| Hotline: 0983.970.780

Khó đưa nông sản vào chuỗi giá trị toàn cầu nếu môi trường không đảm bảo

Thứ Sáu 26/05/2023 , 15:12 (GMT+7)

Các vấn đề liên quan đến môi trường nông nghiệp ngày càng được quan tâm và là thước đo cho giá trị nông sản xuất khẩu, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi các nhà khoa học tích cực đổi mới tư duy trong hoạt động nghiên cứu. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi các nhà khoa học tích cực đổi mới tư duy trong hoạt động nghiên cứu. Ảnh: Bảo Thắng.

Đơn vị hàng đầu về quan trắc môi trường nông nghiệp

Báo cáo đoàn công tác của Bộ NN-PTNT sáng 26/5, PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp cho biết, Viện được thành lập năm 2008, thuộc diện "con út" trong ngôi nhà chung Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS). Tính đến tháng 4/2023, Viện có 109 cán bộ, trong đó có 1 PGS.TS, 15 tiến sĩ và 56 thạc sĩ.

Viện có 7 nhiệm vụ chính, trong đó trọng tâm là nghiên cứu khoa học và đề xuất giải pháp khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường nông nghiệp, nông thôn và thực hiện quan trắc và phân tích chất lượng môi trường nông nghiệp, nông thôn; tham gia cung ứng các dịch vụ công giám sát quốc gia về chất lượng, an toàn thực phẩm. 

Được đầu tư trang thiết bị tương đối hiện đại, Viện có 1 khu nhà kính, nhà lưới và 4 phòng thí nghiệm. Trong đó, phòng thí nghiệm của Trung tâm Phân tích và Chuyển giao công nghệ môi trường là một trong những phòng thí nghiệm trọng điểm của Bộ NN-PTNT.

Năm 2023, Viện công bố phạm vi cung ứng dịch vụ phân tích lên tới 342 chỉ tiêu bao gồm: Các chỉ tiêu về môi trường (đất, nước, không khí, phân bón); các chỉ tiêu về thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thủy sản (vi sinh vật, hóa sinh, dinh dưỡng, vitamin).

Đặc biệt, Viện có hệ thống sắc ký khí hiện đại chuyên dụng dùng cho mục đích đo kiểm phát thải khí nhà kính (CH4, N2O và CO2). Hệ thống phòng thí nghiệm được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận; Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực quan trắc và phân tích môi trường; Bộ Y tế đánh giá là đơn vị thử nghiệm thuốc diệt côn trùng.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với Viện Môi trường Nông nghiệp sáng 26/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với Viện Môi trường Nông nghiệp sáng 26/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Viện Môi trường Nông nghiệp đang là cơ quan đầu mối tham gia mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia gồm 1 trung tâm và 2 trạm quan trắc được đặt tại 3 miền. Hàng năm, Viện tiến hành quan trắc thường xuyên tại 63 điểm quan trắc đất trên cả nước.

Đồng thời, Viện cung cấp dữ liệu thường xuyên về chất lượng môi trường đất cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong xây dựng “Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia” hàng năm và cung cấp dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của Bộ NN-PTNT tại các địa phương.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Viện Môi trường Nông nghiệp đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp. Tại An Giang, Viện đã thực hiện nghiên cứu ảnh hưởng của các tỷ lệ che bóng khác nhau của tấm pin mặt trời đến sinh trưởng phát triển và năng suất, rau muống, dưa chuột và bí xanh.

Bằng việc lắp đặt cảm biến theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng và năng suất cây trồng, cán bộ của Viện đã tìm ra quá trình chuyển đổi năng lượng, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và cải thiện khả năng tiếp cận năng lượng, giúp đảm bảo sản xuất điện mặt trời bền vững, làm tăng doanh thu và thu nhập ở khu vực nông thôn.

Viện Môi trường Nông nghiệp đã nghiên cứu tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp và chất thải rắn chăn nuôi. Bằng nhiều giải pháp, Viện đã sản xuất và đưa vào sử dụng than sinh học làm phân bón và giá thể; khí hóa các phế phụ phẩm nông nghiệp, tạo năng lượng.

Trong lĩnh vực thủy sản, Viện đã nghiên cứu và xây dựng thành công hệ thống tuần hoàn nước nuôi thủy sản, phát triển chế phẩm xử lý ô nhiễm nước nuôi thủy sản, đồng thời áp dụng năng lượng mặt trời cho các hệ thống cung cấp oxy và xử lý tuần hoàn nước nuôi tôm.

