ Văn Chương (Hà Nội) nhiều lần, khi thì để viết bài, hay xin bài cho báo, khi lại mang nhuận bút đến cho ông. Mỗi lần gặp, tôi đều nhận được ít nhất một ý nghĩa nào đó về ông, về cuộc đời. Nhưng chỉ đến khi ông lâm vào tình trạng hôn mê do tai biến não, tôi mới biết thêm những chi tiết thú vị và đặc biệt ở con người vốn lúc nào cũng mạch lạc này.
Hôn mê, theo giáo lý nhà Phật, là quãng thời gian tất yếu của kiếp người. Đó là lúc nhiều khả năng Người bị bỏ lại sau lưng, tâm trí chỉ còn rất ít; thay vào khoảng trống ấy là tiềm thức hay còn gọi là thần thức. Chỉ nửa bước chân nữa, thần thức sẽ thành thần vị; nhưng nếu thần thức được chăm sóc chu đáo, chân thành và dịu dàng thì rất có thể phép lạ sẽ xẩy ra, thần thức khỏe khoắn hơn, sức của nó lay động ý thức, lan tỏa sang ý thức và khả năng Người sẽ trở lại. Lịch sử y học từng ghi nhận những thần thức sống hai ba mươi năm đời sống thực vật bỗng một ngày kia tỉnh táo trở lại, làm Người.
Năm ngoái, khi nhận được tin ông bị tai biến não, tôi vội vào bệnh viện thăm, ông không còn cảm nhận gì, đã trở thành thần thức. Buổi trưa ấy, lần đầu tiên tôi biết người quen cũ, anh Bùi Sơn Long, giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao công nghệ muối biển (Tổng Cty Lương thực miền Bắc) là con trai cả của ông. Chúng tôi đều lắc đầu và bàn với nhau chuyện hậu sự. Nhưng buổi chiều, khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm ông, ông đã tỉnh lại. Đây là tường thuật của cháu ông, nhà văn Thiên Sơn:
"…ngày 30/6/2010, Chủ tịch đã đến thăm nhà văn tại khu điều trị cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai. Chủ tịch chia sẻ và an ủi bà Phan Hồng Mai, vợ nhà văn, và cùng bà Phan Hồng Mai đứng lặng bên giường bệnh. Bà Phan Hồng Mai lay gọi nhà văn: "Anh Sơn Tùng ơi, người bạn thân thiết của anh ở chiến trường, Anh Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước đến thăm anh đây”. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nắm lấy bàn tay cầm bút bị thương còn có 3 ngón của nhà văn. Và như cảm nhận được hơi ấm nhà văn cũng xiết lấy bàn tay Chủ tịch. Nhà văn mở mắt nhìn Chủ tịch Nguyễn Minh Triết”.
Vâng, phép lạ đã xẩy ra. Dịp báo chí ầm ĩ xung quanh việc nhận hay không nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật của nhà văn Sơn Tùng, tôi lại vội chạy đến thăm ông. Ông còn nhận ra tôi, tuy tiếng đã bị méo nhưng mọi người vẫn hiểu ông vừa gọi tên tôi. Chúng tôi cùng ứa nước mắt.
