Theo truyền thông Ba Lan, những người biểu tình đã chặn các cửa ngõ ra vào thủ đô Warsaw bằng máy kéo và nhiều phương tiện nông nghiệp khác. Các con đường dẫn đến biên giới Đức - Ba Lan cũng bị phong tỏa. Hình ảnh từ khu vực này cho thấy hàng chục máy nông nghiệp xếp hàng trên đường cao tốc, cản trở giao thông.
"Chúng tôi đã cạn lời với chính phủ. Mùa xuân đã đến, chúng tôi đáng lẽ đã trở lại làm đồng, nhưng điều này giờ chẳng có nghĩa lý gì vì chúng tôi sẽ chẳng kiếm được đồng nào. Vì vậy, chúng tôi đến đây biểu tình", nông dân Krzysztof nói với hãng thông tấn RIA Novosti.
Theo hãng thông tấn AFP, nông dân Ba Lan có kế hoạch tổ chức tổng cộng hơn 500 cuộc biểu tình chặn đường trong ngày 20/3, cam kết "làm tê liệt" giao thông toàn quốc. Cảnh sát Ba Lan cho biết họ đã ghi nhận hơn 580 cuộc biểu tình diễn ra trong ngày 20/3 và khoảng 70.000 người tham gia biểu tình.
Trước đó cùng ngày, Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận miễn thuế nhập khẩu nông sản Ukraine vào thị trường EU thêm một năm nữa, đến tháng 6/2025. Đồng thời, EU cũng nhất trí tái áp đặt thuế đối với một số nông sản từ Ukraine nếu các sản phẩm nhập khẩu này vượt quá mức trung bình năm 2022 và 2023.
Tuy nhiên, những nông dân biểu tình ở Ba Lan phản đối thỏa thuận này, khẳng định rằng họ muốn giới hạn nhập khẩu nông sản ở mức trước xung đột giữa Nga và Ukraine, vì khối lượng nhập khẩu nông sản từ Ukraine khi đó thấp hơn nhiều.
Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu người nông dân biểu tình, các nhà lập pháp EU hồi tuần trước đã đề xuất nới lỏng một số quy định về bỏ hoang đất nông nghiệp và luân canh cây trồng. Đây sẽ là một trong những chủ đề được đưa ra bàn luận tại cuộc họp các Bộ trưởng Nông nghiệp EU vào ngày 26/3.