| Hotline: 0983.970.780

Nơi chương trình giảm nghèo mới vừa thoáng qua: [Bài 5] Trẻ em nghèo hấp thụ dinh dưỡng trên… lý thuyết

Thứ Sáu 02/08/2024 , 06:55 (GMT+7)

Trẻ nhỏ khu vực miền núi thua thiệt đủ bề, nghèo đói làm gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng. Ngặt nghèo là thế nhưng chính sách hỗ trợ tựa như cơn gió thoảng qua.

Trẻ nhỏ vùng cao thiếu thốn đủ bề, không được chăm lo đến nơi đến chốn nên tỷ lệ suy dinh dưỡng luôn ở mức cao. Ảnh: Việt Khánh.

Trẻ nhỏ vùng cao thiếu thốn đủ bề, không được chăm lo đến nơi đến chốn nên tỷ lệ suy dinh dưỡng luôn ở mức cao. Ảnh: Việt Khánh.

Bộn bề áp lực 

Một thời xã Châu Hạnh được nhắc đến là điểm nóng của tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Nơi đây hội tụ đủ loại thành phần, dân tứ xứ tập trung nhiều vô kể. Cũng bởi nhiều “mảng màu” nên tình hình nhộm nhoạm, khó kiểm soát.

Trong kí ức xa xăm, nhắc đến Châu Hạnh sẽ liên tưởng ngay đến vận nạn ma túy, hút chích tràn lan, cơn bão trắng càn quét kinh hoàng để lại muôn vàn di chứng, khiến nhiều người u mê mãi không dứt ra được để rồi kết cục sau cuối là những cái chết tang thương. Tình cảnh con mất cha, người già mất con trẻ, gia đình ly tán chẳng hiếm gặp. Những năm gần đây tình hình ít nhiều biến chuyển nhưng hệ lụy xưa kia hẵng còn vương vấn, chung quy chịu nhiều thua thiệt hơn cả vẫn là phụ nữ và trẻ nhỏ.

Phụ nữ và trẻ em tại huyện nghèo Quỳ Châu chịu nhiều thua thiệt. Ảnh: Ngọc Linh. 

Phụ nữ và trẻ em tại huyện nghèo Quỳ Châu chịu nhiều thua thiệt. Ảnh: Ngọc Linh. 

Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết, huyện Quỳ Châu nói chung, xã Châu Hạnh nói riêng kỳ vọng Tiểu dự án 2 về cải thiện dinh dưỡng (thuộc Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững) sẽ góp phần tăng cường kiến thức chăm sóc sức khoẻ, bổ sung vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ em từ 0 - 16 tuổi, qua đó khỏa lấp phần nào nỗi lo toan thường trực.

Bài liên quan

Tuy nhiên do đối mặt với quá nhiều rào cản, từ nút thắt trong chính nội hàm của chương trình cho đến những yếu tố thực tại, tất thảy vô hình trung tạo nên sức ỳ quá lớn. Đành rằng chính sách giảm nghèo đã triển khai trên diện rộng nhưng chưa đến đích như mong đợi, chính những người chịu trách nhiệm truyền tải chính sách tại địa bàn huyện Quỳ Châu hiểu rõ hơn ai hết thực trạng này.

Thực tế chỉ rõ việc đẩy mạnh tuyên truyền cải thiện dinh dưỡng tại xã Châu Hạnh chẳng dễ dàng gì. Theo lý thuyết, định kỳ đến ngày, đến tháng bậc phụ huynh có trách nhiệm tập trung để lắng nghe, lĩnh hội kiến thức cơ bản, qua đó áp dụng đúng cách, đúng phương pháp.

Nhiều bậc phụ huynh đi làm ăn xa phải cậy nhờ người già trồng nom, quyền lợi của trẻ bị ảnh hưởng cũng từ đây mà ra. Ảnh: Ngọc Linh.

Nhiều bậc phụ huynh đi làm ăn xa phải cậy nhờ người già trồng nom, quyền lợi của trẻ bị ảnh hưởng cũng từ đây mà ra. Ảnh: Ngọc Linh.

Ngặt nỗi vì nhận thức hạn chế, trên hết là gánh nặng cơm áo gạo tiền, phần đa các cặp vợ chồng đều kéo nhau đi làm ăn xa, thành thử trẻ nhỏ ở nhà giao phó hoàn toàn cho người già trông nom. Bậc cao tuổi “đi học” lấy lệ, tháng 5 một hôm, tháng 10 một buổi, nghe câu được câu mất nên không thể áp dụng. Cái khó nữa là địa bàn xã Châu Hạnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc ở mức cao, khả năng giao tiếp hạn chế dần dà khiến họ ngại ngần tiếp xúc nơi đông người. Ngặt nỗi người dân càng thu mình, đối tượng thụ hưởng càng thua thiệt.

“Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng năm 2023 là 14,5%, xã đang phấn đấu giảm xuống 13,9% trong năm nay, dù mức này vẫn cao hơn hẳn so với mặt bằng chung. Qua khảo sát toàn xã có khoảng 250 cháu trong độ 3 - 5 tuổi, nhiều cháu thể trạng không đảm bảo, suy dinh dưỡng chủ yếu do thiếu sự chăm sóc, nuôi dưỡng của bậc làm cha làm mẹ, chung quy áp lực kinh tế chi phối rất nhiều”, bà Lê Thị Nga, Trạm trưởng Trạm y tế Châu Hạnh chia sẻ thông tin.

