| Hotline: 0983.970.780

Nơi cưới không biết mặt chồng, nợ cưới đời cha, đời con gánh trả

Thứ Ba 19/07/2016 , 13:15 (GMT+7)

Ở nơi đó nhiều người chỉ biết ăn sắn ngô, cháo nấu quanh năm, chẳng có tiền, quần áo mới, mới 13-14 tuổi đã lấy vợ, gả chồng. Ở nơi đó tình người ấm áp đến mức ngã đâu cũng là nhà, khách lạ đến là đun nước cho tắm, mời ăn, mời ngủ…

Thiếu người đi lấy rau lợn, thiếu người đi cạo nhựa thông, thiếu người đi làm nương rẫy thì lấy cho thằng con một đứa vợ.

Trẻ con lớn lên như cỏ cây hoa lá

Ngày về nhà trai, Chìu Nhì Múi (bản Hin Đăm, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) xúng xính trong bộ quần áo cổ truyền tự dệt, cười hàm tiếu như một đóa hoa rừng. Đó là đám cưới tình yêu đầu tiên ở gia tộc họ Dương này.

Dương Phúc Thọ đi làm thuê, thích rồi yêu Múi, khác hẳn đám cưới của bố mẹ mình, của anh trai, toàn là do gia đình sắp đặt. Bố Thọ là Dương Kim Ngân sinh năm 1977 cưới mẹ Thọ là Phún Tài Múi sinh năm 1981 khi chị chỉ 13 tuổi. Phún Tài Múi hồn nhiên kể lại: “Tao đi chăn bò về thấy một đám đông gánh rượu, gánh thịt vào nhà. Hỏi mẹ thì nó bảo người ta đến cưới mày đấy”.

Thế là Phún Tài Múi có chồng. Một ông chồng không hề biết mặt trước. Chị đẻ tằng tằng bảy người con, sáu đứa đầu do chồng đỡ ở nhà, cắt cuống rốn bằng một thanh cật nứa, chỉ có đứa út là đẻ ở bệnh viện vì lúc đó họ đã dành dụm được mấy trăm ngàn.

Đẻ đến đứa thứ bảy thì Múi bảo với chồng: “Nhà không còn đủ thức ăn nên tao không lấy thêm con nữa đâu”. Thế là chị đi xuống bệnh viện huyện đặt vòng, triệt sản.

Hoàn cảnh khó khăn quá Múi đem cho bớt hai đứa con đi. Một đứa cho trong bản, một đứa cho tít ở tận huyện Ba Chẽ của tỉnh Quảng Ninh. Chúng được cúng ma nhà mới, lấy họ nhà mới thì không còn là đứa con của họ Dương nữa rồi…

14-58-30_dsc_5118
Múi làm bà khi 33 tuổi

 

Dương Văn Hùng - người con cả sinh năm 1995, nghĩa là Múi đẻ nó ra lúc chỉ vừa 14 tuổi. Thằng Hùng cưới vợ năm 2011, mãi mấy năm sau mới biết đẻ ra con (năm 2014) giúp Múi thành bà nội năm 33 tuổi. Nếu vợ thằng Hùng đẻ sớm như con nhà người ta có khi chỉ 30 tuổi Múi đã lên chức bà rồi chứ đâu có muộn thế? Dân bản Dao này đầy người lên chức ông, bà sớm mà.

14-58-30_dsc_5084
Múi đẻ con khi mới 14 tuổi

 

Con trai thứ hai của Múi, thằng Dương Phúc Thọ sinh năm 1998 cưới vợ năm 2016, hơi muộn so với các trai bản khác. Thiếu người đi lấy rau lợn, thiếu người đi cạo nhựa thông, thiếu người đi làm nương rẫy thì lấy cho thằng con một đứa vợ. Vợ thường hơn chồng dăm ba tuổi.