PGS.TS Mai Văn Trịnh trình bày báo cáo với Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

PGS.TS Mai Văn Trịnh trình bày báo cáo với Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Khó khăn trong cơ chế tự chủ

Là viện nghiên cứu có phổ hoạt động rộng, nhưng theo PGS.TS Mai Văn Trịnh, từ quãng năm 2010 đến nay, Viện Môi trường Nông nghiệp chưa nhận được đề tài khoa học nào từ Bộ NN-PTNT.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS Hà Mạnh Thắng, Trưởng Bộ môn Hóa môi trường cho biết, cán bộ nghiên cứu đang gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo thu nhập. Từ khi hoạt động theo cơ chế tự chủ, nguồn ngân sách từ nhà nước hiện chỉ đảm bảo cho cán bộ của Viện 7 tháng lương. 5 tháng còn lại, lãnh đạo Viện cùng cán bộ, công nhân viên phải tự chủ.

Do đặc thù là viện được hình thành từ việc sáp nhập nhiều đơn vị, nhiệm vụ của Viện Môi trường Nông nghiệp đang bị vướng với khá nhiều đơn vị nghiên cứu khác trong Bộ NN-PTNT như Viện Bảo vệ thực vật, Viện Thổ nhưỡng nông hóa...

"Theo thời gian, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên cán bộ nghiên cứu, gây ảnh hưởng đến nhiệt huyết cống hiến của mọi người. Ngoài ra, khả năng tiếp xúc với các kênh, chương trình của các Bộ, ban, ngành và địa phương cũng còn khó khăn với chúng tôi", ông Thắng nói.

Chung quan điểm, TS Đặng Thị Phương Lan, Trưởng Bộ môn An toàn và Đa dạng sinh học tiết lộ, rằng với những cán bộ mới về viện công tác, lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. "Trong 5 tháng phải tự chủ thu nhập, nhiều cán bộ nữ phải bán hàng online để duy trì cuộc sống", bà Lan bày tỏ.

TS Lương Hữu Thành, Trưởng Bộ môn Sinh học môi trường nêu những khó khăn trong công tác nghiên cứu giai đoạn hiện nay. Ảnh: Bảo Thắng.

TS Lương Hữu Thành, Trưởng Bộ môn Sinh học môi trường nêu những khó khăn trong công tác nghiên cứu giai đoạn hiện nay. Ảnh: Bảo Thắng.

TS Lương Hữu Thành, Trưởng Bộ môn Sinh học môi trường nêu thực tế, rằng dù là cơ sở đầu ngành về nghiên cứu môi trường nông nghiệp, Viện hiện có rất ít những nhà khoa học xuất sắc, có chuyên môn cao về lĩnh vực này.

Ngoài việc phải lăn lộn, mưu sinh cuộc sống, ông Thành chỉ ra tồn tại lớn nhất là Viện Môi trường Nông nghiệp chưa được đầu tư, khuyến khích nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng. Bởi vậy, Viện khó có khả năng giải quyết những vấn đề cấp bách, mang tính thời sự đặt ra.

Lấy ví dụ về năm 2017, bệnh đốm nâu hoành hành trên cây thanh long. Nhờ có nghiên cứu từ trước về nấm Neoscytalidium dimidiatum, thuộc họ Botryosphaeriaceae, bộ Botryosphaeriales, lớp nấm túi Ascomycetes, Viện đã nhanh chóng tìm ra 10 chủng vi sinh vật có hoạt tính ức chế loại nấm này. 

Kết quả cho thấy, chủng vi khuẩn Bacillus polyfermenticus và chủng xạ khuẩn Streptomyces fradiae được xếp vào nhóm vi sinh vật có độ an toàn sinh học mức 2, có thể ứng dụng rộng rãi trong sản xuất chế phẩm đối kháng nấm Neoscytalidium dimimtiatum để xuất khẩu sang châu Âu.

Qua câu chuyện giải bệnh trên cây thanh long, ông Thành chia sẻ: "Ngoài việc nghiên cứu sản phẩm có tính ứng dụng, chúng ta cần đầu tư cho những nghiên cứu có tính chất đón đầu, dự báo để các công trình khoa học đi vào thực tiễn".

