| Hotline: 0983.970.780

Có thể giảm tần suất lấy mẫu sau 2 năm xuất khẩu dừa sang Trung Quốc

Thứ Sáu 13/12/2024 , 15:49 (GMT+7)

Bến Tre Thông tin được ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa' sáng 13/12.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam. Ảnh: Minh Đảm.

Bộ NN-PTNT cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng dừa, cũng như sản lượng. Dừa là 1 trong 6 đối tượng cây trồng nằm trong đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực.

Hiện nay cả nước có 15 tỉnh trồng nhiều dừa với diện tích khoảng 200.000ha  và sản lượng trên 2 triệu tấn/ năm. Trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước (chiếm khoảng 47%), và đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung, bao gồm 5 vùng trồng dừa hữu cơ.

Với truyền thống và thói quen canh tác lâu năm, các  sản phẩm dừa để tiêu dùng và xuất khẩu hiện rất đa dạng như cơm dừa nạo sấy, sữa dừa, nước dừa đóng hộp, kẹo dừa, thạch dừa, dầu dừa,... Nhờ đó, Việt Nam hiện đứng thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu trên thị trường dừa thế giới, xuất khẩu dừa đến hơn 40 trên thế giới như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Trung Quốc,...

Năm 2023, xuất khẩu dừa và các sản phẩm dừa của Việt Nam đạt hơn 900 triệu USD, trong đó dừa tươi chiếm khoảng 25%.Mới đây, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi, mở ra cơ hội lớn cho dừa tiếp cận thị trường tiêu thụ hơn 4 tỷ quả dùa mỗi năm.

Có nhiều tiềm năng, nhưng để trái dừa tăng thêm giá trị xuất khẩu là bài toán không đơn giản. Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thông tin, các thị trường xuất khẩu trọng điểm thường xuyên thay đổi, cập nhật các yêu cầu mới về kiểm dịch.

Chẳng hạn thị trường EU, trong năm 2024, châu Âu đã có 3 thông báo thay đổi MRL của các hoạt chất: Fenbuconazole, Penconazole và Zoxamide. Hoặc thị trường Australia lại phân loại dừa thành 3 nhóm, gồm dừa non, dừa già và cùi dừa tươi. 

Đặc biệt, dừa non không cần có giấy phép nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp Australia. Tuy nhiên, trước khi xuất khẩu, dừa phải được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hoặc thử nghiệm và chứng nhận không có các loài dịch hại cần kiểm dịch và được ghi trong chứng khận kiểm dịch thực vật.

Sản phẩm dừa được trưng bày tại diễn đàn sáng 13/12. Ảnh: Minh Đảm.

Sản phẩm dừa được trưng bày tại diễn đàn sáng 13/12. Ảnh: Minh Đảm.

Trừ một số trường hợp, dừa tươi phải được loại bỏ vỏ, sạch sẽ, không có sâu bọ, bệnh tật, các hạt giống gây ô nhiễm, đất, mảnh vụn động thực vật, và các vật liệu có nguy cơ an toàn sinh học. Đồng thời, tất cả các lô hàng đều phải được kiểm tra tại nơi nhập cảnh (1container dừa sẽ được lấy ngẫu nhiên 600 quả để kiểm tra)

Trường hợp phát hiện côn trùng sống hoặc các mối lo ngại về an toàn sinh học, lô hàng sẽ được xử lý.

Tại Hoa Kỳ, cơ quan FDA yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu trữ thực phẩm, thuốc, thiết bị y tế, thiết bị phát xạ, thuốc lá hoặc sinh học trước khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ phải đăng ký.

Theo đó, doanh nghiệp muốn xuất khẩu dừa sang Hoa Kỳ phải có một hệ thống an toàn thực phẩm được áp dụng: ví dụ, hệ thống Phân tích mối nguy và Điểm kiểm soát tới hạn (HACCP). Ngoài ra, Hoa Kỳ cho phép các đối tác trong nước là bên thứ ba (có thể của tư nhân hoặc của nhà nước) tiến hành kiểm tra.

Hiện Luật Hiện đại hoá An toàn Thực phẩm của Hoa Kỳ cho phép việc các phòng thí nghiệm trong nước sở tại tiến hành thử nghiệm để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật/chất gây ô nhiễm trong sản phẩm, miễn là tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của quốc gia này.

