| Hotline: 0983.970.780

Nội lực phải mạnh lên

Thứ Sáu 06/06/2014 , 08:46 (GMT+7)

Nhiều học giả, trí thức đã bày tỏ lòng yêu nước với những suy nghĩ thiết thực mong muốn đất nước mình giàu mạnh lên.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, vấn đề ở biển Đông chưa hết căng thẳng, an ninh quốc gia đang bị đe dọa. 

Xây dựng nền kinh tế không lệ thuộc

TS Giáp Văn Dương từng làm việc tại Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Liverpool (Anh) là người có niềm đam mê nghiên cứu các vấn đề triết học và xã hội. 

19-29-39_ts-gip-vn-duong
TS Giáp Văn Dương

Trong lần nói chuyện về những vấn đề mà cả thế giới và Tổ quốc đang rất quan tâm hiện nay về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, TS Dương bày tỏ: “Đã đến lúc chúng ta cần có những hành động thiết thực để thúc đẩy nội lực phát triển. Cái đó không ai khác mà chính chúng ta phải ra sức làm. Một đất nước giàu mạnh, làm chủ được mình phải có một nền kinh tế phát triển, không lệ thuộc”.

Đi sâu về điều này, TS Dương đưa ra một vài dẫn chứng minh họa về sự đổi thay ngoạn mục của một số nước từng bị đe dọa và chịu nhiều thảm hại trong chiến tranh mà nay trở thành những quốc gia giàu mạnh.

Đó là Nhật Bản, từng bị tàn phá năng nề trong chiến tranh. Một quốc gia không giàu có về tài nguyên khoáng sản cũng từng bị tù túng trong những thập niên phong kiến vậy mà giờ đây quốc gia ấy với 120 triệu người, GDP hàng năm đã đạt 5.000 tỷ USD. Hay như Hàn Quốc cũng vậy, họ vươn lên sau chiến tranh, thoát khỏi sự lệ thuộc một cách ngoạn mục, nay còn phải đối phó với các mối đe dọa khác, vậy mà đất nước 52 triệu dân ấy đã cho thế giới thấy sự trỗi dậy vượt bậc. Hiện GDP hàng năm của Hàn Quốc đã đạt 1.300 tỷ USD. Rồi Singapore liên tục bị đe dọa của láng giềng vậy mà họ đã thoát ra được những lệ thuộc để vươn lên giàu mạnh. Singapore có 5,3 triệu dân và GDP hàng năm đạt 270 tỷ USD.

Trong khi đó, Việt Nam chúng ta, dân số 90 triệu người, GDP hàng năm mới chỉ đạt 170 tỷ USD. Vậy lối thoát nào cho Việt Nam để sớm vươn lên giàu mạnh? Điều này, theo TS Dương, không còn cách nào khác là phải thoát đi những cái còn phải lệ thuộc.

Cần xác định phát triển để ổn định. Khi kinh tế của chúng ta đạt ngưỡng GDP hàng năm khoảng 1.000 tỷ USD, bằng 10.000 USD/người/năm khi đó mới có thể thoát ra được sự lệ thuộc. Mấu chốt của việc thoát đi sự lệ thuộc là phải phát triển, trong đó kinh tế cực kỳ quan trọng.

“Muốn vậy, hơn lúc nào hết chúng ta phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết. Phát triển bền vững dựa vào chất lượng thể chế và chất lượng nguồn nhân lực. Ở đó con người được tự do, giáo dục được khai phong, một nền hành chính phục vụ, một thể chế dân chủ, nền kinh tế thị trường minh bạch, xây dựng một nhà nước pháp quyền”, TS Dương bày tỏ.

Đồng quan điểm với TS Dương, TS Phạm Gia Minh chia sẻ: “20 năm trước khi nghiên cứu về Hàn Quốc, tôi nhận thấy sao mà họ thoát Á nhanh thế và giờ đây họ giàu nhanh thế. Rồi đến Nhật Bản cũng vậy, họ thoát Á để thoát đi hệ tư tưởng tù túng, kìm hãm sự phát triển của mình. Đi kèm với đó là Âu hóa. Với Việt Nam, tôi không nghĩ thoát Trung là để bài Trung. Ở đây, chúng ta nên thoát khỏi cái sự lệ thuộc, ràng buộc, thoát đi những cái tiêu cực”.

Cũng với mạch cảm xúc “thoát Trung không phải để bài Trung”, GS Trần Ngọc Vương cho rằng, những thứ tinh hoa, cái đẹp của những tác phẩm văn chương nổi tiếng của Trung Quốc thì chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu và học hỏi.

19-29-39_gs-trn-ngoc-vuong
GS Trần Ngọc Vương

Đó còn là giá trị văn học của nhân loại. Câu chuyện làm thế nào để đất nước mạnh lên trong xu thế hội nhập sâu rộng, giữ được môi trường hòa bình, theo GS Vương thì chúng ta nên thoát đi sự lệ thuộc và ràng buộc của Trung Quốc. Điều này, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc họ "thoát Trung" một cách ngoạn mục và tôi tin Việt Nam ta nếu thể hiện rõ quan điểm thì quyết tâm vẫn làm được.

