| Hotline: 0983.970.780

Nơi chương trình giảm nghèo mới vừa thoáng qua: [Bài 4] Lao động miền núi ‘ngó lơ’ chính sách đào tạo nghề

Thứ Năm 01/08/2024 , 07:00 (GMT+7)

Lao động vùng cao Nghệ An thực sự dồi dào nhưng đa số không qua đào tạo chính quy, số lượng thụ hưởng từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thấp ngỡ ngàng.

Người dân tại xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương chủ yếu lao động chân tay thuần túy, đa phần không qua đào tạo. Ảnh: Ngọc Linh.

Người dân tại xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương chủ yếu lao động chân tay thuần túy, đa phần không qua đào tạo. Ảnh: Ngọc Linh.

Sức hút chưa đủ lớn

Tưởng chừng Dự án 4 về “phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững sẽ góp phần nâng tầm trình độ, tay nghề cho lao động nông thôn ở Nghệ An, tiến tới giải quyết triệt để bài toán về nhu cầu việc làm và tăng thu nhập. Tuy nhiên với kết quả thực tế tại các huyện vùng cao như Tương Dương, thấy rằng tham vọng trên khó thành.

Nhân đây xin được lấy diễn biến tại xã Yên Tĩnh làm lát cắt, qua đó khắc họa tổng quan thực trạng buồn. Khảo sát sơ bộ thấy rằng lực lượng lao động trên địa bàn xã khá dồi dào, chiếm khoảng ¼ tổng dân số, tương đương gần 1.000 người. Hơn phân nửa đang đi làm ăn xa, số còn lại ở nhà làm việc tự do. Nhiều chưa hẳn đã tinh khi phần đa không được đào tạo bài bản, kỹ năng, trình độ còn nhiều hạn chế.

Con cái đi làm ăn xa, người già ở nhà trông nom trẻ nhỏ là tình cảnh chung tại khu vực miền núi Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Con cái đi làm ăn xa, người già ở nhà trông nom trẻ nhỏ là tình cảnh chung tại khu vực miền núi Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Đánh giá về công tác đào tạo nghề, lãnh đạo địa phương xác nhận không có bất kỳ lớp học, hay khóa tập huấn nào được triển khai từ Chương trình giảm nghèo bền vững. Lâu nay các đối tượng vẫn theo học các lớp ngắn hạn do Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề của huyện đứng ra tổ chức, mỗi năm tầm 3 lớp, mỗi lớp dao động 30 – 50 người.

Con số khá ấn tượng nhưng chất lượng mới là điều đáng bàn. Hỏi rõ mới hay phần đa đăng ký lấy lệ, không thực chất. Không đặt nặng nên chẳng chú tâm, lắm hôm lên nương làm rẫy, hay bận công chuyện y như rằng vắng mặt. Một số trường hợp lại chống chế bằng cách nhờ người đi học thay. Học hành bữa đực bữa cái, chữ nghĩa lĩnh hội bao nhiêu trả hết cho thầy bấy nhiêu. Kiến thức “thủng”, tựu chung không vận dụng ngoài thực tế là bao.

Vợ chồng già Lương Văn Học ở bản Cành Toong, xã Yên Tĩnh tuổi đã cao nhưng vẫn phải nai lưng cày cuốc kiếm kế sinh nhai. Ông bà có với nhau 5 mặt con nhưng chưa cậy nhờ được đứa nào. Đau đáu hơn cả là Lương Văn L., thanh niên đoản mệnh gần 20 năm trước do sập hầm trên đỉnh Pu Phen. Những đứa còn lại cũng đầy rẫy âu lo, riêng thằng út Lương Văn Lợi chưa lập gia đình, hiện đang làm thời vụ tại Bắc Ninh, nghe đâu lương chưa đủ nuôi thân. Thằng thứ 3 sau khi bỏ vợ cũng đi làm ăn xa, để lại 3 con thơ cho ông bà chăm sóc.    

Vợ chồng già Học vất vả nuôi dạy cháu khi bố mẹ chúng nó vắng nhà. Ảnh: Ngọc Linh. 

Vợ chồng già Học vất vả nuôi dạy cháu khi bố mẹ chúng nó vắng nhà. Ảnh: Ngọc Linh. 

Hướng ánh nhìn vào không gian xa xăm, già Học giãi bày tâm tư chất chứa: “Con đàn cháu đống nhưng chẳng đỡ đần được mấy đâu, chúng nó đa phần làm công nhân, lương ba cọc ba đồng, tiền gửi về còn không đủ lo cho con cái ăn học. Học hành, khâu nối, tìm kiếm việc làm ra sao tự thân chúng nó lo liệu, mình có biết gì đâu. Gia cảnh khốn khó buộc vợ chồng tôi phải bươn chải để đỡ đần thêm nhưng tình hình không thuận lắm. Tận dụng có chút đất đồi, trước đây gia đình phát lối để trồng xoan, nay xoan đã đến độ khai thác nhưng thương lái không thu mua, thấy hoang phí lại phát đi để trồng keo, chẳng biết sau này có bán nổi không”.  

