| Hotline: 0983.970.780

Nơi chương trình giảm nghèo mới vừa thoáng qua: [Bài 1] Mòn mỏi chờ lợn giống

Thứ Hai 29/07/2024 , 06:30 (GMT+7)

Rục rịch hơn 2 năm trời nhưng đến nay lợn giống hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vẫn chưa đến tay đồng bào vùng cao Nghệ An.

Chương trình giảm nghèo bền vững đang 'tắc' tại huyện Tương Dương. Ảnh: Ngọc Linh.

Chương trình giảm nghèo bền vững đang "tắc" tại huyện Tương Dương. Ảnh: Ngọc Linh.

Bị động toàn tập

Quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn Nghệ An chưa thông suốt dù các bên liên quan đã chạy “rốt đa” hơn 2 năm rồi. Cấp giống cho hộ nghèo nhằm cải thiện sinh kế là một trong những nội dung cốt lõi, có điều diễn tiến ì ạch như… rùa bò.

Bất cập ra sao cứ nhìn thẳng vào thực trạng tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương sẽ thấy. Từ đầu chí cuối là một mớ hỗn độn không hơn không kém, chính quyền sở tại và các đối tượng thụ hưởng luôn bị đặt vào thế bị động thành thử lúng túng muôn phần.

Trao đổi trên tinh thần thẳng thắn và cởi mở, ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh khẳng định nội dung “hỗ trợ con giống” không nằm trong đầu mục ưu tiên ban đầu: “Thực chất xã mong muốn được lồng ghép mô hình trồng cây bo bo vào trong chương trình để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của giống cây bản địa. Cây bo bo có sẵn trong tự nhiên, rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của đất Lượng Minh.

Nhiều gia đình trong diện được hỗ trợ mòn mỏi chờ lợn giống. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều gia đình trong diện được hỗ trợ mòn mỏi chờ lợn giống. Ảnh: Việt Khánh.

Vào mùa bà con chỉ việc lên rừng hái về bán cho thương lái thu mua, lúc cao điểm mỗi người phải gom được 1 – 2 yến/ ngày, giá thành cao, dao động quanh ngưỡng 45.000 – 65.000 đồng/kg nhưng lắm lúc chẳng đủ hàng mà bán. Thị trường ổn định là điểm vượt trội của cây bo bo so với các mặt hàng khác, từ trước đến nay chưa bị ép giá bao giờ. Bước đầu làm hồ sơ chúng tôi đăng ký mô hình này làm điểm nhưng qua rà soát lại không được duyệt nên phải chuyển sang nội dung khác”, ông Phúc chia sẻ.

Kinh phí hỗ trợ từ chương trình vốn dĩ eo hẹp, nay dàn trải nhiều đầu mục theo nhu cầu của từng thôn bản thành thử càng “teo tóp” hơn. Dựa trên kinh phí được phân khai năm 2023, xã Lượng Minh đã xây dựng kịch bản cung cấp con giống cho các cơ sở thụ hưởng, riêng 15 hộ tại bản Minh Thành được hỗ trợ lợn giống, định mức 3 con/hộ.

Lường trước được khó khăn, áp lực chất chồng, ngay từ quý II/2023 lãnh đạo xã Lượng Minh đã chủ động khâu nối với Tổng đội thanh niên xung phong 9 (địa chỉ tại xã Tam Hợp, huyện Tương Dương) để đặt hàng. Thỏa thuận xong xuôi đâu đấy, đến cuối năm 2023 các bên liên quan hí hửng di chuyển đến tận nơi để nhận giống, lúc này mới ngớ người ra khi biết tin dịch tả lợn Châu Phi đang bùng phát trên diện rộng, tức thì kế hoạch ấp ủ bấy lâu bỗng chốc đổ sông đổ bể. 

“Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, xã đề xuất bên cung ứng phải có cam kết, bảo hành sản phẩm nhưng họ không làm được. Biết các hộ nóng ruột nhưng việc này không thể chủ quan, muốn hay không phải chờ huyện công bố hết dịch đã”, ông Vi Đình Phúc nhấn mạnh.

Anh Lô Văn Na, Trưởng bản Minh Thành là người ăn chực nằm chờ, vất vả khâu nối suốt 2 năm qua nên hiểu rõ hơn ai hết tình cảnh ngặt nghèo. Thật như đếm, anh Na kể đời sống của dân bản còn muôn vàn khốn khó, số đông cần được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước nhằm thoát khỏi nghịch cảnh. Nhu cầu lớn nhưng chỉ tiêu hạn chế nên 15 hộ được chọn phải sẵn sàng tâm thế vượt khó, nhất nhất không được trông chờ, ỷ lại.

Mặc cho đã làm sẵn xuồng từ trước đó. Ảnh: Ngọc Linh.

Mặc cho đã làm sẵn xuồng từ trước đó. Ảnh: Ngọc Linh.

