| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp công nghệ cao, làm sao để mở rộng?

Thứ Ba 10/05/2022 , 13:47 (GMT+7)

Như hai đường thẳng song song, bên cạnh việc duy trì kiểu nông nghiệp truyền thống thì phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một điều tất yếu của cuộc sống…

Mới chỉ có 1 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Bởi nó đáp ứng tốt cho nhu cầu nông sản mỗi lúc một đa dạng về chủng loại, thời gian nhanh, số lượng, chất lượng và không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, ngoại cảnh.

Hiện trên địa bàn Hà Nội có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung ở những địa phương như Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng, trong đó 105 mô hình trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thuỷ sản, chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của thành phố cũng như nhu cầu của cuộc sống.

Mới chỉ có 1 doanh nghiệp được công nhận được doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, hơn 50ha sản xuất rau, hoa và 20ha nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng các công nghệ vào sản xuất hay sơ chế mang tính đồng bộ. Còn lại là các cơ sở ứng dụng một phần trong các công đoạn có tính công nghệ cao như điều khiển chăm sóc, quản lý cây con, nhân giống mới, phân bón, chế phẩm sinh học, xử lý bảo vệ thực vật, hệ thống chuồng trại tuần hoàn, khép kín an toàn dịch bệnh.

Chủ trang trại Cuối - Quý ở huyện Đan Phượng đang kiểm tra rau trong nhà màng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chủ trang trại Cuối - Quý ở huyện Đan Phượng đang kiểm tra rau trong nhà màng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tại cuộc tọa đàm "Cơ hội và chính sách trong nông nghiệp công nghệ cao" những tồn tại, hạn chế của nông nghiệp công nghệ cao đã được Hà Nội vạch ra khó rõ. Bà Nguyễn Thị Thoa - nguyên Trưởng phòng Trồng trọt của Sở NN-PTNT Hà Nội phân tích thành phố còn thiếu những mô hình mang tính tiên phong, chưa tạo ra được những “đầu tàu” để từ đó đột phá mạnh về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội. Chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo đúng tiêu chí của Thành phố. Việc nhân từ các mô hình điểm ra diện rộng còn rất hạn chế.

Việc xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao còn chưa nhiều và khi áp dụng còn gặp khó khăn trong thực hiện. Ví dụ như những tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của TP Hà Nội tại Quyết định 3215 nhất là tiêu chí về diện tích quá lớn, không phù hợp trong khi thực tế các mô hình chủ yếu là quy mô nhỏ nên không đảm bảo được các yêu cầu.

Thêm vào đó là phương thức hỗ trợ sau đầu tư khó triển khai, quy trình, thủ tục hướng dẫn các định mức kỹ thuật chi tiết theo danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp còn khiến cho các cán bộ trong ngành cũng như lãnh đạo địa phương lúng túng…

Để tháo gỡ, theo bà Thoa, đầu tiên là phải rà soát, đề xuất các quy hoạch khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tích hợp vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của thành phố. Xác định vùng chuyên canh có lợi thế từ đó hoàn thiện nhanh về cơ sở hạ tầng. Đảm bảo quỹ đất ổn định để thu hút các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào sản xuất, chế biến và những dịch vụ mang tính hỗ trợ. Tích tụ ruộng đất để tạo vùng tập trung, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để tránh chuyện manh mún, nhỏ lẻ, thực hiện sản xuất theo đơn đặt hàng, theo chuỗi giá trị.

Diện tích trồng rau ngoài trời của trang trại Cuối - Quý. Ảnh: Dương Đình Tường.

Diện tích trồng rau ngoài trời của trang trại Cuối - Quý. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vì sản xuất nông nghiệp mang tính rủi ro cao, lợi nhuận thấp nên cần thực hiện các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của Nhà nước để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào. Cụ thể, gồm: hỗ trợ hạ tầng, đất đai, thuế đối với các doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản có sử dụng công nghệ cao.

Nông nghiệp hiện đại không chỉ chú trọng ở khâu sản xuất mà còn đặc biệt phải quan tâm đến khâu tiêu thụ trong đó có nội địa và xuất khẩu.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Viện Khoa học Quản lý và Sáng tạo Ứng dụng những nguyên nhân chủ yếu khiến cho hàng nông sản không vượt qua được rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu đến những thị trường khó tính như Châu Âu là hàm lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, giống biến đổi gen, canh tác, môi trường...

