Sáng 4/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023.
Tại phiên họp, Chính phủ tập trung thảo luận về: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023, tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tình hình triển khai 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia; xác định các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm trong những tháng cuối năm.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2023, phiên họp thống nhất đánh giá, dù bối cảnh quốc tế, trong nước rất khó khăn, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình tiếp tục có xu hướng tích cực trên nhiều lĩnh vực, duy trì đà "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước", đóng góp vào kết quả chung của 10 tháng, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra, với nhiều điểm nổi bật.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân 10 tháng tăng 3,2%, thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%), tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khóa thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế, cũng như các chính sách điều chỉnh giá khác.
Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định. Lúa gạo được mùa, được giá; số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng; sản lượng thủy sản tăng 2,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt 43,08 tỷ USD; trong đó rau quả đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 78,9%; giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo và ý kiến tại phiên họp về tình hình tháng 10 và 10 tháng của năm 2023.
Thủ tướng yêu cầu phát huy những thành quả đạt được, các bài học kinh nghiệm, hóa giải các khó khăn, thách thức, bám sát, nắm chắc tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn trong tháng 11, 12, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2023 và tạo đà thuận lợi cho năm 2024.
Thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Về xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...
Thủ tướng cũng yêu cầu thúc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu; tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU để gỡ "thẻ vàng" của EU.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân, kêu gọi phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần vì nhân dân phục vụ, nhất là của người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tập đoàn kinh tế lớn.