Nhưng đúng là Sơn Tùng đã từng trở về từ cõi chết, lại cũng liên quan đến ông Nguyễn Minh Triết, bấy giờ mới là cán bộ Văn phòng Trung ương Đoàn TNCS HCM miền Nam Việt Nam với bí danh Sáu Phong. Sơn Tùng là phóng viên báo Tiền phong, nhận sứ mạng vào làm báo của Đoàn thanh niên Giải phóng, hai người sinh hoạt cùng chi bộ do Bùi Sơn Tùng làm bí thư. Sáng ngày 15/4/1971, căn cứ của cơ quan (Đông Nam bộ) bị đánh bom, cái hầm của Sơn Tùng bị sập. Ông Sáu Phong đã chạy qua, bới đất cát và thấy Sơn Tùng bị thương rất nặng, bèn sơ cứu băng bó vết thương rồi cõng Sơn Tùng đến bệnh xá cấp cứu. Cả thân hình ông như bị băm nát, nếu không được ông Sáu Phong phát hiện và băng bó cầm máu, thì chỉ riêng mất máu đã khiến ông tử vong. Điều trị tại trạm phẫu thuật tiền phương, khi vết thương tạm ổn, Sơn Tùng được cáng ra Bắc. Ở Bệnh viện Hữu Nghị, mọi người kinh ngạc, vì sao một người bị thương nặng thế, hiện còn 13 mảnh bom trong người, 3 mảnh trong não không thể phẫu thuật lấy ra mà lại có thể còn sống sót sau hàng ngàn cây số di chuyển.
Chính ba mảnh bom trong não khiến ông hôn mê và có thể cũng chính chúng gây nên chứng động kinh nhiều năm sau. Chân đi tập tễnh, hai tay bất động, tay trái cụt cả bàn, tay phải chỉ còn ba ngón, suốt mười năm xuôi lơ; thỉnh thoảng lại còn lên cơn động kinh khiến ai ai cũng thương cảm. Thương cảm và ái ngại, chán nản. Bệnh viện Hữu Nghị cử cô y tá Phan Hồng Mai chăm sóc cho ông, theo tiêu chuẩn thương binh loại 1.
Đó lại là một cơ duyên. Chị y tá Mai có thành tích xuất sắc, anh phóng viên Sơn Tùng đến gặp để viết bài đăng trên báo Tiền phong trước khi vào chiến trường. Giờ đây anh nằm bất động, nhưng chị thì biết rõ về anh. Chị vừa làm thuốc, xoa dịu vết thương đau vừa kiên trì gọi tên anh, gọi đến kỳ anh tỉnh dậy. Kinh nghiệm (tay nghề) và tình thương đã đưa anh trở lại. Dù cuộc trở lại ấy mới thực là một hành trình vừa khắc nghiệt vừa cam go mà nếu không phải là anh – một phẩm chất Anh hùng thì không thể đến đích.
Mọi khả năng như đi, nói và cả trí nhớ nữa, mất sạch. Phải bắt đầu lại từ đầu. Chị nhắc anh nhớ dần, bắt đầu từ người thân, nghề nghiệp của anh, các đồng nghiệp đến thăm. Chị dắt anh lần giường tập đi, chị nâng tay, nắn huyệt tập cho tay cử động. Và cả những động tác vệ sinh thân thể cho một người bệnh liệt, cố nhiên. Nhưng chính ý chí và nghị lực của người bệnh đã khiến chị rung cảm; để rồi, đến lượt mình, tình yêu đã có mặt trong từng cử chỉ của cô y tá, trở thành thần dược, thấm sâu vào thần thức anh. Trí nhớ dần trở lại, trừ phần lớn vốn Hán ngữ và toàn bộ Pháp ngữ đã vĩnh viễn mất đi.
Mươi năm trước, có một nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh người Pháp đã gặp Sơn Tùng ở nửa căn hộ Văn Chương, đã chào hỏi ông bằng tiếng Pháp khiến ông ngớ ra. Người Pháp nói, sao có thể như thế, năm 1955, tại Festival Thanh niên sinh viên thế giới Ba Lan, ông đã đọc một bài thơ bằng tiếng Pháp, hay và truyền cảm khiến nó thấm vào tôi, đến giờ tôi còn thuộc nó. Vậy tiếng Pháp của ông giờ nó biến đi đâu? Nó bị bom Mỹ cướp đi rồi, cùng với một phần cơ thể, ông trả lời. Và nói thêm: Tôi đã rèn luyện để liệt một tay cũng không còn cảm thấy thiếu, chân đi tập tễnh cũng không sao, chỉ vốn Pháp ngữ đã mất thì không thể lấy lại, tiếc quá!
