Ngày 21/6 (theo giờ địa phương), đoàn công tác của UBND tỉnh Ninh Thuận đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Frankfurt (IHK), Cộng hòa Liên bang Đức.
Tham dự có ông Johannes Richter, Giám đốc Kinh doanh quốc tế thị trường Ấn Độ và châu Á (IHK); bà Trần Thị Thu Thìn, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; ông Lưu Xuân Đống, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt; ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận và đại diện lãnh đạo các Sở, địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận là tỉnh có những lợi thế nổi trội, khác biệt với bờ biển dài 105km, vùng lãnh hải rộng trên 18.000km2, nằm trong 18 vùng nước trồi trên thế giới và duy nhất của Việt Nam, trên 196.828ha rừng và đất lâm nghiệp phát triển rừng.
Bên cạnh đó, tỉnh có tốc độ gió trung bình đạt 7,5 m/s, có lượng mặt trời lớn nhất so với cả nước (tổng số giờ nắng trung bình khoảng 2.800 giờ/năm). Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng, khai thác hải sản, sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn, cảng nước sâu, phát triển công nghiệp ven biển, logistics...
“Đến nay tỉnh đã thu hút đầu tư 57 dự án các nguồn điện (mặt trời, gió, thủy điện) với tổng công suất 3.750MW; sản lượng điện năm 2023 đạt gần 8 tỷ kWh. Theo quy hoạch phát triển điện VIII, đến năm 2030 Ninh Thuận dự kiến phát triển thêm 9.223MW điện, trong đó có một số dự án mang tính trọng điểm, tạo động lực phát triển cho tỉnh như LNG Cà Ná – 1.500MW, thủy điện tích năng 2.400 MW, điện gió đất liên và gần bờ đạt 554MW…
Đối với điện gió ngoài khơi, quy hoạch xác định đến năm 2030 cả nước phát triển 6.000MW, riêng khu vực Nam Trung bộ phát triển khoảng 2.000MW”, ông Nguyễn Long Biên cho biết.
Theo ông Nguyễn Long Biên, từ khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh Châu Âu (EU) và là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam trong EU và quan hệ hai nước còn nhiều dư địa, tiềm năng phát triển trong nhiều lĩnh vực hợp tác.
“Hiện Ninh Thuận đã tiếp nhận 3 dự án viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức phi chính phủ của Cộng hòa Liên bang Đức với tổng vốn viện trợ là 57.328 USD. Tỉnh có tiếp nhận vốn ODA của Đức để thực hiện dự án nâng cấp Trường Trung cấp nghề tỉnh do Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận làm chủ đầu tư, với tổng vốn là 22,4 triệu USD thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2018”, ông Nguyễn Long Biên cho hay.
Do đó, với mục tiêu tăng cường hợp tác, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực như năng lượng, năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lĩnh vực tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt là giảm phát thải và tăng cường tài chính lâm nghiệp thông qua việc chuyển nhượng thương mại tín chỉ carbon rừng, góp phần sinh kế cho các chủ rừng, người dân, bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận mong muốn ông Johannes Richter và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt sẽ làm cầu nối quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của Ninh Thuận đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp tại Đức.
“Chúng tôi trân trọng mời Ban Lãnh đạo Cộng hòa Liên bang Đức và cộng sự đến thăm, làm việc tại tỉnh Ninh Thuận, để chúng ta gặp gỡ, cùng nhau trao đổi và tìm hiểu cụ thể hơn những thông tin, thảo luận phương án để phát huy tiềm năng, thế mạnh hai bên cùng quan tâm trong thời gian tới”, ông Nguyễn Long Biên nói và cho biết thêm, Ninh Thuận cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Đức trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, kết nối đầu tư và thụ hưởng các mức ưu đãi đầu tư cao nhất trong phạm vi Nhà nước Việt Nam quy định.
Tại buổi làm việc, ông Johannes Richter, Giám đốc Kinh doanh quốc tế thị trường Ấn Độ và châu Á (IHK) cho biết, IHK hiện có khoảng 104.000 thành viên, trong đó có 22.000 công ty có hoạt động kinh doanh quốc tế, 250 công ty của Việt Nam đang kinh doanh tại Frankfurt, đây là khu vực có cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất của Đức.
Ông Johannes Richter rất ấn tượng với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là Ninh Thuận với các lĩnh vực mới như năng lượng, năng lượng tái tạo, hướng đến giảm phát thải và tăng cường tài chính lâm nghiệp thông qua việc chuyển nhượng thương mại tín chỉ carbon rừng.
Trong khuôn khổ chương trình, trước đó đoàn công tác của tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh Hòa Bình, Đắk Nông, Phú Yên đã thăm và làm việc với Bộ trưởng Tài chính bang Hessen, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên bang, châu Âu và quốc tế bang Hessen, Công ty Precitec, Tập đoàn Công nghệ Firma Aqseptence để khảo sát, tìm hiểu, giới thiệu tiềm năng, cơ hội giữa các bên trong thời gian tới.