Hà Nội muốn xuất khẩu hàng nông sản được vào những thị trường kiểu này cần phải có một cuốn cẩm nang về tình hình xuất nhập khẩu nông sản phẩm tại đây; cần phải phối hợp với các cơ quan liên ngành để được hỗ trợ và cung cấp thông tin một cách đầy đủ về các chính sách, các điều luật cũng như thị hiếu, văn hóa tiêu dùng; Cần ứng dụng công nghệ cao từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến nông sản để tiện cho việc quản lý cũng như đảm bảo về chất lượng, số lượng, thời gian theo tiêu chí của thị trường này.

Tâm tư của người trong cuộc

Thiếu quỹ đất thuê lâu dài và thiếu vốn là hai vấn đề lớn trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội hiện nay. Chị Đặng Thị Cuối - Chủ trang trại rau an toàn Cuối - Quý ở huyện Đan Phượng tâm sự, dù mô hình đang áp dụng kiểu nhà màng của Đài Loan trên diện tích 2ha bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao nhưng vẫn có 3ha trồng ngoài trời nên vẫn bị phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, sâu bệnh. Thêm vào đó số vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi lâu, kênh huy động từ ngân hàng, quỹ thì thủ tục phức tạp, khó tiếp cận nên phải vay ở bên ngoài, lãi suất cao:

“Việc trồng cây trong nhà màng rất dễ làm, hiệu quả bởi làm như thế nào thì nó nên thế chứ không như trồng ở ngoài trời, không mất nhiều công chăm sóc hay phun thuốc. Như nhà tôi cứ bỏ phân, đánh đất gieo hạt xong là đóng cửa nhà màng lại khi nào được thu mới mở cửa ra. Còn tưới thì điều tiết bằng cách đứng ở ngoài nhìn vào, thấy đất khô thì bấm nút. Còn điều tiết nhiệt độ thì do thiết kế của nhà màng đón được gió nên không cần phụ thuộc vào quạt, trồng được nhiều thứ rau, kể cả mùa nóng như thế này vẫn trồng được xà lách.

Thiết kế khung nhà màng kiểu Đài Loan. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thiết kế khung nhà màng kiểu Đài Loan. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đầu tư nhà màng kiểu đó 1 sào mất 160 triệu, 1ha là hơn 4 tỉ nhưng làm 1 lần có thể dùng được rất lâu, tuy nhiên vốn toàn phải cắm sổ đỏ để vay, chứ không vay được nguồn vốn ưu đãi. Còn về đất đai, tích tụ rất dễ nhưng cũng có điều rất khó là thế này, thuê đất để làm nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư tiền tỉ thì phải lâu năm nhưng toàn chỉ thuê được 3 - 5 năm/lần. Mà những chỗ thuê ngắn hạn 5 năm/lần như thế thì chúng tôi không dám đầu tư và có muốn người cho thuê đất họ cũng không cho làm”.  

Đó cũng là vấn đề chung của nhiều nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã hay doanh nghiệp nông nghiệp khi họ cần vốn để mở rộng sản xuất bởi nếu vay nguồn từ ngân hàng, tổ chức tín dụng với hỗ trợ ưu đãi về lãi suất phải có kế hoạch, thuyết minh dự án trình qua nhiều cấp ban ngành, rồi các vật tư, vật liệu khi mua cũng cần phải hóa đơn giá trị gia tăng...

Thêm vào đó, họ không thể đem mảnh ruộng, chuồng trại của mình dù là đã có sổ đỏ ra để thế chấp và việc định giá tài sản trên đất nông nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng khiến cho diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội mỗi lúc một thu hẹp dần, giá đất ngày càng tăng cao, vượt xa tầm với của nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Không chỉ có thế, đất nông nghiệp chủ yếu vẫn là các hộ với quy mô trung bình 3 - 5 sào/gia đình, các tổ chức hay cá nhân muốn thuê rất khó liền vùng, liền thửa mà chỉ ở dạng “da báo”, các hộ dân muốn làm hàng hóa nhưng lại thiếu sự liên kết ngang tức hợp tác với nhau, hay liên kết dọc tức hợp tác với doanh nghiệp. Việc tập trung, tích tụ đất khó khăn khiến cho sức hút để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng bị giảm sút mạnh.

Hà Nội vừa ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố. Hỗ trợ hình thành, duy trì và phát triển được ít nhất 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trồng trọt 10 doanh nghiệp, chăn nuôi 32 doanh nghiệp, thủy sản 2 doanh nghiệp); 1 trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.