Khi vết thương ổn định, chị y tá Phan Hồng Mai đưa Sơn Tùng về nửa căn hộ của mình để tiện chăm sóc. Cũng có chuyện éo le ở đây. Chị từng có một gia đình, có hai con trai, một con gái nhưng đã cơm không lành canh không ngọt; do đó mà dẫu làm ở Bệnh viện lớn nhất Thủ đô, chị chỉ có nửa căn hộ với công trình phụ dùng chung. Anh có vợ và bốn con, gái đầu lòng sau là ba con trai, đang sống khốn khó trong thị trấn Cầu Giát Nghệ An. Trước khi vào chiến trường, anh cũng có một chỗ ở, nhưng cơ quan đã cho người khác đến rồi, thành ra không nhà.
Nửa căn hộ 12 m2, hình như nó từng được cơi nới làm chỗ ngủ và chứa sách vở. Ở đây, Sơn Tùng đã tập thiền, tập yoga để phục hồi trí nhớ và sức khỏe. Kỳ lạ nhất là ông tập thói quen tắm vào hai giờ sáng, bất kể mùa hè hay mùa đông giá rét. Thân thể đầy thương tật như ông, tắm là cả một sự kềnh càng, tắm nước nóng thì lại thêm một cái phích hay ấm nước sôi, càng cách rách. Và cái vòi nước tập thể chỉ vắng vào thời điểm ấy, còn thì suốt ngày thùng chậu va nhau. Vậy thì tắm nước lạnh, vừa là cách rèn luyện thân thể và tắm vào lúc sẽ không làm phiền ai cả. Ông nói, tập yoga có cái lợi là thở nhiều hay ít đều chủ động được. Dưới sân nhà chúng tôi, cứ trưa trưa chiều chiều bếp dầu rồi sau đó là bếp than tổ ong ngào ngạt bốc khói. Nó bốc cao lên, rồi len lỏi vào các căn hộ, vào phổi mọi người. Mình tập nhịn thở khi cần, hoặc thở dốc để tống khứ hết thán khí ra khỏi buồng phổi. Sống chung với bệnh tật trong khốn cùng nhưng lại viết văn ca ngợi cái đẹp, thật lạ. Cái lạ làm tôi nhớ thơ Nguyễn Trãi: Nước càng tuôn đến biển càng cả/ Đất một trùng thêm núi một cao. Lại nhớ thơ Tagor: Cuộc đời hôn lên ta bao nỗi đắng cay/ Nhưng lại bảo ta cất cao tiếng hát. Còn Victor Hugo thì nói thẳng đơ: Cuộc đời ném con người vào chảo sôi mật đắng mỗi khi muốn một anh hùng hay một tên tướng cướp.
Sơn Tùng không bất mãn, không đàn hoặc hay đòi hỏi một cái gì cho riêng mình. Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc, bà nội Bùi Sơn Tùng là cháu gọi bà nội Bác Hồ bằng cô ruột. Ấy là cơ sở huyết thống để ông tiếp cận Bác Cả Khiêm và O Thanh suốt những năm chống Pháp và có thể qua đó, ông từng nhiều lần tháp tùng Bác Hồ với tư cách nhà báo trong những năm hòa bình? Nếu ông xin với tổ chức hoặc qua những người học trò của Bác, hẳn ông và vợ con cũng có được cuộc sống trung lưu ở Hà Nội sau 1954. Nhưng Sơn Tùng đã chỉ xin (học) ở Bác những đức tính hy sinh việc riêng cho đại nghĩa, nết chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự nghiệp viết văn về cái cao cả, cãi vĩ đại mà có lần ông đã nói: “Muốn được người ta tin những điều viết ra, thì người viết phải là người đáng tin cái đã".