Với Hàn Quốc, quốc gia Bắc Á yêu cầu cơ sở sản xuất thực phẩm phải đăng ký các thông tin như tên, địa điểm và các mặt hàng do cơ sở thực phẩm nước ngoài liên quan sản xuất với Bộ trưởng Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm, thời hạn hiệu lực là 2 năm kể từ ngày đăng ký. Bộ trưởng Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm có thể tiến hành kiểm tra tại chỗ với bất kỳ cơ sở nào.

Liên quan tới Nhật Bản, quốc gia này có tới 7 đạo luật về an toàn thực phẩm. Ví dụ: Đạo luật cơ bản về ATTP; Đạo luật vệ sinh thực phẩm; Đạo luật ghi nhãn thực phẩm; Đạo luật bảo vệ thực vật; Đạo Luật kiểm soát bệnh truyền nhiễm ở động vật; Đạo luật Thúc đẩy Sức khỏe; Đạo luật Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật Bản (JAS).

Nhật Bản cũng quy định 79 chất như Azadirachtin, Đồng, Kẽm oxit, Urê... được xác định không có mối nguy hại nào cho sức khoe, do vậy Nhật Bản không thiết lập mức dư lương tối đa (MRL) cho các hoạt chất này và 24 loại hóa chất nông nghiệp và các hóa chất khác bị cấm bao gồm: Captafol, Malachite green, Nitrofurazone...

TS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh, đối với các sản phẩm và hóa chất không có MRL chính thức hoặc tạm thời, Nhật Bản sẽ áp dụng mức mặc định dư lượng tối đa là 0,01 ppm. Đối với các loại thuốc kháng sinh chưa có MRL được thiết lập hoặc tạm thời được quy định là không được phép tồn dư (tức là mức dư lượng bằng 0).

Dừa được xác định là ngành hàng 'tỷ đô' trong tương lai gần. Ảnh: Minh Đảm.

Dừa được xác định là ngành hàng 'tỷ đô' trong tương lai gần. Ảnh: Minh Đảm.

Trung Quốc, thị trường xuất khẩu hàng đầu của nhiều loại nông sản, trong đó có dừa, doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường Trung Quốc tuân thủ theo: biện pháp quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu (Quy định 249) và Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc (Quy định 248) và các thỏa thuận đã ký giữa hai bên.

Doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc phải đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cấp mã số sản phẩm, nhà máy. Đối với doanh nghiệp có nhiều nhà máy phải đăng ký nhiều mã (tương ứng với mỗi nhà máy), với thời hạn hiệu lực mỗi mã là 5 năm.

Do không có chính sách MRL mặc định, Trung Quốc duy trì Danh sách MRL quốc gia và không áp dụng các tiêu chuẩn của các thị trường khác hay Tiêu chuẩn của CODEX. Các tiêu chuẩn MRL của Trung Quốc được cập nhật 2 năm một lần và các thay đổi chủ yếu bao gồm việc bổ sung các MRL mới.

Thời gian qua, Trung Quốc chủ trương kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức trao đổi hàng hóa cư dân biên giới (tiểu ngạch), cũng như yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm.

Hình thức quản lý với sản phẩm dừa tương tự như đối với măng cụt, sầu riêng, khoai lang, chuối trước đó. Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản đặc biệt phải thực hiện đăng ký theo Lệnh 248, 249 như ớt, sắn.

Chia sẻ thêm về mặt hàng dừa, TS Ngô Xuân Nam cho biết, dừa tươi xuất khẩu gồm dừa có vỏ xanh và dừa đã gọt vỏ, phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Ngoài việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt và các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, doanh nghiệp trước khi xuất khẩu phải lấy mẫu 2% để kiểm tra. Sau 2 năm, nếu không có vi phạm, doanh nghiệp sẽ được giảm còn 1%.

Xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc năm 2024 dự kiến đạt 250 triệu USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Đây là thị trường nhiều tiềm năng với ngành dừa.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Long An tri ân Tập đoàn An Nông vì những đóp góp an sinh xã hội

Với những đóng góp thiết thực cho công tác an sinh xã hội của tỉnh Long An, Tập đoàn An Nông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.