| Hotline: 0983.970.780

Nơi chương trình giảm nghèo mới vừa thoáng qua: [Bài 3] Chính sách lớn chưa tới, dân chới với giữa dòng

Thứ Tư 31/07/2024 , 07:05 (GMT+7)

Chuyển biến từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại Nghệ An là có nhưng chưa nhiều, ngược lại càng làm càng nảy sinh hàng loạt vấn đề bức bí.

Nghề nuôi cá lồng trên lưu vực sông Cả ẩn chứa nhiều rủi ro do hàng loạt công trình thủy điện án ngữ. Ảnh: Ngọc Linh. 

Nghề nuôi cá lồng trên lưu vực sông Cả ẩn chứa nhiều rủi ro do hàng loạt công trình thủy điện án ngữ. Ảnh: Ngọc Linh. 

‘Vừa làm vừa nghiên cứu’

Điểm chung của các huyện vùng cao của Nghệ An là “bế tắc” cùng cực trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, kết quả giải ngân thấp lè tè là minh chứng rõ nét nhất.

Lý giải nguyên nhân, huyện Tương Dương khẳng định chương trình có nhiều điểm mới, một số văn bản, thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành còn chung chung, chưa rõ ràng nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Việc thẩm định, phê duyệt một số dự án, tiểu biểu là Dự án 2 “Đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo”; Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 “Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp” diễn ra chậm vì liên quan đến nhiều loại giấy tờ, mất thời gian đấu thầu giá cây, con giống nên không kịp phân bổ kinh phí theo kế hoạch, một số đầu mục phải chuyển nguồn sang năm kế tiếp…

Kết quả thực hiện Chương trình MTQG tại huyện Tương Dương không đạt. Ảnh: Ngọc Linh.

Kết quả thực hiện Chương trình MTQG tại huyện Tương Dương không đạt. Ảnh: Ngọc Linh.

Từ những rào cản trên, huyện Tương Dương thừa nhận thực trạng “các đơn vị vừa làm vừa nghiên cứu các văn bản, Thông tư hướng dẫn”, điều này dẫn đến chậm tiến độ và hiệu quả chưa cao.

Lấy Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo làm ví dụ, giai giai đoạn 2022 - 2024 huyện này được phân bổ hơn 13,6 tỷ đồng (năm 2022 hơn  1,8 tỷ; năm 2023 hơn 5,4 tỷ; năm 2024 hơn 6,3 tỷ). Tính đến ngày 31/5 mới giải ngân được 4,3 tỷ đồng, đạt 32 %, đáng nói năm 2024 chưa xắn tay vào làm.

Chậm tiến độ là một nhẽ, cốt lõi là kinh phí hỗ trợ của chương trình quá thấp, định mức 15 triệu đồng/ hộ nghèo, 14 triệu đồng/ hộ cận nghèo, 13 triệu đồng/ hộ thoát nghèo chưa tạo ra bước chuyển mang tính căn cơ. Kinh phí ít ỏi nhưng phân bổ muộn làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng và thẩm định hồ sơ. Chung quy đối tượng, thành phần thụ hưởng chịu thiệt đơn, thiệt kép.

Định mức hỗ trợ thấp lè tè những mãi không giải ngân được, chung quy các đối tượng thụ hưởng thiệt thòi hơn cả. Ảnh: Việt Khánh.

Định mức hỗ trợ thấp lè tè những mãi không giải ngân được, chung quy các đối tượng thụ hưởng thiệt thòi hơn cả. Ảnh: Việt Khánh.

Rủi ro trên dòng

Xã Tam Đình, huyện Tương Dương có 2 dự án thuộc chương trình giảm nghèo bền vững, bao gồm hỗ trợ trồng cây ăn quả và mua sắm vật tư, máy móc nuôi cá lồng. Cả 2 đều sử dụng nguồn năm 2023 với tổng kinh phí chưa nổi 500 triệu đồng, bèo bọt là thế nhưng mãi chưa giải ngân được, ghi nhận đến đầu tháng 7/2024 mọi thứ vẫn nằm vẹn nguyên trên giấy. 

Đáng bàn hơn cả là đầu mục hỗ trợ trang thiết bị nuôi cá lồng trên lòng hồ, nơi có khoảng 50 hộ vẫn tận dụng mặt nước để kiếm kế sinh nhai. Đa phần triển khai dưới dạng tự túc, hộ ít 2 - 3 lồng, hộ nhiều 7 – 8 lồng, 10 lồng, số tiền rải ra không ít nhưng giá trị thu về chẳng tương xứng. Vị trí nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình điều tiết của các nhà máy thủy điện, kết hợp vấn nạn ô nhiễm nguồn do thượng nguồn xả thải cấp tập, thành thử việc nuôi trồng như thể đánh bạc. Chính những người trong cuộc khẳng định, tình hình thuận chèo mát mái còn kiếm được đôi đồng trang trải, bằng không thì xây xẩm mặt mày.

Chủ tịch UBND xã Tam Đình (bên trái) thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện. Ảnh: Ngọc Linh.

Chủ tịch UBND xã Tam Đình (bên trái) thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong quá trình thực hiện. Ảnh: Ngọc Linh.