Khi mới tập viết trở lại, ông phải dùng giây buộc bút vào ba ngón tay còn lại; nguệch ngoạc gà bới mãi thì dáng chữ đẹp ngày xưa mới trở về. Khi trời trở mưa tiếng sấm đột ngột, ông thường lên cơn động kinh, vật vã co giật sùi bọt mép, tỉnh lại lại viết. Viết say mê quên cả bệnh tật, có đêm máu từ vết thương sọ não ứa ra, chảy ròng ròng thấm đẫm áo sơ mi ông mới biết. Mười năm vật lộn với bệnh tật như thế, "Búp sen xanh" ra đời. Nhưng khi sách ra, có nhiều ý kiến khác nhau; người khen khen đứt lưỡi, kẻ chê chê đến độ “làm sai lạc hình ảnh Bác Hồ”- một cái tội vào nhà đá đến nơi. Chuyện đến tai Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông đọc xong, khen rồi viết Lời tựa cho tái bản thì dư luận mới ấm ức lắng xuống.
Nhân đấy, Thủ tướng nhận thấy nhà văn thương binh có nhiều cống hiến cho văn học, cho cái tốt đẹp ở đời mà lại quá thiệt thòi (cán bộ tiền khởi nghĩa, tham gia hoạt động cách mạng từ 1944, mà chưa hề được cấp nhà) có nói sẽ cấp nhà cho ông. Nhưng nhà văn Sơn Tùng đã cám ơn Thủ tướng và nói rằng ông xin được không nhận, e rằng có người lại hiểu nhầm nhà văn viết sách về Bác Hồ rồi tìm đến Thủ tướng xin nhà. Ông còn nói với chúng tôi: “Theo chân Bác thì được và cần. Chứ chớ ăn theo Bác!”. Có lẽ vì những phẩm chất ấy chăng, mà Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết luôn coi nhà văn Sơn Tùng là “đại sư phụ”, và ông bộc bạch: “với anh Sơn Tùng, chúng tôi soi vào đấy nhiều lắm để giữ mình và để không thẹn với những người như anh…”.
Ông họ Bùi, người làng Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An nơi gần đền thờ An Dương Vương và Mỵ Châu. Gia giáo nhà ông có thể gọi được là đạo nhà, bức hoành phi của tổ phụ được chạm khắc trên 5 quả đào liên kết với nhau bởi hình đôi phượng cách điệu, trên đó khắc bốn chữ Phượng Mao Tế Mỹ. Nghĩa giản lược như sau: Cái đẹp của con phượng nằm ở bộ lông, của con người thì ở tâm hồn đẹp và tế nhị; lại còn có nghĩa ở ngoài lời nữa, là nền tảng của cái đẹp là sự trung thực kết giao giữa những con người (đào viên kết nghĩa). Ông mang ra Hà Nội không chỉ bức hoành phi, mà còn 18 quyển sắc phong các thần của làng ông từ thời Lê Hiển Tôn cho đến các đời vua về sau, trong đó có một bức Thượng đẳng linh thần là thành hoàng của làng ông. Vì sao? Vì thời quá tả người ta phá hết đình đền, người họ Bùi biết quý trọng nó, nên nó nằm trên nóc tủ nhà ông.
Có một lần, chỉ riêng hai chúng tôi ngồi uống trà, tôi hỏi ông về đoạn đời ở Tỉnh đoàn Nghệ An. Ông đã chỉ nói về những hoạt động Đoàn, về những cuộc gặp O Thanh và Bác Cả Khiêm. Sau thấy tôi im lặng khi nghe chuyện, ông chợt thở dài:
- Chuyện dài lắm, Văn Chinh à. Nhưng mình sẽ viết về giai đoạn ấy, vì nếu không viết ra thì mình sẽ có lỗi hoặc giả sẽ rơi vào lối chỉ hé cái hay cái sáng cho thiên hạ xem, mà che cái tối cái dở.
