| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu nông sản sang các thị trường châu Á tăng

Thứ Tư 01/11/2023 , 19:10 (GMT+7)

Ngành nông nghiệp xuất siêu 9,3 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước góp phần phát triển xã hội, giúp nông dân mua máy móc kỹ thuật, nguyên liệu sản xuất.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngành nông nghiệp xuất siêu 9,3 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước góp phần phát triển xã hội. Ảnh: Quỳnh Chi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ngành nông nghiệp xuất siêu 9,3 tỷ USD, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước góp phần phát triển xã hội. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 10 tháng năm 2023 đạt hơn 43 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2022 do giá trị xuất khẩu của một số mặt hàng chính giảm sâu. Trong đó, nhóm thủy sản 7,45 tỷ USD (giảm 20,5%); lâm sản 11,65 tỷ USD (giảm 19,3%); đầu vào sản xuất 1,64 tỷ USD (giảm 20,3%). 

Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị tăng. Xuất khẩu nông sản đạt gần 22 tỷ USD, tăng 17%. Đáng chú ý là giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh, gạo, hạt điều cũng có sự gia tăng. Trong đó, nhóm hàng rau quả gần 5 tỷ USD (tăng 79%); gạo gần 4 tỷ USD (tăng 35%); hạt điều gần 3 tỷ USD, tăng 15%. Bên cạnh đó, sản phẩm chăn nuôi 402 triệu USD, tăng 22%.

Xuất khẩu nông sản tháng 10/2023 tăng 7,43% so với tháng 9/2023 và 11,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4,81 tỷ USD. Trong đó, nhóm nông sản đóng góp 2,47 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, xuất khẩu nông sản tới các thị trường châu Á tăng, trong khi giảm đối với châu Mỹ và châu Âu. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường lớn nhất, mặc dù giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Nhật Bản đã giảm. Đối với thị trường trong nước, giá cả duy trì ổn định, riêng giá lúa gạo có chiều hướng tăng. Giá lợn và tôm sú giảm, trong khi giá trái cây có sự biến động.

Các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ và ổn định giá gồm việc theo dõi sát sao, báo cáo kịp thời, hướng dẫn điều tiết kế hoạch sản xuất và triển khai các sự kiện hỗ trợ thị trường. Hỗ trợ thương mại điện tử cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh, tập huấn kiến thức và kỹ năng, cũng như hợp tác xây dựng gian hàng thương mại điện tử.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng với tình hình sản xuất như hiện tại, ngành nông nghiệp sẽ cán đích 53 tỷ USD. Dự báo lũ lụt miền Trung sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm từ những năm trước, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo các địa phương, các đơn vị sớm khắc phục ảnh hưởng của lũ lụt. “Vừa khắc phục thiên tai, vừa tăng tốc về đích” là nhiệm vụ toàn ngành trong 2 tháng cuối năm.

Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Việt Nam không lo thiếu lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: TL.

Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Việt Nam không lo thiếu lương thực, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: TL.

Có thể nói, ngành gạo Việt Nam thắng lợi lớn, đóng góp cho an ninh lương thực thế giới, thu lại lợi ích cho người trồng lúa, đẩy mạnh công tác nghiên cứu giống, quy trình canh tác. Để Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng, Bộ sẽ phối hợp với các hiệp hội để xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo.

“Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, công tác duy trì an toàn dịch bệnh hiệu quả, chúng ta không lo thiếu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Thêm đó, việc triển khai đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp làm tăng uy tín của thương hiệu lúa gạo Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”, Thứ trưởng nói.

Về nhiệm vụ gỡ thẻ vàng EC, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói: “Với diện tích biển rộng lớn hơn 1 triệu km2, đường bờ biển dài và truyền thống nghề cá do cha ông để lại, việc giải quyết, ngăn chặn tàu cá nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên. Chúng ta đã có những tiến bộ rất tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu của EC. 

Đợt thanh tra vừa rồi, EC khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy nhiều chuyển biến tích cực. Hy vọng 6 tháng sau, vào đợt thanh tra lần thứ 5, Việt Nam sẽ gỡ được thẻ vàng sau 6 năm".

Để hiện thực hóa mục tiêu gỡ thẻ vàng EC, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục xử lý vi phạm hành chính, phạt dừng xuất khẩu, thậm chí tăng mức phạt, bám sát Nghị định 42 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ giao cho các địa phương kiểm tra, đánh giá và xử lý đúng theo quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, đưa ra giải pháp quản lý đội tàu hiệu quả, đặc biệt những đối tượng tàu lớn không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép. Công tác quản lý đang gặp nhiều khó khăn do mất kết nối nhiều tháng, thậm chí cả năm. Trong 442 trường hợp mất kết nối mới xử lý được 46 tàu, nên việc phát hiện, xử lý tàu cá vi phạm cần quyết liệt hơn.

Quản lý đội tàu hiệu quả là một trong những bước quan trọng để Việt Nam gỡ thẻ vàng EC. Ảnh: TL.

Quản lý đội tàu hiệu quả là một trong những bước quan trọng để Việt Nam gỡ thẻ vàng EC. Ảnh: TL.

Thời gian tới, nhiệm vụ hợp tác quốc tế và phát triển thị trường được xác định là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, tăng cường phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trong chiến lược này, Bộ NN-PTNT trọng tâm xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản và thủy sản, đặc biệt là đối với các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và liên minh kinh tế Á - Âu. Đồng thời, việc tận dụng các Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs), đặc biệt là Hiệp định CPTPP và EVFTA là trọng điểm để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực. Các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.

Để đảm bảo chiến lược được triển khai thành công, Bộ sẽ phối hợp với các nước để bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo đó, việc theo dõi và nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung cấp của các mặt hàng lương thực và thực phẩm thiết yếu là cực kỳ quan trọng. Thông tin được Bộ NN-PTNT báo cáo tới Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ.

Các hoạt động như Diễn đàn 970 hỗ trợ việc kết nối tiêu thụ nông sản, cũng như các hoạt động tọa đàm nhằm phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu tiêu dùng. Hơn nữa, việc kết nối tiêu thụ thông qua hệ thống tham tán thương mại, nông nghiệp tại các thị trường cũng như chuỗi phân phối bán lẻ trong nước cho các mặt hàng có sản lượng lớn khi vào vụ thu hoạch (như vải, mít, chôm chôm, thanh long, chanh) cũng được tập trung đẩy mạnh.

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cây mai vàng 60 năm tuổi được rao bán gần 6 tỷ đồng

An Giang Cây mai vàng có tuổi đời hơn 60 năm, với các thông số ấn tượng: Hoành thân 2,5m, tán rộng 5m và chiều cao lên đến 3,5m, được rao bán gần 6 tỷ đồng.