Nếu thắng lợi, năm sau sẽ lại làm vụ đông
Cánh đồng thôn Nà Dầu, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) là vựa lúa của người dân nơi đây. Cơn bão số 3 ập đến, chỉ trong vài ngày, cánh đồng chìm trong biển nước, lúa, ngô, hoa màu cũng theo con nước mà đi. Chưa năm nào, cánh đồng Nà Dầu ngập sâu và lâu như vậy. Nhớ lại thời điểm khó khăn đó, chị Lèng Thị Huệ (thôn Nà Dầu) vẫn chưa khỏi xót xa. Hai đám ruộng, rồi đến bãi trồng ngô bị ngập, mất trắng, đời sống lâm cảnh khó khăn.
Hơn 2 tháng sau, chúng tôi đến Nà Dầu, cánh đồng ngập trong biển nước giờ đã dần hồi sinh, tiếng máy móc, tiếng cười nói rộn rã. Cũng con người ấy, nhưng chị Huệ hôm nay đã phấn chấn hơn, tay thoăn thoắt làm luống, chị vui vẻ chia sẻ với chúng tôi.
Chị Huệ cho biết, tuần trước cả nhà ra đồng làm đất, nay đã trồng được khoai tây với cây tỏi vụ đông. "Trước đây mình cũng như bà con ở đây chưa bao giờ làm vụ đông, nhưng năm nay được nhà nước hỗ trợ giống và phân bón nên làm thử.
Trồng cây khoai tây và tỏi vụ đông, bà con được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật làm đất, bón phân, rải rơm để phủ trên luống. Chương trình hỗ trợ cũng cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch nên bà con rất yên tâm. Nếu năm nay thu hoạch thuận lợi, có hiệu quả, gia đình sẽ tiếp tục làm vụ đông trong những năm tới”, chị Huệ hồ hởi.
Cánh đồng Nà Dầu những ngày cuối tháng 11 tấp nập người đi làm đồng, sát phía đầu làng, nhiều máy nông nghiệp đang tăng tốc làm đất để kịp thời vụ. Phía xa xa, chị Lèng Thị Ngoan đang tất bật làm luống, bên cạnh, chồng chị đang nhịp nhàng tra từng củ khoai tây giống.
Chị Ngoan cho biết, cách đây 2 tháng khi cơn bão số 3 ập đến, hơn 2.000m2 ruộng cũng như hoa màu của gia đình ngập hết. Hơn 1 tuần sau nước mới rút, tất cả mất trắng, chưa năm nào lũ lên lịch sử như vậy. Khi ấy gia đình kinh tế khánh kiệt, chăn nuôi gặp dịch tả lợn châu Phi, trồng trọt thì lũ ập đến mất trắng. Cả nhà nông chỉ chờ vào năm 2 vụ lúa với mấy con lợn, nhưng nay đã không còn. Vừa rồi xã thực hiện dự án trồng cây vụ đông, người dân bị thiệt hại do bão được hỗ trợ giống khoai tây, giống tỏi và phân bón nên gia đình rất phấn khởi bắt tay vào sản xuất.
Tại cánh đồng xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn) - trung tâm vùng lũ trong cơn bão số 3 cách đây vài tháng, người dân cũng đang tập trung trồng cây vụ đông. Ông Mã Đức Thắng Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết, ngay sau khi nước rút, chính quyền đã vận động người dân vệ sinh đồng ruộng, đắp lại đê bao, khôi phục hệ thống thủy lợi.
Vụ đông năm nay toàn xã xuống giống 50ha cây khoai tây, trong đó có 40ha được hỗ trợ theo chương trình khôi phục sản xuất sau bão số 3, 10ha hỗ trợ theo chương trình nông thôn mới. Ngoài ra, người dân vùng lũ còn được hỗ trợ để trồng khoảng 10ha cây tỏi vụ đông.
“Vụ đông năm nay có ý nghĩa rất lớn với người dân xã Nam Cường vì cơn bão số 3 đã xóa sổ toàn bộ sản xuất nông nghiệp của bà con, người dân mất trắng nên gặp rất nhiều khó khăn. Được nhà nước hỗ trợ sản xuất vụ đông bà con rất vui và đồng tình ủng hộ. Trước khi thực hiện các dự án trồng cây vụ đông, chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo đầu ra cho bà con. Nhiều năm qua, cây trồng vụ đông thường mang lại hiệu quả cao cho người dân trong xã”, ông Thắng cho biết thêm.
Tập trung nguồn lực hỗ trợ khôi phục sản xuất
Từ tháng 6, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt phương án sản xuất vụ đông năm 2024, theo đó toàn tỉnh phấn đấu tổng diện tích đạt trên 1.523ha (138ha khoai tây; 225ha ngô; 95ha khoai lang; hơn 1.000ha rau màu). Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu tổng sản lượng cây vụ đông đạt trên 16.475 tấn, ưu tiên tập trung sản xuất các cây trồng có liên kết, bao tiêu sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất.
Năm nay, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất vụ đông theo hướng thâm canh, tăng năng suất, tăng chất lượng, nâng cao thu nhập cho bà con. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia đầu tư và tiêu thụ nông sản vụ đông cho nông dân, thực hiện liên kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất từ khâu gieo trồng đến thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Những năm gần đây, ngoài cây màu, người dân tỉnh Bắc Kạn cũng đã trồng thêm một số cây trồng trong vụ đông cho giá trị cao, đáng kể là cây dâu tây, khoai lang, củ cải trắng Nhật Bản.
Ông Phạm Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, cơ quan chuyên môn của huyện đã chủ động hướng dẫn người dân, đặc biệt là ở những khu vực bị ngập úng sau cơn bão số 3 để khôi phục sản xuất. Lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn tỉnh phân bổ để hỗ trợ sản xuất sau bão lũ để người dân mua phân bón, giống cây trồng vụ đông. Hiện ở những vùng từng bị thiên tai bà con đã trồng cây vụ đông theo kế hoạch.
Ngành chuyên môn đã ban hành văn bản, cử cán bộ ở cơ sở hướng dẫn người dân bám sát khung thời vụ và diễn biến thời tiết thực tế để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp. Bên cạnh đó, áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, gieo trồng để tranh thủ thời vụ mở rộng diện tích cây vụ đông ưa ấm, phát triển các cây vụ đông ưa lạnh lợi thế, có khả năng bảo quản dài và thị trường tiêu thụ tốt.
Cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra nguồn vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) để đảm bảo số lượng và chất lượng, bao gồm cả nguồn dự trữ để trồng lại khi xảy ra thiên tai. Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, trái với quy định của pháp luật.
Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nông hộ thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô hộ nhỏ lẻ sang quy mô hợp tác xã, tổ hợp tác. Tổ chức sản xuất theo kế hoạch, yêu cầu của thị trường, hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho người dân trong quá trình sản xuất.
Tỉnh Bắc Kạn khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng thu mua sản phẩm đã ký với nông dân, đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xúc tiến thương mại để mở rộng liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn và chủ động tiêu thụ sản phẩm.