Cán bộ nghiên cứu trẻ của Bộ môn Sinh học môi trường, Viện Môi trường Nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Cán bộ nghiên cứu trẻ của Bộ môn Sinh học môi trường, Viện Môi trường Nông nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Mở rộng không gian nghiên cứu

Lắng nghe ý kiến từ Viện Môi trường Nông nghiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Giang Thu cho biết, ngành nông nghiệp luôn cố gắng đầu tư mạnh mẽ cho các đề tài nghiên cứu về môi trường. Năm 2022, số tiền dự án thuộc lĩnh vực này vào khoảng 10 tỉ đồng.

Là "con út" trong đại gia đình VAAS, Viện được Bộ cũng như các Cục, Vụ rất quan tâm, đầu tư, đặc biệt là cho Trung tâm Phân tích và Chuyển giao công nghệ môi trường. Để tăng thêm nguồn thu cho hoạt động, bà Thu đề nghị lãnh đạo Viện tập trung hơn nữa vào những thế mạnh như nông nghiệp hữu cơ, tín chỉ các bon, đồng thời tăng cường hợp tác với địa phương.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến định hướng: "Nông nghiệp mà không có môi trường thì rất khó đi vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là giờ nhiều thị trường xuất khẩu đã quy định về tín chỉ các bon cho sản phẩm". 

Trên quan điểm "Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng", Thứ trưởng kêu gọi cán bộ Viện Môi trường Nông nghiệp tiếp tục "đổi mới tư duy" và "nghiên cứu theo cơ chế thị trường". Ông cho rằng, hiểu đúng vấn đề thì công việc sẽ thanh thoát, gánh nặng về thu nhập cũng giảm.

Là đơn vị nghiên cứu môi trường nhưng hoạt động trong ngành nông nghiệp, Viện Môi trường Nông nghiệp sẽ bị cạnh tranh bởi các viện chuyên ngành khi đi sâu vào từng lĩnh vực như thủy sản, chăn nuôi, thủy lợi. Do đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT gợi ý Viện nên đề xuất hoặc nghiên cứu những vấn đề mang tính liên ngành, giải quyết các nhiệm vụ mang tính bao trùm dựa theo các chiến lược, đề án mới do Bộ ban hành. 

Ông cũng gợi mở Viện nên quan tâm hơn đến các khía cạnh trong lĩnh vực thủy sản. Hiện thủy sản có nhiều vấn đề liên quan đến môi trường trong các chiến lược phát triển thủy sản bền vững hay quy hoạch các khu bảo tồn.

"Cần bám chặt vào cơ chế chính sách trước khi đề ra kế hoạch hành động. Nếu không đủ căn cứ pháp lý, văn bản quy phạm pháp luật thì chúng ta không thể hiểu rõ vấn đề và biết mình đang ở đâu", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về trăn trở của Viện liên quan tới kinh phí hoạt động, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khuyên Viện nên nâng cao năng lực trước, thông qua việc hoàn thiện các hồ sơ, đa dạng dịch vụ cung ứng để liên kết với doanh nghiệp. Một ý tưởng khác là chuyển giao những công nghệ đã xây dựng mô hình thành công cho địa phương.

Thứ trưởng giao Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường tập trung định hướng công việc, nhiệm vụ cho từng bộ môn, trung tâm của Viện Môi trường Nông nghiệp, giúp cán bộ Viện yên tâm công tác. Đồng thời, ông chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT gắn các chỉ tiêu về môi trường vào sản xuất nông nghiệp. Đây là nội dung quan trọng để nâng cao giá trị và giúp các sản phẩm nông nghiệp tiếp cận được với thị trường thế giới.

"Không gian khoa học công nghệ không chỉ có ở Bộ, mà còn từ địa phương, các quỹ hợp tác và tổ chức quốc tế. Nền nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng tích hợp đa giá trị và người làm khoa học cũng phải nghĩ rộng, nghĩ thoáng để một nghiên cứu có thể ứng dụng vào nhiều thực tiễn", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

PGS.TS Mai Văn Trịnh kiến nghị Bộ NN-PTNT 5 vấn đề. Một là, bố trí các đề tài nghiên cứu cơ bản có định hướng ứng dụng; Hai là, đánh giá và làm rõ các hiệu quả sinh thái của nông nghiệp hữu cơ, phân biệt, quy trình. Ba là, đánh giá lại công nghệ xử lý bao bì thuốc BVTV, đăng ký chứng nhận. Bốn là, chủ trì quan trắc, kiểm kê và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp. Năm là, nghiên cứu mô hình tuần hoàn chất thải để xây dựng cơ chế cho tuần hoàn chất thải nông thôn.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.