Bài liên quan

Phổ cập chung đã gian nan hết mực thì học hành bài bản theo hướng nâng cao để đi nước ngoài từ chính sách giảm nghèo hẳn là điều xa xỉ. Ông Lữ Khăm Phon, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh chia sẻ thông tin vừa mừng vừa lo:

“Độ 2 năm trở lại đây người dân quan tâm hơn đến khía cạnh xuất khẩu lao động, hiện toàn xã có 80 người đang làm việc tại những thị trường tiềm năng, riêng bản Tà Khóm chiếm số đông với 30 người. Thu nhập bình quân tương đối ổn định, mỗi người gửi về khoảng15 triệu đồng/ tháng, một số khác lương cao hơn đấy. Toàn bộ đều đi dưới dạng tự do, họ tự khâu nối, không một ai thông qua Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững”.

“Thông tin chính xác không”? tôi gặng hỏi. “Chắc chắn 100%, không có ai cả đâu” – ông Lữ Khăm Phon khẳng định chắc nịch.

Có nhiều nguyên do khiến người dân “ái ngại” tiếp cận chính sách. Học hành xa nhà với lịch trình dài hơi, di chuyển vất vả, tốn kém đích thực là một rào cản, điểm trừ tiếp theo nằm ở kinh phí hỗ trợ, định mức 10 – 15 triệu/ người tựu chung chẳng thấm tháp vào đâu. Nguồn ít ỏi nhưng để thanh toán xong xuôi cũng vàng mắt, đồng bào miền núi vốn ngần ngại, ít giao tiếp, nay phải hoàn thành nhiều bước, lắm công đoạn phức tạp chẳng khác nào đánh đố họ.

Những con số đáng buồn

Mức độ lan tỏa của Dự án 4 “phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” tại huyện Tương Dương quá hạn chế. Nhìn vào Tiểu dự án 1 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn sẽ thấy rõ thực trạng này.

Phạm vi bao hàm là vậy nhưng nguồn được giao cả giai đoạn 2022 – 2024 chưa nổi 850 triệu đồng. Đáng nói hơn khi toàn bộ kinh phí phân bổ hết cho năm 2022, trong khi 2 năm tiếp theo không được cấp dù chỉ 1 đồng.

Huyện Tương Dương tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng tỷ lệ thụ hưởng từ Dự án 4 của chương trình giảm nghèo bền vững quá ít ỏi. Ảnh: Việt Khánh. 

Huyện Tương Dương tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng tỷ lệ thụ hưởng từ Dự án 4 của chương trình giảm nghèo bền vững quá ít ỏi. Ảnh: Việt Khánh. 

Thống kê từ chính huyện Tương Dương cho thấy các đầu mục quan trọng đều đang ở vạch xuất phát. Cụ thể, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Không; tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ xây dựng, mua sắm thiết bị, phương tiện đào tạo, sửa chữa, cơ sở vật chất từ nguồn vốn đầu tư phát triển: Không.

Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật…, phát triển chương trình, học liệu, phát triển chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp: Không; phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn: Không; tổng số mô hình triển khai, thực hiện: Không.

Tính ra, trong 3 năm huyện Tương Dương đã tổ chức khảo sát trên tổng số 4.280 lượt lao động, kết quả chỉ đào tạo được… 235 người.

Đối với Tiểu dự án 2 - Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ghi nhận đến ngày 31/5/2024, đảo khắp toàn huyện chỉ có 16 người được hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức và các thủ tục liên quan để đi làm việc ở nước ngoài, con số khiêm tốn quá đỗi.

Người dân miền núi vất vả vì khó tiếp cận chính sách lớn. Ảnh: Việt Khánh. 

Người dân miền núi vất vả vì khó tiếp cận chính sách lớn. Ảnh: Việt Khánh. 

Quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Nghệ An không đạt kết quả như kỳ vọng, yếu tố khách quan chi phối là có nhưng không thể lấy đó để lấp liếm cho hàng loạt hạn chế, yếu kém. Trách nhiệm trước tiên thuộc về chính quyền địa phương, nơi trực tiếp thụ hưởng chính sách. Ngoài ra phải nhắc đến vai trò của Sở LĐ-TB&XH, với tư cách chủ trì đơn vị này phải chủ động, linh hoạt hơn để kịp thời tham mưu, chỉ đạo nhằm sớm tháo gỡ những nút thắt dai dẳng, tránh sự thể trượt dài nhu bấy lâu.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.