| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới Quảng Nam - thành quả ban đầu

Thứ Hai 11/03/2019 , 13:10 (GMT+7)

Với sự tập trung lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội từ tỉnh đến cơ sở, Chương trình NTM tỉnh Quảng Nam (2016-2018) đã đạt được những kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, tỉnh này cũng đang cố gắng để khắc phục những khó khăn, tồn tại nhằm xây dựng NTM một toàn diện, thực chất.

Chính quyền và nhân dân Quảng Nam phấn đấu xây dựng NTM

Tính đến ngày hết năm 2018, bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn NTM của toàn tỉnh là 14,16 tiêu chí/xã (tăng 2,66 tiêu chí xã so với năm 2015); có thêm 31 xã được công nhận đạt chuẩn NTM so với năm 2015, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM đến cuối năm 2018 là 85 xã, đạt tỷ lệ 41,67%.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam không còn xã dưới 5 tiêu chí, còn 26 xã dưới 8 tiêu chí (giảm 35 xã so với năm 2015); đã có 57 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu (năm 2017: 20 thôn và năm 2018: 37 thôn); các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Theo số liệu sơ bộ, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 31,58 triệu đồng/người/năm (tăng 10,472 triệu đồng so với năm 2015) và tỷ lệ hộ nghèo còn 7,57% (giảm 5,32% so với năm 2015); hình thành mới và duy trì trên 350 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, kết cấu hạ tầng thiết yếu đang tỉếp tục được đầu tư, lĩnh vục văn hoả, giáo dục, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được củng cố; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững.

Thực hiện Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2016-2020; trong 3 năm (2016-2018) đã đề nghị UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho 30 xã đạt chuẩn NTM, Bằng khen của UBND tỉnh cho 38 tập thể và 61 cá nhân, tặng thưởng công trình phúc lợi cho 12 xã, tặng thưởng 100 tấn xi măng cho 16 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Với những thành tích đạt được, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ NN-PTNT tặng bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM.

Bên cạnh những thành công thì Chương trình NTM ở Quảng Nam còn gặp những khó khăn nhất định. Trong đó có thể kể đến nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho Chương trình NTM hiện vẫn còn thấp, chưa tương xứng với mục tiêu đề ra; có nhiều chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn nông thôn nhưng cơ chế lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án chưa được Trung ương hướng dẫn cụ thể.

Vấn đề về quản lý, sử dụng vốn đầu tư trong Chương trình NTM còn gặp một số khó khăn như: Phải lập hồ sơ xây dựng công trình, một số thiết kế mẫu chưa phù hợp, hồ sơ thanh quyết toán còn nhiều thủ tục, quản lý chất lượng công trình phải theo các quy định xây dựng cơ bản hiện hành... nên chưa khuyến khích được việc giao thầu cho cộng đồng dân cư và nhóm thợ, cá nhân trong xã thực hiện các công trình trong xây dựng NTM.

Một vấn đề còn phải kể đến nữa là hiện nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã tạm dừng cho các địa phương khai thác đất san lấp, cát, sỏi tại địa phương phục vụ Chương trình NTM, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng... nên rất khó khăn trong thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù là được tận dụng vật liệu tại địa phương. Trong khi đó, giá vật liệu xây dựng, nhân công tăng cao nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện Chương trình NTM.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong năm 2019, mục tiêu mà tỉnh Quảng Nam đặt ra là có thêm từ 13 – 14 xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu có khoảng 25 – 30 thôn mới được công nhận là thôn khu dân cư kiểu mẫu. Năm 2019 phải có ít nhất 1 - 2 xã trọng điểm để xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

“Chúng ta phải xây dựng NTM một cách toàn diện, thực chất và công tác tuyên truyền, vận động người dân thấu hiểu, cùng chung tay, chung sức với chính quyền. Bên cạnh đó, nhiệm vụ quan trọng nhất mà tỉnh đặt ra là phải nâng cao đời sống, thu nhập của người dân”, ông Thanh nói.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.