Du khách trải nghiệm chèo xuồng hái sen |
Không chỉ có thêm thu nhập từ việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên dồi dào, người dân vùng lũ Đồng Tháp còn tận dụng lợi thế đó để làm du lịch cộng đồng. Chuyện đó nghe có vẻ xa lạ với nông dân, tuy nhiên hình thức kinh doanh này đang từng ngày làm thay đổi cuộc sống của của bà con nơi đây.
Vườn Quốc gia Tràm Chim – Khu Ramsa 2000 của thế giới, tọa lạc tại huyện Tam Nông từ lâu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, với tính chất của một khu bảo tồn thiên nhiên, du khách không có nhiều hoạt động để trải nghiệm, đa phần đều không lưu trú tại Tam Nông hơn một ngày. Chính vì vậy, người dân sống xung quanh Vườn Quốc gia thực chất không được hưởng lợi nhiều từ kinh doanh du lịch.
Nhận thấy được tiềm năng đang còn bỏ ngỏ, một số hộ dân đã mạnh dạn phát triển hình thức du lịch cộng đồng, biến ngôi nhà của chính mình thành một homestay trải nghiệm cuộc sống thôn quê.
Một trong những nơi tiên phong kinh doanh hình thức du lịch này chính là homestay Bé Tư tại xã Phú Thọ. Mới thành lập được hơn một năm nhưng số lượng khách đăng ký đến đây tăng đáng kể và rất ổn định. Bên cạnh lợi thế về cánh đồng sen rộng lớn, chú Tư (chủ homestay) còn thiết kế thêm nhiều hoạt động khác như đạp xe trên đường quê, bắt cá trong ao hay đàn ca tài tử.
Cách đó khoảng 10km, tại xã Tân Công Sính, một homestay khác cũng vừa được hình thành. Tuy không chuyên nghiệp, nhưng homestay Cô Bảy lại có các hoạt động trải nghiệm mùa nước nổi rất hấp dẫn như: hái bông điển điển, đổ dớn cá linh… đặc biệt du khách sẽ được tự tay chế biến các sản vật do chính mình thu hoạch.
Du lịch trải nghiệm, hay du lịch cộng đồng không phải là hình thức dịch vụ mới, tuy nhiên khi gắn kết với mùa lũ miền sông nước, sẽ tạo ra sự khác biệt đầy lôi cuốn với du khách, đặc biệt là những người vốn đã quen với cuộc sống đô thị.
Trào lưu homestay chắc chắn sẽ ngày càng nở rộ tại Tam Nông, không phải một cách tự nhiên, vì nơi đây đang hội tụ đầy đủ các yếu tố thúc đẩy cần thiết cho một hướng đi mới đầy tiềm năng. Đầu tiên phải kể đến tầm nhìn của chính quyền địa phương. Mọi sự hỗ trợ cần thiết từ vốn vay ưu đãi đến quảng bá thương hiệu đều được chuẩn bị sẵn sàng nếu người dân cần hình thành điểm homestay.
Ngoài ra, không thể không kể đến sự sáng tạo trong kinh doanh của nông dân, biến những công việc trong đời sống hằng ngày thành những hoạt động trải nghiệm phiêu lưu hấp dẫn.
Cuối cùng, sự hào sảng của người miền Tây chính là thứ tình cảm chân chất không bao giờ tìm được ở nơi khác. Khi đến đây, du khách không chỉ được vui chơi, được nhận món quà quê mang về mà còn cảm nhận được sự ấm áp của tình người – một điều tưởng chừng như dần mất đi trong xã hội hiện đại.
Anh Đinh Văn Hưng (học viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) đến từ TP.HCM chia sẻ: “Thật là một chuyến đi không bao giờ quên, cảm giác lần đầu tiên được trải nghiệm đời sống của người dân vùng lũ thật thú vị. Các món ăn dân dã tuy không quá cầu kỳ nhưng rất ngon và gần gũi với thiên nhiên, bà con thì hiền lành, thân thiện. Chắc chắn tôi và bạn bè sẽ trở lại nơi này vào một dịp gần nhất”.
Mặc dù vậy, để phong trào này được phát triển một cách bền vững, nhà nước cần có những định hướng ngay từ đầu, tạo điểm nhấn cho từng điểm du lịch riêng biệt. Mặt khác, các hoạt động trải nghiệm trên kênh, rạch cần đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh những tai nạn đuối nước đáng tiếc.
Thêm vào đó, các chủ homestay cần được trang bị các kỹ năng về truyền thông, du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, tránh những hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Nếu làm được những điều đó, tin chắc rằng du khách không chỉ đến với Tam Nông để tham quan Vườn Quốc gia, mà còn vì những trải nghiệm đáng nhớ.
Du lịch cộng đồng gắn với mùa nước nổi đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân, giúp cải thiện đời sống và thay đổi bộ mặt kinh tế của địa phương. Quan trọng hơn, thông qua những ngôi nhà homestay mộc mạc, niềm tin vào tình người và chia sẻ yêu thương sẽ được xây dựng, thắp lên hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho một vùng quê nghèo khó. |