| Hotline: 0983.970.780

Nơi chương trình giảm nghèo mới vừa thoáng qua: [Bài 2] Nuôi bò mà lo ngay ngáy

Thứ Ba 30/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

Chăn nuôi gia súc tại vùng cao Nghệ An đang bế tắc khi giá cả tuột dốc không phanh, người dân không mặn mà với giống bò được cấp âu là điều dễ hiểu.

Nhiều xã vùng cao tại Nghệ An không mặn mà khi tiếp nhận con giống từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ảnh: Ngọc Linh.

Nhiều xã vùng cao tại Nghệ An không mặn mà khi tiếp nhận con giống từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ảnh: Ngọc Linh.

Từ lợi thế thành gánh nặng

Nuôi trâu, bò hàng hóa có lúc phát triển cực thịnh tại khu vực miền núi Nghệ An. Tận dụng đồng cỏ mênh mông các huyện Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, đặc biệt là Kỳ Sơn đã phát triển rầm rộ mô hình này. Thị trường được giá giúp nhiều nhà tích trữ tiền trăm bạc tỷ dễ như bỡn, có điều niềm vui ngắn chẳng tày gang khi 2, 3 năm qua gió đổi chiều chóng vánh.

Càng nuôi càng lỗ chổng vó, dễ hiểu vì sao số đông tỏ ra thờ ơ khi tiếp nhận con giống được hỗ trợ. Bỏ thì thương mà vương thì tội, nếu tiếp tục gắng gượng nhiều khả năng sẽ chịu cảnh xôi hỏng bỏng không.

Trên địa bàn xã Hữu Lập có 23 hộ được cấp bò lai Sind. Ảnh: Ngọc Linh.

Trên địa bàn xã Hữu Lập có 23 hộ được cấp bò lai Sind. Ảnh: Ngọc Linh.

Từ khi xắn tay vào thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), đặc biệt là giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chính quyền xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn bận bịu tối tăm mặt mày. Hỏi ra mới biết khối lượng đầu việc quá lớn, nhiều nội dung bao hàm, mới mẻ (làm hồ sơ đấu thầu, tìm cơ sở cung ứng, xét nghiệm, tiêm phòng…) trong khi năng lực địa phương có hạn.     

Chủ tịch UBND xã Hữu Lập, ông Lương Văn Lon cho biết toàn xã có 23 hộ nghèo được thụ hưởng giống bò lai Sind từ Chương trình giảm nghèo bền vững, định mức mỗi hộ 1 con. Ghi nhận đến thời điểm này có 1 con chết, số còn lại vừa nuôi vừa lo ngay ngáy.

Con bò của chị Kha Thị Pịt chết thảm trong rừng, khi phát hiện chỉ còn bộ xương khô. Ảnh: Người dân cung cấp. 

Con bò của chị Kha Thị Pịt chết thảm trong rừng, khi phát hiện chỉ còn bộ xương khô. Ảnh: Người dân cung cấp. 

Con bò “vắn số” vừa nêu là của gia đình chị Kha Thị Pịt ở bản Noọng Ó, được phát hiện chết không toàn thây sau đợt giông lốc vào giữa tháng 4/2024. Thời điểm đó trên địa bàn có gần 100 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng nặng, mức độ ảnh hưởng quá lớn thành thử mất nguyên tháng trời các hộ mới ổn định được phần nào. Xong xuôi đâu đấy họ mới túa nhau vào rừng sâu tìm kiếm gia súc, chứng kiến trâu bò về từng đàn nhưng không thấy bóng dáng con bò được cấp, chị Pịt âu lo tột độ. Đớn đau thay, sau nhiều ngày đổ xô lần mò khắp các ngóc ngách trong rừng rậm gia đình mới phát hiện thấy một… đống xương khô.

Lãnh đạo xã Hữu Lập thừa nhận nuôi bò lai Sind không phù hợp với điều kiện đặc thù của đất này. Rằng bò lai Sind đặc tính khác hẳn bò địa phương, khả năng chống chịu kém hơn, quy trình chăm sóc cũng phức tạp hơn, đòi hỏi áp dụng khoa học kỹ thuật, tốn công tốn của nhưng ẩn chứa nhiều rủi ro.  

Nỗi lo chẳng phải đến lúc này mới hiển hiện, thực tế trước đây trên địa bàn đã từng được cấp giống bò lai Sind nhưng mức độ hòa nhập kém, bò chết khá nhiều, thậm chí sau hàng năm trời chăm bẵm, đến kỳ sinh đẻ lại lăn đùng ra chết, bà con tiếc nuối ngẩn ngơ nhưng đành chịu:

“Trước đây thấy bò lai Sind hình thức bắt mắt, con nào con nấy lực lưỡng, vai u thịt bắp nên nhiều hộ cũng muốn thử sức, tuy nhiên qua một thời gian ngắn đã bộc lộ nhiều nhược điểm. 22 con còn lại dù đang phát triển bình thường nhưng rất khó duy trì, chung quy người dân không đủ điều kiện, không quen cách thức, nuôi con bò này là gánh nặng cho họ. Qua tham vấn ý kiến chung, số đông đều ưu tiên lựa chọn nuôi bò địa phương thôi”, Chủ tịch Lương Văn Lon thừa nhận.