Trong khi chồng còn mũi dãi ròng ròng, rong chơi khắp chốn thì vợ đã biết suốt ngày cắm cúi bên xó bếp, xó nương, xó rừng. Thọ là người đầu tiên trong họ Dương phá cái lệ lấy vợ do bố mẹ sắp đặt.

Dân tộc Dao nếu đẻ con gái thường đặt tên đứa đầu là Múi, đứa hai là Nảy, đứa ba là Pham, đứa tư là Phẩy; nếu đẻ con trai thì thằng đầu là A Tài, thằng hai là A Nhì, thằng ba là A Sam, thằng tư là A Xi. Giấy khai sinh ghi một tên còn ở nhà lại gọi một tên.

Những đứa trẻ cởi truồng bò lệt bệt trên nền đất, đồ chơi trên tay là bắp ngô, là chổi cùn, rế rách hay thậm chí một chú gà con. Chúng lớn lên như cỏ cây hoa lá ở rừng. Trong cuộc chọn lọc tự nhiên khắc nghiệt ấy, Phún Tài Múi đã mất một đứa con.

Nợ cưới đời cha, đời con gánh trả

Dương Kim Ngân mới 39 tuổi mà lọm khọm như một ông lão 50 - 60 tuổi, tóc bạc, nếp nhăn dọc ngang xẻ trên mặt như rãnh ruộng cày.

Anh không được đi học, trước xã có đợt xóa mù, bắt anh đi 3 tháng nhưng thầy giáo tối nào hầu như cũng say nên kết cục chỉ biết đúng 3 chữ Dương Kim Ngân thay cho việc điểm chỉ. Chữ Kinh không biết nhưng chữ Nho anh lại có thể đọc vanh vách các bài cúng cổ, ghi được sổ nợ cưới vợ của mình và các con.

14-58-30_dsc_5120
Một góc bản Dao

 

Cái túi ni lông cất kỹ trong tủ gói ghém những tờ giấy ghi nợ cưới. Tờ ố vàng nhất ghi nợ đám cưới của anh năm 1994 với thịt, rượu, gạo. Thịt lợn đem sang nhà ngoại chia bốn loại.

Thứ nhất là thịt sọt. Nếu vợ là con đầu sẽ không mất một sọt thịt nào cho các em kế tiếp nhưng nếu là con thứ hoặc con út thì mỗi anh chị liền trên sẽ mất 1 sọt. Ngoài ra, ông nội của cô dâu 1 sọt, ông ngoại 1 sọt, ông bác 1 sọt (mà bác lắm khi cũng phải dăm ba ông) nên một đám cưới phải mất 10 - 12 sọt thịt (mỗi sọt 8kg thịt), không được thiếu.

Thứ hai là thịt gánh, số lượng khoảng 80kg. Thịt này không nhất thiết phải nộp ngay mà lâu lâu trả một đùi cho bố mẹ vợ ăn dần mới phải phép.

Thứ ba là thịt ăn, số lượng khoảng 100kg, nộp cho nhà gái để nấu cỗ thết khách. Cuối cùng là thịt ma, sau ba ngày cưới mang 8kg thịt, 8 lít rượu, 12kg gạo nếp, ít tiền đến để cúng.

Đám cưới anh Ngân, tiền mặt đưa cho nhà gái mất 1,5 triệu (tương đương 1 con trâu mộng hồi đó) kèm theo 250kg thịt, 60 lít rượu, 90kg gạo. Đám cưới thằng Hùng tiền mặt mất 7 triệu kèm theo 180kg thịt, 60 lít rượu, 60kg gạo. Đám cưới thằng Thọ tiền mặt mất 8 triệu kèm theo 130kg thịt, 100 lít rượu. Đó mới chỉ là phần đưa cho nhà gái, còn phần lợn, phần rượu nhà trai dành để đãi khách thậm chí còn hơn thế.