Nhờ sự khâu nối của cán bộ y tế cơ sở, chúng tôi tìm đến gặp chị Vi Thị Hường, trú tại bản Đồng Minh, xã Châu Hạnh. Chị Hường sinh năm 1989, mới 35 xuân xanh nhưng đã là mẹ của 3 con nhỏ. Đập vào mắt là túp lều chắp vá, xập xệ quá đỗi, rảo mắt một vòng không thấy nổi một vật dụng nào có giá trị. Nhác thấy bóng khách đến thăm, chủ nhà tóc tai rũ rượi, xuề xòa như người mới ốm dậy, uể oải bước ra chào hỏi lấy lệ. Trên tay bế cháu nhỏ còn đang ngái ngủ, chị Hường ngồi bệt ngay trước hiên nhà, con chó mực nhỏ thó cũng nằm thụp xuống ngay kế bên, không gian thật sự cám cảnh. 

Mẹ con chị H. đang sống trong túp lều xập xệ. Ảnh: Việt Khánh.

Mẹ con chị H. đang sống trong túp lều xập xệ. Ảnh: Việt Khánh.

Cũng bởi không chịu nổi điều tiếng nên người “chồng hờ” đã giận dỗi bồng bế cháu thứ 2 về nhà nội từ mấy năm rồi, để lại chị Hường đơn thân, gồng gánh nuôi 2 con mọn. Trong số này đáng lo hơn cả là tình trạng của cháu út Vi Bảo K., cháu gầy gò, xanh xao, thuộc diện suy dinh dưỡng nặng:

“Cháu 1 tuổi rồi nhưng chậm lớn, lúc này vẫn chưa chập chững được như con trẻ cùng trang lứa, xung quanh cổ và vành tai của cháu bị nổi hạch, bổn phận làm mẹ thấy con mình như thế quặn thắt cả ruột gan, bản thân muốn đưa cháu đi khám càng sớm càng tốt nhưng lực bất tòng tâm. Nhà không có đất, em phải thuê mướn để làm nhưng chung quy không đủ ăn, lâu nay phải gửi cháu đầu cho bà ngoại trông nom, đỡ đần phần nào.

Cũng bởi túng quẫn nên phải rút ngắn thời gian kiêng cử, sau sinh độ một tháng rưỡi em phải lọ mọ vào rừng lấy măng đem bán kiếm đôi đồng trang trải, thường ngày phải dậy từ 5h sáng, lắm hôm tối mịt mới mò về đến nhà, không có thời gian chăm sóc mới thành ra như vậy, ngẫm lại thương con nhưng chẳng làm được gì. Mỗi tháng cháu được Nhà nước hỗ trợ 540.000 đồng, số tiền này chỉ đủ trang trải một phần nhỏ nhu cầu mà thôi”, nói đến đây chị Hường nức nở nghẹn ngào.

Giật mình từ những con số    

Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Quỳ Châu giai đoạn 2022 – 2024 ước khoảng 260 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương chiếm trên 240 tỷ đồng. Nguồn lực đáng kể nhưng phân bổ không đồng đều với nhiều nội dung bị “xem nhẹ” quá mức, rõ hơn cả là Tiểu dự án 2 của Dự án 3.

Thực tế cho thấy chính sách chỉ mới thoáng qua với mẹ con chị H. mà thôi. Ảnh: Ngọc Linh.

Thực tế cho thấy chính sách chỉ mới thoáng qua với mẹ con chị H. mà thôi. Ảnh: Ngọc Linh.

Số liệu thống kê thể hiện kinh phí dành cho đầu mục “cải thiện dinh dưỡng” chỉ lẹt đẹt ở mức 1,2 tỷ đồng (năm 2023 trên 512 triệu đồng; năm 2024 trên 692 triệu đồng). Đã bọt bèo còn giải ngân bèo bọt, tính đến 31/5/2024 chưa đạt nổi 200 triệu đồng kế hoạch năm 2023, riêng năm 2024 là con số 0 tròn chĩnh.

Mức độ khiêm tốn đã quá rõ, lạ thay chính những người trong cuộc lại cố tình lờ đi. Không hiểu vì lý do gì mà UBND huyện Quỳ Châu lại khăng khăng dự án đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận, tư vấn dinh dưỡng cho 4.127 bà mẹ có con dưới 5 tuổi cũng như đang mang thai, chưa kể 283 phụ nữ có thai được bổ sung đa vi chất. Ngoài ra có 1.720 trẻ nhỏ được tư vấn toàn diện đến lĩnh vực có liên quan. Để đạt được những thông số trong mơ tương ứng với số tiền cực kỳ nhỏ giọt, quả thực người lạc quan nhất cũng chẳng dám nghĩ tới.

Đây cũng là thực trạng chung tại các huyện miền núi trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: CTV.

Đây cũng là thực trạng chung tại các huyện miền núi trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: CTV.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.