Già Hà Văn Tương ví von chăm bò lai Sind như chăm con mọn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Già Hà Văn Tương ví von chăm bò lai Sind như chăm con mọn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hơn 3 tháng trước, già Hà Văn Tường, trú tại bản Xốp Thạng, xã Hữu Lập cũng được cấp 1 còn bò lai Sind, ngần ấy thời gian vất vả vô cùng. Đon đả rót nước mời khách, già Tường dí dỏm ví von chăm bò như nuôi con mọn. Trước đây gia đình thường nuôi nhốt trong vườn, sau quen dần mới thả theo đàn vào rừng kiếm ăn, độ 1, 2 ngày lại quay về. Ngoài khẩu phần ăn định kỳ phải nấu thêm cháo để bồi bổ thường xuyên, bò lai Sind phải béo tốt mới được giá.

“Trước khi được cấp giống mình đã nuôi bò lai Sind, thời gian đầu khá ổn nhưng tình hình ngày một cam go, giá bán quá thấp khiến người nuôi không có lãi, thậm chí là lỗ nặng. Trước thời điểm phát sinh Covid-19 một cặp bò giống có giá ngất ngưỡng 20 triệu đồng, vậy mà năm ngoái giảm xuống còn 12 triệu đồng thôi, thấy rẻ mình cũng tậu một đôi. Sau một năm chăm bẵm tính ra công cốc, hỏi dò đầu mối họ báo giá chưa nổi 7 triệu đồng/ con, bán thì tiếc rẻ mà giữ thì nhiều rủi ro”, già Tường giãi bày.

Cố đấm ăn xôi

Dự án 2 về đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tại huyện Kỳ Sơn được giao cho Trung tâm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện làm đầu mối chính. Theo kế hoạch, dự án chăn nuôi bê cái (bò) lai Sind thuộc nguồn vốn năm 2022 với kinh phí chỉ hơn 1 tỷ đồng. 67 con sẽ được chia cho các hộ nghèo tại 3 xã Bảo Nam, Hữu Lập, Phà Đánh. Do vướng tầng tầng lớp lớp thủ tục, kết hợp điều kiện thời tiết bất thuận, mãi gần đây số bò trên mới đến được tay người dân.

Những người như già Tường (bên trái) hiểu rõ nuôi bò lai Sind vất vả đến nhường nào. Ảnh: Ngọc Linh.

Những người như già Tường (bên trái) hiểu rõ nuôi bò lai Sind vất vả đến nhường nào. Ảnh: Ngọc Linh.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Kỳ Sơn nhấn mạnh, giai đoạn Covid-19 bùng nổ đến nay tổng đàn gia súc trên địa bàn giảm mạnh. Trước đây người dân chủ động đầu tư, nhiều nhà cất công sang tận bên Lào mua những con bò già, bò nhỏ về vỗ béo, sõi nghề nên chỉ sau vài tháng ngắn ngủi tức thì mang lại giá trị cao. Mấy năm trở lại đây giá trâu, bò giảm mạnh, bà con không xuất bán được (chủ yếu bán đi Trung Quốc) nên chỉ nuôi cầm chừng. Thực tâm nhìn vào đây để phát triển kinh tế là rất khó.

Lời ông Tuấn không sai, xét trên nhiều khía cạnh thấy rằng nghề chăn nuôi trâu, bò hàng hóa trên địa bàn huyện Kỳ Sơn thực sự rủi ro, trước sau là một vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. 

Theo số liệu thống kê từ chính huyện này, tình trạng gia súc chết do dịch bệnh, hoặc bị tác động bởi các điều kiện ngoại cảnh xảy ra như cơm bữa. Rõ nhất là sự vụ vào cuối tháng 6/2024 tại địa bàn xã Bảo Nam, những tia sét giáng xuống chớp nhoáng lúc trời chiều nhập nhoạng đã đánh chết 8 con bò của người dân địa phương, quy đổi mất 104 triệu đồng. Thiệt hại nặng nhất là hộ ông Lương Văn Phết khi mất đứt 1 con bò đực, 2 con bò cái với tổng giá trị 28 triệu đồng.  

Từ những lát cắt chân thực thấy rằng nghề này đã lỗi thời, lạ thay trong lộ trình của huyện Kỳ Sơn việc tăng nhanh đàn bò và tập trung phát triển chăn nuôi vẫn là ưu tiên hàng đầu (?!)

Tình hình bấy lâu nay không thuận nhưng huyện Kỳ Sơn vẫn xác định tăng nhanh tổng đàn chăn nuôi. Ảnh: Việt Khánh.

Tình hình bấy lâu nay không thuận nhưng huyện Kỳ Sơn vẫn xác định tăng nhanh tổng đàn chăn nuôi. Ảnh: Việt Khánh.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.