| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Hà Nội khát khao cơ giới hóa

Thứ Năm 01/12/2016 , 08:19 (GMT+7)

Ruộng đồng đỡ manh mún là một tiền đề rất tốt cho phát triển hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân nhưng để phát triển nông nghiệp thì vẫn còn nhiều thứ cản trở, vướng mắc...

Một trong những mục tiêu cơ bản của xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống cho nông dân. Thế nhưng nông dân Hà Nội nói riêng và nông dân cả nước nói chung vẫn còn rất nhiều người phải ngày đêm lao động nặng nhọc, quần quật trên ruộng đồng mà thu nhập chẳng được bao lăm…


Công nghệ cấy mạ khay bằng máy
 

Thực tế cho thấy trồng lúa đang là nghề cho thu nhập thấp nhất hiện nay. Tính trên đơn vị một sào thì nếu không gặp bão gió, dịch bệnh người nông dân chỉ thu được khoảng 2-2,3 tạ/sào, nhân với giá thóc hiện tại 6.000-7.000đ/kg, trừ tất cả chi phí từ giống, phân, thuốc BVTV, công lao động, không lỗ cũng vẫn là còn may.

Hà Nội đã cơ bản hoàn thành xong dồn điền đổi thửa. Đến nay, toàn thành phố đã thực hiện được 76.891,67/76.365,07ha (100,7%) nhờ có 8 huyện có diện tích dồn điền, đổi thửa vượt 2.485,43 ha so với kế hoạch được giao.

Ruộng đồng đỡ manh mún là một tiền đề rất tốt cho phát triển hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân nhưng để phát triển nông nghiệp thì vẫn còn nhiều thứ cản trở, vướng mắc. Một trong những thứ đó là chuyện tiến từ thủ công lên cơ giới hóa đồng bộ.

Sản xuất lúa phải giảm thiểu công nặng nhọc chứ còn cấy cày bằng sức người, suốt ngày quần quật ngoài đồng như tổ tiên, ông cha ngàn đời trước mà vẫn không cho ra hiệu quả kinh tế là nông dân bỏ ruộng hết lượt.

Số diện tích bỏ ruộng hiện mới nhỏ lẻ, kiểu “da báo” gần các đô thị, thành phố, thị xã nhưng nó tựa như đốm lửa báo hiệu một đám cháy lớn nếu không có biện pháp ứng cứu kịp thời.

Trong thời gian qua, cơ giới hóa ở một số khâu sản xuất trong nông nghiệp đã giải quyết được một số công việc nặng nhọc, đáp ứng tính thời vụ khẩn trương của sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, cơ giới hóa cho cây lúa mới chỉ ở một số khâu, chưa đồng bộ, trình độ thiết bị còn lạc hậu, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Thạc sĩ Lê Văn Minh, Công ty Công nông nghiệp Hà Nội phân tích: "Hầu hết các máy làm đất đều công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất đai manh mún. Tính trung bình mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam hiện vào khoảng 1,6HP/ha trong khi Thái Lan đạt 4HP/ha, Trung Quốc 8 HP/ha, Hàn Quốc 10 HP/ha".

Có một loạt nguyên nhân cho tình trạng này là do công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng cho các vùng sản xuất chưa đầy đủ, chưa đảm bảo cho nhu cầu phát triển, cơ giớ hóa, hiện đại hóa. Sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn nhỏ, manh mún, kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém, bất cập chưa tạo điều kiện ứng dụng máy móc trong sản xuất.

Đặc biệt là thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp, vốn tích lũy bình quân một hộ nông thôn chỉ 16,8 triệu đồng nên khả năng đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Trong khi trình độ sản xuất công nghiệp, nhất là chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp của ta chưa đáp ứng nhu cầu của sản xuất. Quản lý nhà nước về lĩnh vực cơ khí nông nghiệp chưa được quan tâm đầy đủ, năng lực cán bộ vừa thiếu vừa yếu.

Giải pháp cơ giới hóa đồng bộ với cây lúa phải đi từ những khâu cơ bản nhất, giảm thiểu công lao động nặng nhọc, dùng máy móc từ khâu làm đất, sản xuất mạ khay máy cấy, chăm sóc, bảo vệ thực vật, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, phơi sấy, bảo quản rồi xay xát bằng máy tự động…

Để làm được điều ấy Hà Nội cần có chính sách đặc biệt đầu tư đồng bộ cho người trồng lúa nhất là tập trung đầu tư nhanh và mạnh vào những khâu đang còn thiếu như mạ khay máy cấy, như sấy chế biến, làm thương hiệu cho hạt gạo.

Lo gic của cuộc sống từ nông dân cho đến cả cán bộ kỹ thuật là cứ cái gì dễ thì làm, thì áp dụng. Trước đây khi cơ giới hóa thì việc áp dụng máy làm đất, máy gặt đập liên hợp vào sản xuất lúa rất đơn giản bởi không cần kiến thức nông học vẫn làm được vì vận hành máy khá dễ dàng.

Còn mạ khay máy cấy ngoài kiến thức cơ khí, điện còn thực sự cần kiến thức nông học. Chỉ khi nào nông dân được đào tạo mới thực hiện được.

Hiện nay đang tồn tại một nghịch lý là nông dân khao khát công nghệ, nhất là mạ khay, máy cấy, máy sấy thóc nhưng không thể với được để mua.

Vốn của họ rất hạn chế còn vay theo mức hỗ trợ thì vướng bởi hàng loạt các quy trình thủ tục, nhất là với những loại máy mới xuất hiện rất khó định giá được để xác định mức phần trăm hỗ trợ.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.