“Nơi đây đồi núi bạt ngàn nhưng đất sản xuất chẳng có mấy đâu, thành thử chăn nuôi gia súc được nhiều hộ chọn lựa, có điều giá cả những năm rồi tụt dốc không phanh khiến ai nấy đều lo ngay ngáy. Vài năm trước một con trâu 4 năm tuổi giá hơn 30 triệu đồng nhưng nay giảm phân nửa, nhà tôi vừa bán 6 con, lớn bé đủ loại nhưng chưa thu nổi 60 triệu đồng. Nuôi bò cũng thế, mất công tốn buổi nhưng thu không bù chi. Tính ra nuôi lợn khá hơn cả, bởi thế khi biết có tên trong danh sách hỗ trợ các hộ phấn khởi lắm, nhiều nhà làm sẵn chuồng, đan sẵn rọ định bụng mang theo bắt lợn về rồi đấy”, anh Na bộc bạch.

Cám cảnh

Vợ chồng ông Lương Văn An, bà Lương Thị Quý ở bản Minh Thành có với nhau 4 mặt con, quanh năm đầu tắt mặt tối lo toan từng bữa nên chẳng thể lo toan cho lũ nhỏ học hành đến nơi đến chốn. Trẻ nhỏ thiếu định hướng, thiếu con chữ làm hành trang thành thử khó tránh khỏi cám dỗ, cạm bẫy. Thế mới có chuyện con gái ông bà, cháu Lương Thị L. bị các đối tượng xấu hứa hẹn, lừa gạt tìm kiếm việc nhẹ lương cao ở Trung Quốc đại lục khi mới 14 tuổi. Không tiền, không mối quan hệ thân thích nơi đất khách quê người, trong thế phụ thuộc L. lấy chồng, sinh con sau đó không lâu. Bẵng đi thời gian dài, mãi đến năm ngoái L. mới lếch thếch về nhà trong bộ dạng tàn tạ.

Bản thân ông An bị tai biến từ năm 2015, gần 10 năm nay cơ bản chỉ ăn không ngồi rồi, thành thử việc lớn, nhỏ một tay bà Quý quán xuyến. Mang tiếng trụ cột nhưng bà Quý cũng chẳng có nghề ngỗng ổn định, bấm bụng vay mượn mãi mới mua được 4 con bò nuôi vỗ béo hòng kiếm đồng ra đồng vào, tính toán là thế nhưng đến nay chẳng thể xuất chuồng do giá bán quá bèo bọt. Nghèo còn mắc cái eo, vừa tháng trước thôi bà Quý bị ngã trẹo cả tay, băng bó suốt từ đó đến giờ chưa khỏi:

Việc lớn, nhỏ đều do bà Quý một tay gánh vác. Ảnh: Việt Khánh. 

Việc lớn, nhỏ đều do bà Quý một tay gánh vác. Ảnh: Việt Khánh. 

“Con đàn cháu đống nhưng chẳng nhờ vả được gì chúng nó, thân già chúng tôi phải tăng gia sản xuất nhưng quay quắt lắm, có ngày chỉ kiếm được vỏn vẹn 15.000 đồng, nhiều hôm chả có đồng nào mà chi tiêu”, ông An nói trong chua chát.

Khi bàn đến nội dung hỗ trợ lợn giống của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, ông An thừa nhận rất khó để cáng đáng nhưng không làm thì đói nghèo đeo đẳng không thôi: “Các hộ đều mong mỏi sớm có lợn giống để nuôi. Các công đoạn xong xuôi cả rồi đấy chứ, riêng tiền làm chuồng, làm rọ cũng mất đứt hơn triệu bạc đấy”. 

Cụ Kha Thị Tút sống cách đó không xa cũng từng trải qua cảm giác hụt hẫng như thế. Trưởng bản Minh Thành vẫn nhớ như in, rằng hôm thông báo được cấp lợn, cụ Tút sốt sắng đứng ngồi không yên, hết đi ra lại đi vào, cụ gom đủ thứ, nào chuối, nào rau, băm sẵn thành một mớ, để cạnh nồi cám to ú ụ, xác định hôm sau sẽ “thết đãi” lợn giống một bữa no nê ra trò, nào ngờ gần trọn năm rồi mọi sự vẫn chưa thành.

Cụ Kha Thị Tút được phen chưng hửng khi lợn giống mãi chẳng thấy đâu. Ảnh: Ngọc Linh.

Cụ Kha Thị Tút được phen chưng hửng khi lợn giống mãi chẳng thấy đâu. Ảnh: Ngọc Linh.

Sống trong căn nhà tuềnh toàng, chật hẹp, hằng tháng chỉ được nhận 300.000 đồng chế độ bảo trợ, điều kiện vật chất thực sự thiếu thốn nhưng tinh thần luôn lạc quan phơi phới. Ấn tượng với vẻ ngoài hoạt bát, nhanh nhảu của cụ, tôi trò chuyện thật tâm:

- Cụ có mấy người con, đời sống thường nhật thế nào? - 4 đứa, mỗi đứa một gia cảnh, khó khăn lắm.

- Cụ sống một mình hay sống với ai? - Ở với vợ chồng thằng út Lô Quang Tuốt, vợ đầu của nó chết rồi.

- Nếu nhận được lợn giống có đủ sức nuôi không? - “Có chứ”, cụ Tút đáp gọn lỏn.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Chính sách tốt sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp sinh học

Để công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam cần có chính sách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.