Cây cà phê chè thuận lợi phát triển ở nơi đây vì sự phù hợp về đất đai, thổ nhưỡng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, hay tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài kèm sương muối đã và đang ảnh hưởng xấu khiến nhiều diện tích cà phê bị cháy khô, người trồng thất thu.
Ông Bùi Văn Thắng, thành viên HTX Cà phê Bích Thao (bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, TP Sơn La) cho biết: “Cây cà phê ở Sơn La phụ thuộc thiên nhiên hoàn toàn nên khí hậu thuận hòa thì người trồng mới có thu nhập, không thì thu nhập rất thấp. Như năm 2021, mưa xong rét lâu khiến cây không nở hoa được. Sương muối thì hầu như năm nào cũng bị. Có năm bị nặng, vườn chết ¾, chỉ sống được ¼. Từ khi trồng được cây gió bầu che bóng, kết hợp bón phân cân đối, vườn cà phê của gia đình không bị ảnh hưởng bởi sương muối nữa. Cây ổn định, phát triển tốt, cho năng suất cao".
Theo các nhà khoa học, khí hậu đang biến đổi theo hướng cực đoan, mùa lạnh thì lạnh hơn, thời gian nóng cũng nóng hơn và kéo dài hơn, mưa bất thường và phân bố không đều. Điều này ảnh hưởng đến tất cả các cây trồng, không chỉ riêng cây cà phê. Nhưng cây cà phê có yêu cầu về khí hậu, thời tiết tương đối chặt chẽ hơn nên bất kỳ sự thay đổi nào cũng có ảnh hưởng đến sản xuất.
Tại Sơn La, khí hậu, thời tiết những năm qua đã có những sự thay đổi. Thứ nhất, yếu tố khách quan là có những hồ thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu… giúp tạo nên một tiểu vùng khí hậu mới, nóng thì không quá nóng, lạnh thì không quá lạnh nữa. Thứ hai là nông dân ngày càng áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu. Tức là, nóng thì dùng cây che bóng, lạnh thì tủ gốc, và trồng những giống có tính kháng tốt hơn với những điều kiện bất thuận của biến đổi khí hậu, hay những cách chăm sóc phù hợp hơn, kể cả bón phân, nhất là phân hữu cơ. Trong đó, đặc biệt là cách canh tác thích ứng để giảm tác động của sương muối.
Nhà vườn đã áp dụng các biện pháp hạn chế tác hại sương muối, như trồng cây che bóng để tán che phủ giảm tác động của sướng muối, thay thế giống cũ bằng cách trồng giống cà phê mới có khả năng chịu những điều kiện bất thuận. Ví dụ trước đây chủ yếu trồng giống cà phê Catimor thì bây giờ đã chuyển sang giống THA1, hay các dòng TN chịu những điều kiện bất thuận tốt hơn và chất lượng cao hơn.
Về đặc điểm vùng đất, ở Tây Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng hầu hết là đất đồi dốc, hàng năm lượng đất màu bị rửa trôi, xói mòn lên đến hàng tấn/ha/năm. Tại các lô cà phê chưa đầu tư biện pháp cải tạo đất và chống xói mòn, đất bị thoái hoá, cây sinh trưởng kém. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy đất ở đây lân dễ tiêu rất thấp, kali thấp, hữu cơ tương đối thấp.
Cùng với đó, trong một thời gian dài, trong canh tác cây cà phê, hầu hết nông dân có thói quen bón phân đơn, thiếu cân đối, ít quan tâm hữu cơ, dẫn đến đất trồng thiếu chất trung vi lượng, gây các triệu chứng dễ nhận biết trên lá như lá non bị mất màu xanh và biến dạng, các đốt đầu ngọn cành, ngọn thân cà phê ngắn lại, lá chuyển vàng, bị mất màu xanh hay bị cháy, rụng quả hàng loạt, quả hạt lép, hương vị cà phê không còn như khi đất mới trồng… Đồng thời, hệ sinh vật có lợi cho đất cũng ngày càng ít đi, khiến bệnh rễ dễ dàng phát triển gây hại cho cây cà phê.
Các nhà khoa học khuyến cáo, để canh tác cà phê chè hiệu quả, nông dân cần phải nắm đặc tính của vùng đất, sinh lý của cây cà phê chè để có giải pháp điều chỉnh phù hợp. Cụ thể:
+ Phải canh tác theo đường đồng mức.
+ Dốc trên 15 độ nên làm bậc thang dần, không làm bậc thang ngay để giữ lớp đất mặt không bị trôi đi chỗ khác, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây.
+ Trồng các băng hạn chế xói mòn. Đất càng dốc thì khoảng cách giữa các băng càng phải hẹp và ngắn lại để hạn chế dòng chảy, giữ được đất và tăng hữu cơ trong đất.
Ở Sơn La gần như bà con không tưới nước cho vườn cà phê nên biện pháp giữ ẩm cho vườn cây là rất quan trọng. Bởi cây cà phê phải đảm bảo độ ẩm để sinh trưởng phát triển tốt, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng phân bón. Có thể giữ ẩm bằng cách tăng cường hữu cơ cho đất, tận dụng các phụ phẩm của cây cà phê như vỏ, cành, lá bón lại cho vườn cây.
Đặc biệt, trong giai đoạn kiến thiết cơ bản có thể trồng các cây ngắn ngày, như cây đậu đỗ để tăng lượng hữu cơ và giữ ẩm. Trồng cây chắn gió và che bóng cũng giúp giảm bớt tốc độ thoát hơi nước của vườn cây và giảm ảnh hưởng của hạn hán lẫn sương muối cho vườn cây.
Trong điều kiện ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi về cả thời tiết và giá vật tư phân bón tăng cao như hiện nay, việc áp dụng các biện pháp để gia tăng sức đề kháng của cây cà phê chè là rất cần thiết.
Cần cung cấp dinh dưỡng cân đối và hiệu quả ở các thời điểm cực trọng của cây, đặc biệt là sử dụng các loại phân bón có bổ sung các chất tăng hiệu quả sử dụng phân bón giúp giảm chi phí sản xuất.
Dòng sản phẩm phân bón NPK Đầu Trâu chuyên dùng cho cà phê được phối trộn cân đối các yếu tố đa, trung và vi lượng, nhất là có bổ sung vi lượng kẽm thông minh Smart Zinc (chỉ tan trong thành phần axit yếu của rễ cây tiết ra khi cây cần), vừa giúp cây chống chịu với thời tiết khắc nghiệt, vừa giảm thất thoát phân bón, tiết kiệm chi phí đầu tư, góp phần tăng hiệu quả canh tác, tăng lợi nhuận.