| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp Long Mỹ hình thành chuỗi liên kết sản xuất

Thứ Ba 04/07/2023 , 06:48 (GMT+7)

Hậu Giang Triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và đề án Hậu Giang xanh, huyện Long Mỹ đã có những kết quả bước đầu tích cực.

Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ. Ảnh: Hồ Thảo.

Qua trao đổi với NNVN, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ cho hay, Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025” tập trung phát triển cánh đồng lớn, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cải tạo vườn vườn kém hiệu quả đã tạo được chuyển biến tích cực đối với nhận thức và thu nhập cho người dân.

Ông Hải nhấn mạnh rằng, Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh với mục tiêu phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao. Thông qua các mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, sơ chế và chế biến. Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, liên kết, tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên và là mô hình điểm để nhân rộng sau năm 2025.

Kết quả triển khai các đề án nói trên bước đầu đạt được thế nào thưa ông?

Long Mỹ đã phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái chủ lực đạt 113% kế hoạch. Trong đó bưởi da xanh gần 365ha, mãng cầu 176ha, khóm gần 582ha, chanh không hạt khoảng 127ha từng bước đạt tiêu chuẩn GAP. Triển khai quy hoạch vùng lúa chất lượng cao cơ bản đạt gần 4.000ha, mỗi xã có 1 cánh đồng lớn từ 350 – 500ha.

Còn về Đề án Hậu Giang xanh nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải sản xuất nông nghiệp, cải thiện cảnh quan môi trường đô thị và nông thôn để hướng đến xây dựng Hậu Giang “xanh - sạch - đẹp”.

Qua 2 năm triển khai thực hiện, đến nay huyện đã thành lập mới 45 tổ vệ sinh môi trường. Hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho các tổ nhằm giúp các tổ duy trì hoạt động, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đầu tư 133 xe để thu gom rác thải trên các tuyến đường dân sinh. Đầu tư 369 thùng chứa rác thải. Trồng 12.000 cây xanh/130km đường tạo cảnh quan môi trường. Sau 2 năm triển khai thực hiện, các Đề án đã được người dân, HTX hưởng ứng tích cực, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.  

Sản lượng rau màu toàn huyện Long Mỹ đạt 40 nghìn tấn/năm. Ảnh: Hồ Thảo.

Sản lượng rau màu toàn huyện Long Mỹ đạt 40 nghìn tấn/năm. Ảnh: Hồ Thảo.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Long Mỹ có Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và cũng là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của vùng ĐBSCL với diện tích 5.200ha. Với lợi thế này huyện Long Mỹ đã tập trung nguồn lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư để tạo đà bứt phá như thế nào?

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đi vào hoạt động đã thu hút được một số doanh nghiệp tham gia đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn đối với việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào đây còn chậm là do giao thông đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. 

Vấn đề này, huyện đã tranh thủ các nguồn lực tập trung đầu tư, nâng cấp các tuyến đường trục chính kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch để thu hút đầu tư vào địa bàn. Đến nay cũng có các nhà đầu tư vào. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn, tập huấn cho người dân kỹ thuật canh tác các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm nâng cao trình độ sản xuất của người dân, giúp người dân tiếp cận nhanh hơn với các công nghệ trong sản xuất.

Đến nay huyện đã thành lập mới 45 tổ vệ sinh giữ môi môi trường xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Hồ Thảo.

Đến nay huyện đã thành lập mới 45 tổ vệ sinh giữ môi môi trường xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Hồ Thảo.

Xin ông cho biết thêm về việc triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025”?

Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025” tập trung phát triển cánh đồng lớn, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả đã tạo được những chuyển biến tích cực đối với nhận thức và thu nhập cho người dân. Huyện đã tập trung giảm diện tích sản xuất lúa vụ 3 trên địa bàn huyện, giảm diện tích sản xuất lúa cả năm xuống còn khoảng 41 nghìn ha/3 vụ (giảm hơn 2.500ha so với trước khi thực hiện Đề án). 

Đồng thời diện tích sản xuất rau màu toàn huyện trên 3 nghìn ha/3 vụ, với sản lượng đạt 40 nghìn tấn/năm. Về cây ăn trái được xem là cây chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của huyện sau khi kết thúc đề án huyện đã trồng được 3.500 ha, tăng hơn 6% diện tích, sản lượng đạt 30.000 tấn. 

Về lĩnh vực thủy sản của huyện có sự phát triển khá ổn định, diện tích nuôi thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 1.000ha, tổng sản lượng đạt trên 4.000 tấn. Nhìn chung, việc nuôi trồng thủy sản đã có bước chuyển biến mới. Đến nay có nhiều mô hình nuôi thủy sản kết hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi cá ruộng, mô hình tôm - lúa, mô hình nuôi lươn không bùn bước đầu cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng.

Huyện Long Mỹ đã xây dựng “Đề án phát triển nông nghiệp bền vững huyện Long Mỹ giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030” với mục tiêu: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ và chế biến. Thúc đẩy phát triển cánh đồng lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu của chuỗi giá trị nông sản. Hình thành và phát triển chuỗi giá trị sản xuất một số mặt hàng nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật kết hợp công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản. Thu hút mạnh mẽ hơn nữa đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân thông qua các cơ chế, chính sách từ tỉnh đến địa phương. 

Theo kế hoạch Nghị quyết của huyện Long Mỹ đề ra mỗi xã có 1 cánh đồng lớn từ 350 - 500ha. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo kế hoạch Nghị quyết của huyện Long Mỹ đề ra mỗi xã có 1 cánh đồng lớn từ 350 - 500ha. Ảnh: Hồ Thảo.

Long Mỹ đang đẩy mạnh xây dựng tuyến du lịch miệt vườn, du lịch tâm linh và du lịch chiến thắng Chương Thiện (xã Vĩnh Viễn) và đền thờ Bác Hồ (xã Lương Tâm). Cách phát triển loại hình du lịch này thực hiện như thế nào thưa ông?

Huyện Long Mỹ xác định 2 loại hình du lịch di tích lịch sử văn hóa cách mạng và du lịch sinh thái nông nghiệp là trọng tâm. Với những thuận lợi được tỉnh ban hành các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch kịp thời phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên, một số tuyến đường và cầu của tỉnh quản lý xuống cấp tuy có được đầu tư nâng cấp sửa chữa nhưng chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó chưa có nhà đầu tư điểm tham quan đạt chuẩn quy mô lớn. Do đặc thù huyện là nông nghiệp nên việc tuyên truyền vận động người dân nhận thức tham gia phát triển kinh tế làm du lịch homestay (cộng đồng) còn gặp nhiều khó khăn chuyển biến về nhận thức để thực hiện.

Để phát triển loại hình này huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các điểm du lịch huyện Long Mỹ trên các phương tiện thông tin, báo, đài… Tổ chức cho người dân có nhu cầu làm du lịch homestay đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm những điểm, nơi làm du lịch Homestay có hiệu quả về áp dụng thực hiện tại địa phương.

Đồng thời triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 gắn kết phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng và du lịch sử văn hóa cách mạng, văn hóa tín ngưỡng, mua sắm những sản phẩm quà lưu niệm, sản phẩm OCOP. Tập trung đầu tư điểm đến tham quan du lịch loại hình nghệ thuật hát Aday văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại xã Xà Phiên, các loại hình nghệ thuật văn hóa phi vật thể các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tại 2 xã Lương Nghĩa, Xà Phiên nhằm phục vụ khách tham quan du lịch.

HẬU GIANG CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.