Thể hiện rõ quan điểm của mình về vấn đề Trung Quốc đang có những âm mưu hòng độc chiếm biển Đông, luật sư Trần Hữu Hằng bày tỏ: “Việt Nam đang là một quốc gia biển, trong khi Trung Quốc không phải là quốc gia biển. Nhưng Trung Quốc đang muốn độc chiếm biển Đông để trở thành quốc gia biển, biến Việt Nam và một số nước có chủ quyền ở biển Đông chỉ còn là quốc gia có bờ biển. Đó là điều rất nguy hiểm. Cho nên chúng ta cần kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của chúng ta”.

Nội lực phải mạnh lên

Trao đổi với báo chí về vấn đề Việt Nam thường bị làm khó trong lĩnh vực XNK nông sản đối với thị trường Trung Quốc, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, chia sẻ: Chúng ta phải xác định lại xem các nhóm hàng nông sản đang phân chia thị trường tiêu thụ trong nước và thị trường tiêu thụ ở nước ngoài như thế nào.

19-29-39_chuyen-gi-kinh-te-phm-chi-ln
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trả lời PV báo chí

Bản thân thị trường nước ngoài thì chúng ta nên tìm hiểu xem những thị trường nào có thể tiêu thụ nông sản Việt Nam. Không nhất thiết là nông sản nhiệt đới của Việt Nam thì chỉ có thể bán cho Trung Quốc. Chúng ta còn nhiều thị trường khác. Có thể ở những thị trường ấy họ đòi hỏi chuẩn mực cao hơn, phẩm chất hàng hóa cao hơn... Vì vậy cái chúng ta cần là sẵn sàng nâng cấp sản phẩm của mình.

Đề cập đến một số thị trường có tiềm năng XK của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: Việt Nam đã có Hiệp định EPA với Nhật Bản. Trong đó, Nhật Bản giảm thuế cho Việt Nam gần như tuyệt đối, kể cả với thị trường nông sản.

Điều kiện là gì? Việt Nam phải đáp ứng được yêu cầu về ATVSTP trên thị trường Nhật Bản, cho nên câu trả lời là nếu Việt Nam thay đổi được chiều hướng tốt lên về ATVSTP thì riêng thị trường Nhật Bản đã có một dung lượng đủ lớn để chúng ta XK sang đấy rồi.

Hay Hàn Quốc cũng là một thị trường tương tự như vậy về những nhu cầu nông sản nhiệt đới mà Việt Nam đang có. Chưa kể với TPP mở ra thì Việt Nam gần như là nước nhiệt đới duy nhất cung cấp nhiều nông sản, tất nhiên có Malaysia nữa, nhưng mặt hàng của họ hẹp hơn chúng ta trong khối TPP.

Tóm lại, Việt Nam phải tự giải bài toán của mình là không phải chỉ bán nguyên liệu thô giá rẻ mà phải chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn để có giá trị gia tăng cao hơn vì lợi ích của chính mình. Trong trường hợp đó thì việc tìm thị trường không khó.

Nhưng hiện nay tỉ trọng NK hàng Trung Quốc của ta còn lớn, giải pháp nào để giảm bớt sự lệ thuộc đó thưa bà?, PV đặt câu hỏi. Bà Lan khẳng định rằng có nhiều ngành công nghiệp trong nước có thể phát triển được.

Hoặc cùng lắm thì chúng ta hướng đến thu hút đầu tư nước ngoài SX các sản phẩm trung gian đó. Nếu bây giờ chúng ta thực hiện chủ trương, chính sách mà nhà nước đã có như tái cơ cấu một số ngành SX, tập trung SX nhiều hơn một số ngành công nghiệp phụ trợ thì hoàn toàn có thể chuyển từ thế NK thị trường bên ngoài trở thành những ngành có thể SX được trong nước.

Đề cập đến câu chuyện NK từ Trung Quốc, có nhiều mặt hàng bị đội giá, bà Lan thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân là do các hợp đồng giữa Trung Quốc và Việt Nam kéo dài thời gian, hay tham nhũng, tiêu cực, đi đêm với nhau... Vì vậy nếu chúng ta chuyển sang làm với những thị trường tử tế hơn thì hệ quả kinh tế thì không phải lo.

Bà Lan cũng cho rằng, thực tế những sản phẩm chúng ta đang nhập từ Trung Quốc thì Ấn Độ cũng có, một số nước ASEAN cũng có, không nhất thiết phải nhập từ Trung Quốc.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong những vấn đề căn cơ nhất là thực hiện tái cơ cấu kinh tế, thực hiện cải cách thể chế mà Thủ tướng đã nói trong thông điệp đầu năm nay.

Vấn đề bây giờ là thực hiện. Nếu chúng ta không thực hiện tái cơ cấu kinh tế, thực hiện cải cách thể chế thì nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu sức ép từ Trung Quốc và không thể tự mình thoát ra khỏi những bế tắc hiện nay. Đây là vấn đề cốt lõi nhất. Do đó, muốn thoát ra khỏi sự lệ thuộc của ai đó thì nội lực của mình phải mạnh lên, phải tự đứng trên đôi chân của mình. Muốn vậy thì phải thay đổi cách thức phát triển.

Chúng ta phải đi vào những ngành mới, những ngành chúng ta đã phải đi mua của nước ngoài với giá cao thì bây giờ đây là cơ hội để chúng ta chủ động. Chỉ cần có những sự điều chỉnh chính sách, khuyến khích những DN mang lại lợi ích cao cho nền kinh tế để các DN có thể mang lại một bức tranh mới cho nền kinh tế nước ta.

Xem thêm
Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.