Hiện trường vụ 8 em học sinh Hòa Bình đuối nước thương tâm |
Đối với tỉnh Hòa Bình, đây không phải là vụ đuối nước đầu tiên. Chỉ tính riêng trong hai tháng 4 và 5/2018, ở tỉnh này đã xảy ra 7 vụ đuối nước, cũng khiến 8 em bé đi tắm rồi mãi mãi không trở về. Còn trên cả nước?
Thử lướt qua các báo một vòng xem, có ngày nào mà không có mươi, mười lăm vụ đuối nước được đưa lên mặt báo. Nhưng con số thực tế chắc chắn còn lớn hơn nhiều. Nạn nhân của các vụ đuối nước đa số là trẻ em. Năm 2015, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã làm một cuộc thống kê, và đã đưa ra một con số kinh hoàng. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, ở Việt Nam có trên 11.500 trẻ em tử vong do đuối nước, cao thứ hai trên thế giới.
Trẻ em tử vong do bị đuối nước có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nhiều nhất là do những bãi biển, bãi sông có những hố sâu do người lớn khai thác cát tạo thành; ở những thùng vũng sâu được tạo thành do việc khai thác đá, múc đất phục vụ việc thi công các dự án nhưng không hề có biển cảnh báo; hoặc sa vào những dòng chảy trên những bãi tắm mà không hề có nhân viên cứu hộ... Có thể thấy, không ít vụ đuối nước đã xảy ra mà trách nhiệm thuộc về người lớn.
Mỗi đứa trẻ tử vong do đuối nước đều để lại một nỗi đau và một sự mất mát không gì có thể bù đắp được cho bố mẹ, ông bà, người thân và bạn bè, trường lớp. Những giọt nước mắt của người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh, nếu tập hợp lại, có thể trở thành một dòng suối. Nhưng, đau lòng hơn là rất nhiều cơ quan, tổ chức, nhà trường, và thậm chí chính cả các bậc phụ huynh, vẫn tỏ ra rất thờ ơ với nạn đuối nước.
Rất ít trường học hay địa phương có bể bơi và có giáo viên dạy bơi cho trẻ. Rất ít phụ huynh đầu tư cho con mình học bơi một cách bài bản, dù có điều kiện hẳn hoi. Ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016- 2020, với mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em từ tháng 6/2018, nhưng cho đến nay, tình hình vẫn chẳng cải thiện được bao nhiêu. Ba tháng hè là thời gian trẻ được tự do, cũng là thời gian trẻ bị tử vong do đuối nước nhiều nhất, lí do là do người lớn lơ là trong việc quản lí, giám sát các cháu.
Đuối nước không chỉ là nỗi đau của những gia đình các cháu gặp nạn, mà đã trở thành nỗi đau chung của toàn xã hội. Đã đến lúc Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, đưa học bơi thành môn học bắt buộc đối với các trường tiểu học và trường phổ thông, và tổ chức thi cử cẩn thận. Trường học đạt chuẩn quốc gia bắt buộc phải có bể bơi và giáo viên dạy bơi.