| Hotline: 0983.970.780

Đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro

Thứ Tư 01/11/2023 , 09:09 (GMT+7)

Thảo luận tại Quốc hội sáng 1/11, có ý kiến cho rằng đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro khi sản phẩm không tiêu thụ được.

Đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Ảnh minh họa: Tùng Đinh.

Đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Ảnh minh họa: Tùng Đinh.

Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Do số lượng đăng ký phát biểu còn nhiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, tránh trùng lặp, thời gian phát biểu tối đa là 5 phút, thời gian tranh luận tối đa là 2 phút.

Sau giờ giải lao buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm. Cuối phiên họp buổi sáng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng và một số Bộ trưởng sẽ phát biểu giải trình.

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho biết, báo cáo của Chính phủ có nêu nhiều giải pháp phát triển kinh tế, trong đó có giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Báo cáo của Chính phủ đánh giá năm 2023, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn.

Tuy nhiên, đại biểu phản ánh, đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan tập trung phân tích, đánh giá thực chất và kỹ lưỡng nguyên nhân của tình trạng này, khắc phục những tồn tại, hạn chế, chấm dứt điệp khúc “được mùa - mất giá”.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ ngành nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn, nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc về thị trường, giá cả, vật tư cho người nông dân.

Các bộ, ngành cần đồng hành tháo gỡ khó khăn trong việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, công trình phục vụ phát triển nông nghiệp.

Ngoài ra, tính ổn định quy hoạch chính sách trong từng lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, việc quản lý thực hiện quy hoạch còn thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài hiệu quả. Hạn chế này cần được giải quyết để tạo điều kiện phát triển nông nghiệp trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước cần đồng hành với doanh nghiệp nông nghiệp, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, để hóa giải những thách thức gặp phải, đóng góp vào sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Xóm chài Xuân Lam tìm đường đến khu tái định cư

Sống giữa vùng đất thấp trũng, quanh năm vật lộn với thiên tai là nỗi lo chung của người dân Xuân Lam, riêng 8 hộ xóm chài cơ cực hơn cả.