Tôi hiểu rằng mình vừa chạm vào nỗi đau của ông và yên tâm chờ đợi.
Nhưng thế là ông đã không thể tự kể ra chuyện mà ông đã rất muốn kể. Tôi tìm đến con trai lớn của ông, anh Bùi Sơn Long. Long nói:
- Ba tôi hoạt động cùng cậu tôi, người Cầu Giát. Rồi quen biết mà lấy mẹ tôi, sinh được bốn chị em; đều sinh ở nhà bà ngoại. Chị cả tuổi Dần, lấy chồng ở làng. Sau khổ quá lên rừng ở với người dân tộc, mà vẫn nghèo lắm, thành người dân tộc nghèo. Chú em liền kề làm với tôi ở đây, chú út lấy vợ ở quê, cũng nghèo, rất nghèo. Cả năm mẹ con sống vô cùng cực khổ. Tôi nhớ mỗi lần ở trường về, chỉ đếm khoai để mang đi, mỗi ngày mấy củ, bẩy ngày thì cứ thế nhân lên. Một bên khoai một bên củi, tôi đã học hết cấp ba như vậy. Tôi được cử đi học Liên Xô hay học đại học trong nước cũng được. Nhưng không thể có tiền ra Hà Nội mà đi học. Thành ra phải đi bộ đội để ngay ngày hôm sau có cơm ăn, có quần áo mặc.
- Sao lại ra nông nỗi ấy? Như anh nói, gia đình bà ngoại là loại khá, ở chợ Giát ai chả khá?
- Khá chứ, có khá mới nuôi giấu cán bộ trong nhà. Nhưng khi cải cách ruộng đất, ông bà ngoại thành ra đối tượng của cách mạng. Lại nói về ông ngoại, mãi sau này tôi mới biết là ông dượng, ông ngoại thực đã mất từ lâu. Nhưng cư dân Cầu Giát ai cũng kính nể ông là người đức cao vọng trọng. Khi Mỹ ném bom miền Bắc, xã buộc mẹ con tôi phải dỡ nhà, bỏ đấy lên rừng sơ tán. Không có ruộng lúa, chỉ sống bằng trồng khoai và chằm nón, tiền lãi không đủ để mua hết gạo sổ. Sau này, từ bộ đội về, tôi phải về làm lý lịch tại Diễn Kim mới đi nổi đại học. Suốt những năm cơ cực ấy, mẹ con tôi lấy cha làm ánh sáng cuối đường hầm. Một lần, là khi ba tôi vào miền Nam, cán bộ Trung ương Đoàn có vào để ngỏ ý muốn đưa mẹ con tôi ra Hà Nội theo diện chính sách hậu phương. Mẹ tôi đã ra thử, nhưng sau thấy không thể có nghề gì làm ra tiền ở Hà Nội nên đã không ra. Năm 1976, mẹ tôi mất vì bệnh lao lực, tôi nghe tin, đồng đội và đơn vị góp cho ít tiền về đến nhà thì mẹ đã chôn cất xong. Tôi mang tiền đồng đội cho trả tiền cỗ quan tài hợp tác xã đã lo hộ trước. Gửi chú út lại cho bà chị, đưa chú Định ra Hà Nội tìm ba.
Buổi đầu anh em tôi không chấp nhận dì Mai, có lẽ vì quá thương mẹ. Nhưng sau nghĩ lại, năm sáu năm trời qua, không có dì thì lấy ai chăm sóc cho ba. Cuộc sống trớ trêu, hai anh em tôi cùng ba đi ở rể nhà dì, chứ biết làm sao. Đồng lương của ba không thể đủ nuôi ba, lấy đâu san sẻ cho hai đứa tôi ra sống riêng rẽ.