Chủ tịch UBND xã Tam Đình, ông Vi Văn Thắng nhận xét khách quan: “Xét mặt bằng chung con nước, dòng chảy nơi đây phù hợp hơn các điểm nuôi tại xã Tam Thái giáp ranh, dù vậy lắm lúc cũng trầy trật trong việc di chuyển lồng bè. Việc chính của đồng bào miền núi vẫn là lên nương làm rẫy, họ đi từ sáng sớm khi nước trên dòng dâng cao, lắm hôm trưa về đã thấy lồng cá nổi lềnh bềnh như mắc cạn. Nhiều bận xảy ra hiện tượng cá chết rải rác, không đồng loạt, dù vậy cũng không thể chủ quan”.

Ông Lương Văn Mày là người uy tín trong cộng đồng làng bản Đình Phòng, được nhân dân trong vùng tín nhiệm, bầu giữ chức Trưởng bản. Dẫu vinh dự nhưng chế độ thấp, áp lực chi tiêu đè nặng buộc ông phải nai lưng ra làm, có điều đã vận dụng đủ cách nhưng không cải thiện được là bao.

“Kinh phí đâu tư ban đầu khá lớn, nghề nuôi lại khá rủi ro nên gia đình lựa chọn phương án xen ghép, hùn vốn nuôi 2 lồng, 1 lồng nuôi cá rô phi, lồng còn lại nuôi cá trắm, cá lăng. Do tác động thường xuyên của dòng khe Cớ, đặc biệt là quy trình vận hành của thủy điện Khe Bố nên độ ổn định không cao, đôi lúc vẫn xảy ra dịch bệnh, cũng may người nuôi được tập huấn, trang bị kiến thức khá đủ đầy nên phòng trừ kịp thời. Nuôi quy mô nhỏ nên hiệu quả kinh tế thấp, tính ra mỗi năm chỉ lãi tầm 10 triệu đồng/ lồng thôi”, ông Mày nói.

Rác thải ngổn ngang, chất đống trên dòng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: Việt Khánh.

Rác thải ngổn ngang, chất đống trên dòng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: Việt Khánh.

Trưởng bản Lương Văn Mày cũng thừa nhận nghề nuôi cá lồng trên lưu vực thủy điện không bở ăn, bởi nhiều yếu tố tác động nên phải để mắt 24/24, nếu lơ là thì của nả trôi sông đổ biển lúc nào không hay: “Mùa này mưa nhiều, lắm hôm mưa xối xả, rả rích cả ngày đêm khiến nước trên dòng đục ngầu, nếu không tinh ý, chậm trễ di chuyển có khi cá chết sạch. Lồng bè của gia đình cách bờ độ 20m, nhiều hôm phải huy động người kéo ra xa tầm 40m, chờ nước ổn định mới di chuyển về vị trị cũ. Thoạt nghe đơn giản nhưng không dễ dâu, nhưng lúc như thế phải ròng rã nguyên một buổi mới xong”.

Mong muốn truyền tải góc nhìn toàn cảnh, Trưởng bản Đình Phong dẫn chúng tôi đến khu vực nuôi của ông Vi Văn Long, SN 1963. Ông Long dáng người nhỏ thó, tay có khuyết tật thành thử khó làm việc nặng nhọc, ấy thế mà quanh năm suốt tháng vẫn phải quần thảo với mấy ao lồng. Thấy vất vả, tôi đánh tiếng hỏi han: Ở tuổi này nghỉ ngơi được rồi, con đàn cháu đống để chúng nó chăm chứ?

“Đói kém phải bươn chải thôi chứ ai hay hớm gì đâu. Con cái chật vật lo thân chúng nó chưa xong, cháu chắt còn gửi ông bà già trông nom thì cậy nhờ nỗi gì. Gia đình không có nương rẫy, bao miệng nhìn vào mấy lồng cá đấy thôi. Nghề này may mắn đủ ăn chứ không khấm khá được. Ngày đầu chỉ nuôi cá trắm, cá rô phi, sau thả thêm cá lăng nhưng đâu lại vào đấy, bán rẻ thì lỗ, nâng giá thì không ai mua.

Thị trường chững lại nhưng chi phí đầu vào tăng cao, 1 bao cám giá 460.000 đồng, tính ra hàng tháng phải dùng đủ 2 bao mới đủ khẩu phần ăn cho cá. Ngặt nỗi điều kiện không cho phép nên phải cắt giảm tối đa, mỗi tháng dùng gọn 1 bao thôi”, ông Long nói thật như đếm.

Điều này khiến những người nuôi như ông Long mất ăn mất ngủ. Ảnh: Việt Khánh. 

Điều này khiến những người nuôi như ông Long mất ăn mất ngủ. Ảnh: Việt Khánh. 

Lưu vực sông Cả kéo dài ngút mắt, nếu không “vướng bận” hàng loạt nhà máy thủy điện án ngữ trên dòng chắc hẳn số đông đồng bào vùng cao sẽ có cơ hội thoát nghèo nhờ tận dụng mặt nước mênh mông nuôi trồng thủy sản. Lý thuyết là thế nhưng nhận thấy tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ nên chỉ một số ít lựa chọn cách này hòng tạo sinh kế.

Bản thân Trưởng bản Lương Văn Mày, ông Vi Văn Long cũng như số đông hộ nuôi cá lồng tại xã Tam Đình thấm hơn ai hết những khốn khó trong nghề, thật tâm họ mong mỏi được trợ lực để tạo đà thúc đẩy. Có điều khi bàn đến nội dung hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo bền vững, ai nấy đều mù tịt thông tin (?!)

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.