Khi rừng lên xanh, hàng trăm con người khác lại ngày đêm ăn ngủ dưới tán rừng để bảo vệ.
Một góc rừng Cần Giờ hôm nay. |
Trở lại Phân khu 3, Tiểu khu 4B, rừng phòng hộ Cần Giờ, chúng tôi gặp lại bà Đinh Thị Hồng (Ba Hồng), năm nay 68 tuổi, một trong 10 hộ đầu tiên vào rừng nhận khoán giữ rừng từ năm 1990. Trước đó, từ những năm 1980, bà là một trong số hàng trăm người khác ngày đêm “lặn ngụp” trong những bãi bùn lầy, cắm từng trái bần, trái đước xuống cánh đồng hoang ngập mặn mênh mông.
Khi “vùng đất chết” Cần Giờ bắt đầu chuyển sang màu xanh của sự sống, có 10 gia đình tiên phong vào rừng sống, ngày đêm bảo vệ thành quả họ làm từ mấy năm trước. Gia đình bà Hồng là 1 trong số 10 gia đình ấy.
Bà Tư Hoàng trong căn nhà thuở “sơ khai” mới vào rừng, nay có nhà khang trang nhưng bà không nỡ phá bỏ. |
Nói về những ngày đầu làm “người rừng”, bà Hồng kể: “Hồi mới vào đây, cực khổ lắm, điện không có, nước ngọt thì phải chèo ghe đi mấy tiếng mới đến xã để mua. Hôm nào gặp gió ngược thì đi nửa ngày không đến nơi, sóng hơi lớn chút mà chèo không cẩn thận, lật ghe như chơi”.
Nói về quyết định vào rừng sống, bà Hồng cho biết: “Tôi đi vì nghĩ đến những năm tháng vất vả trồng, giờ cây lên xanh mà không giữ, để người ta phá thì không đành lòng. Với lại, tôi quen với rừng rồi. Tôi chỉ băn khoăn một điều là các con tôi sẽ ra sao khi đưa chúng vào rừng? Rất may là các con tôi đều ủng hộ”.
Cách “trang trại” của gia đình anh Tùng không xa, là gia đình ông Phan Văn Hương. Năm nay gần 70 tuổi, ông Hương cũng là 1 trong 10 hộ giữ rừng đầu tiên từ những năm 90.
Ông Hương kể: Hồi đó cả xã Tam Thôn Hiệp đều tham gia trồng rừng. Nhưng trồng xong, thì không mấy ai mặn mà với việc giữ rừng. Sau khi được vận động, gia đình ông vui vẻ nhận 50ha rừng để bảo vệ, và sau đó, khi ổn định, ông nhận thêm 50ha nữa.
Cơ ngơi trong rừng của gia đình ông Phan Văn Hương. |
“So với hồi đó thì bây giờ đổi đời rồi. Bảo vệ rừng không còn vất vả như xưa nữa... Có lần bắt gặp người hàng xóm vào chặt cây, chẳng biết làm sao, suy nghĩ một hồi, tôi nói ổng: “Rừng này tôi được nhà nước giao bảo vệ, anh vì chén cơm của gia đình mà chặt, thì tôi phải đền, con tôi nhịn ăn đấy”. Ông ấy nghe vậy, buông dao không chặt nữa, mà còn xin lỗi tôi”, ông Hương kể.
Rừng cho chúng tôi ấm no
Hiện nay, gần 200ha rừng nhận khoán của gia đình bà Hồng được giao cho vợ chồng người con trai là anh Trần Minh Tùng trông coi. Mỗi năm, tiền công giữ rừng của gia đình bà cũng được hơn 200 triệu. Ngoài ra, anh Tùng còn nuôi thêm ốc len dưới tán rừng ngập mặn, mỗi năm kiếm thêm từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Anh Trần Minh Tùng, con trai bà Ba Hồng thu hoạch ốc len. |
Ông Phan Văn Hương thì tâm sự, rừng bây giờ chính là máu thịt, là chén cơm của cả gia đình. Nên ngoài trách nhiệm, còn cả tình yêu thương với rừng. “Bây giờ có 2 mẫu ruộng cũng chẳng bằng chăm cánh rừng này. Ruộng phải bón phân, phải đầu tư, còn giữ rừng chỉ bỏ công ra thôi. Cứ 3 tháng, tôi lãnh lương một lần. Bây giờ mức lương giữ rừng tăng gần 1,2 triệu đồng 1ha/năm. Dư sống rồi”, ông cười nói.
Người thứ ba chúng tôi gặp trong rừng, cũng là người gắn bó cả đời với rừng Cần Giờ, là bà Nguyễn Kim Hoàng (Tư Hoàng). Bà Tư Hoàng có hoàn cảnh khá đặc biệt, một mình nuôi 5 đứa con, tất cả đều nhờ vào rừng. Nhìn dáng cao gầy, nước da săn chắc, ít ai nghĩ năm nay bà Tư Hoàng đã 69 tuổi. “Tôi nghỉ hưu mấy năm nay rồi. Giờ quanh quẩn trong nhà lo cho đám nhỏ với vườn tược, ao cá thôi. Hợp đồng giữ rừng tôi giao lại cho con trai mấy năm nay rồi.
Gia đình bà Hoàng đang hợp đồng giữ gần 250ha rừng, mỗi năm, thu nhập từ lương giữ rừng khoảng 280 triệu chưa trừ chi phí, thuế. Ngoài ra, anh còn có 2 ao nuôi các loại cá, cuộc sống khá tốt.
“Rừng Cần Giờ được bảo vệ tốt do nhiều yếu tố. Trong đó, có chính sách đãi ngộ hợp lý của nhà nước đối với những hộ nhận khoán, chăm sóc bảo vệ rừng. Ngoài khoản tiền công đủ sống, họ còn canh tác, nuôi trồng thủy sản ngay trên mảnh rừng mình chăm sóc. Họ gắn bó với rừng, coi rừng là nhà, nên việc bảo vệ nhà mình là lẽ đương nhiên”, anh Châu Văn Lên, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Cần Giờ. |