“Tên tuổi Bùi Sơn Tùng từng có lúc là biểu tượng của thế hệ thanh niên, được Đoàn TNCS HCM cử đi dự Festival thanh niên sinh viên thế giới thời chống Pháp. Đến kháng chiến chống Mỹ, Sơn Tùng lại từ giã hậu phương để vào chiến truờng viết báo và chiến đấu. Bị thương nặng, ông được đưa ra Bắc điều trị và trở thành thương binh – bệnh nhân ngoại trú cả đời. Từ đây, là cả một chặng dài với nghị lực phi thường, Sơn Tùng phấn đấu và rèn luyện để phục hồi trí nhớ, phục hồi sức sáng tạo và đã viết 25 tác phẩm, có quyển như "Vùng lõm" dày cả ngàn trang viết về cuộc chiến đấu khốc liệt tại chiến trường, nơi ông tham gia chiến đấu, có cuốn như "Búp sen xanh" đã trở thành tác phẩm xuất sắc nhất viết về đề tài Bác Hồ... Cô y tá Phan Hồng Mai đã hy sinh tuổi thanh xuân để trở thành người bạn đời của Sơn Tùng, cùng ông đi qua mọi thăng trầm của đời sống, của bệnh tật, và là chỗ dựa tin cậy của lao động sáng tạo, trở thành tấm gương sáng cho vợ các nhà văn. Hôm nay tại đây cho phép tôi thay mặt Hội Nhà văn xin cảm ơn chị”. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Diễn văn đọc tại Lễ Đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động của nhà văn Sơn Tùng.
Bùi Sơn Long bỗng hỏi tôi:
- Anh đã đọc "Vùng lõm" chưa? Anh thấy thế nào?
- Tôi không thấy nó hay và độc đáo bằng "Búp sen xanh". So với hàng trăm cuốn sách đồ sộ viết về cuộc chiến tranh, "Vùng lõm" không nổi trội lên như "Búp sen xanh" nổi bật lên khỏi hàng trăm cuốn sách viết về Bác Hồ. So với cuốn mới nhất của nhà văn Hồ Phương viết về cùng đề tài, cũng còn xa mới đến được "Búp sen xanh". Những năm 80 thế kỷ trước, khi các con tôi vỡ lòng về đọc sách văn học, tôi đã mua "Không gia đình", một kiệt tác của Hector Malo; nhưng sợ xui xẻo, tôi đã mua "Búp sen xanh" cho các cháu đọc.
Như đã nói, tôi coi "Búp sen xanh" chưa phải là kiệt tác nhưng so với các tác phẩm đề cử Giải thưởng Hồ Chí Minh như "Vừa làm vừa nghĩ" và "Tiếng bom và tiếng chuông chùa" (Phạm Tiến Duật) thì nó vẫn hơn. Ở đây cần nói rõ, anh Duật xứng đáng nhận Giải này, nhưng là Giải trọn đời và trong nội hàm này, ông cụ nhà anh cũng rất xứng đáng. Rất tiếc quy chế đã không có Giải trọn đời và "Búp sen xanh", "Vùng lõm" đã không đạt đủ phiếu.
Còn những suy nghĩ sau đây xin chia sẻ cùng bạn đọc: Nhà văn Sơn Tùng đã từ chối nhà do (cố) Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nhã ý dành cho. Và từ chối ngày ấy là đúng. Nhưng chế độ của Nhà nước dành cho một cán bộ lâu năm đã phải có nhà, huống chi ông Bùi Sơn Tùng là cán bộ tiền khởi nghĩa, một lão thành cách mạng, một Anh hùng Lao động? Phải làm sao chứ, một thành viên lớn của cách mạng, mà nửa đời trước thì ở rể để đi hoạt động chống Pháp, nửa đời sau lại ở rể mà tự rèn luyện trở thành người xứng đáng sáng tạo nên một hình tượng nghệ thuật độc nhất vô nhị là thời thanh xuân sáng đẹp của Bác Hồ trong khi chúng ta đang vận động Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là thế nào nhỉ?
Là lý cố gì vậy, liệu có nghịch lý không?