Không có lợn thì không có vợ vì vậy nhà trai chăm lợn ốm còn hơn cả chăm người ốm. Người sốt sình sịch chẳng quan tâm nhưng lợn mới bỏ cám một bữa là gọi thầy đến bói. Có nhiều loại ma thèm thịt lợn lắm! Ma rừng, ma núi, ma suối, ma nhà, ma ông bà tổ tiên… Phải tìm ra đúng loại đã làm cho con vật sinh bệnh, phải mổ gà để cúng nó rồi mới cầu xin được.

14-58-30_dsc_5103
Cô dâu chú rể

 

Anh Ngân phải mất hơn 10 năm lao động cật lực để trả số nợ thịt cưới. Thế là còn nhanh chán so với nhiều người trong bản phải lấy thịt thách cưới của con gái ra để trả nợ cho đám cưới của chính mình. Hai người con cưới vợ để lại cho gia đình anh món nợ trên 10 con lợn tương đương khoảng 50 triệu đồng.

Trước đó, cả nhà phải nhịn thịt vào dịp Tết để dành con lợn đã nuôi được 3 năm, nặng đến 2,3 tạ cho thằng Thọ lấy vợ. Con lợn mấy người không thể khiêng được thế mà vẫn chưa đủ, vẫn còn phải vay thêm hai con nữa.

Cái oái oăm của nợ thịt cưới ở chỗ người vay muốn trả không phải lúc nào cũng được. Lợn nuôi to trong chuồng rồi nhưng nhà chủ nợ chưa cưới vợ cho con thì họ vẫn không chịu nhận, còn quy ra tiền họ lại càng không muốn nhận vì sợ sẽ tiêu hết.

Đàn lợn nhà anh Ngân vừa rồi chết dịch hết, đám ruộng 5 sào chỉ còn 2 sào sau trận lũ quét nên hai cái nợ cưới của con vẫn còn treo ở đấy. Cả đại gia đình 9 miệng ăn giờ sống chủ yếu bằng việc làm thuê qua ngày.

Hai vợ chồng anh vừa đi làm thuê được 2 triệu đồng thì ngày mùa mua xăng, mua kem, mua bia, mua thịt đãi mấy người gặt đổi công đã mất 1 triệu rồi nên trong nhà chỉ còn lại 1 triệu. Cấy xong họ lại phải đi làm thuê tiếp để lấy tiền mua phân bón nhưng trời cứ mưa sụt, mưa sùi mãi chẳng có ai mướn.

Mưa. Những con gà ủ rũ chạy vào hiên nhà trú. Những dây áo thõng thượt trên mấy cây sào. Trình tường xám. Khung cửa xám. Mặt người cũng xám, nhạt nhòa như mưa. Trong những ngày mưa triền miên, núi rừng lúc nào cũng ngun ngún hơi nước hệt như một chiếc nồi luộc bánh ấy, Phún Tài Múi ngồi bên bậc thềm.

14-58-30_dsc_5123
Múi làm vòng đeo tay bằng cái móc áo

 

Một cái rũa, một cái kìm, chị cặm cụi cắt, mài, uốn từng đoạn mắc áo bằng nhôm thành mấy chiếc hoa tai sáng lấp lánh mà thoạt nhìn ai cũng ngỡ là bằng bạc.

Tôi ở lại dùng bữa với mọi người. Trên cái bàn đen xỉn là một cái rá đựng cơm, một bát lớn đựng rau muống xào, một bát nhỏ đựng vài ba chục hạt lạc rang thế mà Múi vẫn cứ tươi cười: “Tao chẳng thấy buồn đâu vì thóc đầy nhà, con đầy cửa, chỉ thiếu mỗi tiền thôi”.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

Các quận và phường ở Hải Phòng sẽ không còn Hội đồng nhân dân

HẢI PHÒNG Sau khi được Quốc hội thông qua, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị Hải Phòng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 với nhiều điểm mới phù hợp với xu hướng phát triển.