| Hotline: 0983.970.780

NSND Hoàng Dũng và những vai diễn theo suốt cuộc đời

Chủ Nhật 15/05/2016 , 08:04 (GMT+7)

Ngoài chuyện nghiện thuốc lá từ khi còn trẻ, Hoàng Dũng còn đam mê với sân khấu đến kì lạ. Ngay từ khi còn đang học ở Trường Cao đẳng sân khấu Hà Nội, Hoàng Dũng đã là anh chàng say sân khấu và luôn tìm cách xem bạn diễn.


NSND Hoàng Dũng

Tôi có dịp làm quen với NSND Hoàng Dũng cách đây chừng 30 năm. Tôi còn nhớ lách mãi mới vào được ngôi nhà bé nhỏ của gia đình anh ở phố Hàng Đường.

Khi ấy vợ anh bán quần áo ở ngay cửa ra vào, còn anh phì phèo điếu thuốc lá trên môi khét lẹt. Giờ đây, gặp lại anh ở cái tuổi lục tuần, Hoàng Dũng vẫn toát lên phong thái đầy trải nghiệm.

Ngoài chuyện nghiện thuốc lá từ khi còn trẻ, Hoàng Dũng còn đam mê với sân khấu đến kì lạ. Ngay từ khi còn đang học ở Trường Cao đẳng sân khấu Hà Nội, Hoàng Dũng đã là anh chàng say sân khấu và luôn tìm cách xem bạn diễn.

Những hôm không có vé, nhưng khi nghe tin ở Nhà hát Lớn ra mắt vở mới là anh phải mò tới xem cho bằng được; có lần xin vào xem không được, anh tìm cách trèo lên xe cứu hỏa, nhảy tót qua lan can để vào rạp...

Chính sự đam mê và tích lũy cho từng vai diễn của những nghệ sĩ gạo cội, Hoàng Dũng đã có sáng tạo cho nhân vật của mình. Anh nghiệm ra: “Không có đỉnh của vai diễn”.

Nói đến đây anh sực nhớ đến kỉ niệm vào khoảng năm 1983, khi được phân đóng chung vai với cố nghệ sĩ Trần Vân, trong vở “Bình minh đó trái tim anh”.

Đây là vở kịch nói về cuộc sống trong ngành Y. Hai nghệ sĩ cùng tập vai một bác sĩ trẻ sắp ra trường, phải đối diện với những sự kiện quan trọng trong nghề nghiệp.

Ngay khi diễn thử, anh đã bị đạo diễn cho “out”, vì chưa thể hiện được màu sắc của nhân vật, lời thoại không có hồn. Một cảm giác hụt hẫng như bị rơi xuống hố. Hoàng Dũng đã ôm mặt khóc ròng trong phòng tối. Thất bại ư? Tồn tại hay không tồn tại!? Câu nói của Hăm Lét, trong kịch Sêc-xpia vang lên trong lồng ngực với trái tim cháy bỏng với ánh đèn sân khấu.

Thế rồi đột nhiên nghệ sĩ Trần Vân bị khản giọng, không thể diễn được nữa, Hoàng Dũng phải lên sân khấu. Anh còn nhớ, khi đó đoàn đi lưu diễn ở Hải Phòng. Hoàng Dũng chưa một lần tập diễn cùng với các nghệ sĩ khác. Khi được lệnh, đến tối phải lên sân khấu diễn thay Trần Vân, cả buổi chiều anh ôm kịch bản lên sân khấu tự tập một mình.

Đêm diễn đó với lối diễn xuất sâu lắng đã mang đến thành công cho anh. Khi kết thúc, mọi người ôm chầm lấy Hoàng Dũng chúc mừng và từ đó anh chính thức được diễn chung vai với Trần Vân.

Hoàng Dũng nổi lên ngay từ nhân vật phó giám đốc Chính, trong vở “Tôi và chúng ta” vào năm 1985 của Đoàn kịch Hà Nội. Đây là khởi đầu cho màu sắc nhân vật của nghệ sĩ trẻ Hoàng Dũng khi bước vào lứa tuổi “Tam thập nhi lập”.

Tiếp nối lớp nghệ sĩ đàn anh như Hoàng Quân Tạo, Trần Hạnh, Nguyễn Quốc Toàn, Thanh Tú, Trịnh Mai, Phạm Bằng... Hoàng Dũng cùng với Trần Vân, Hoàng Cúc, Phú Thăng... tạo nên một luồng ánh sáng mới bắt đầu từ cái nôi “Tôi và chúng ta”...

Vẫn còn đó là những đêm đi xe đạp đến điểm diễn, vẫn còn đó là chiếc áo đẹp phải mặc chung với nghệ sĩ bạn diễn Hồng Sơn để đi chơi, nhưng Hoàng Dũng đã trở thành một ngôi sao trên sân khấu kịch Hà Nội. Một chặng đường mới và sự nghiệp của Hoàng Dũng ngày một sáng lạn với những vai khá nổi trội tạo nên phong cách nghệ thuật đa sắc và dồi dào biểu cảm.

Ngoài nhiều vở mà anh đã tham gia trong hàng chục năm qua như: “Tôi và chúng ta” (vai phó giám đốc Chính); “Cát bụi” (vai Cả Khoa); “Bình minh đó trái tim anh” (vai Bác sĩ), “Hà Nội đêm trở gió” (vai Lãm), hay “Ăn mày dĩ vãng” (vai Hai Hùng); hoặc “Tiếng đàn vùng Mê Thảo” (vai Bá Nhỡ)...


Nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng trong vai Bá Nhỡ ở vở diễn “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”

Lại còn phim nữa, Hoàng Dũng cũng có nhiều vai đáng nhớ và đáng yêu trong các phim như Cuồng phong, Thái sư Trần Thủ Độ, Con đường hạnh phúc, hay Đàn trời... Toàn vai chính và có nội tâm đa chiều phức tạp. Nhiều người xem hẳn khó có thể quên nhân vật Hai Hùng của Hoàng Dũng trong vở Ăn mày dĩ vãng.

Một sự phân thân đầy uyển chuyển khi anh đóng vai Hai Hùng ở hai thời kỳ già, trẻ đan xen. Cảnh trước là một Hai Hùng mãnh liệt, làm kẻ thù hoảng hốt run sợ vì tài xuất quỷ nhập thần của mình trong chiến đấu; thì đến cảnh sau đó là một Hai Hùng già nua ngơ ngác đi tìm lại quá khứ, với những hơi thở hổn hển của thời gian.

Lọ mọ và hồn nhiên như cỏ cây. Cùng với đó là can trường lúc nào cũng như một kho thuốc nổ. Những cảnh đối chọi và chuyển đổi liên tục xuất hiện, làm cho người xem ngạc nhiên với nghệ thuật diễn xuất của một Hoàng Dũng tài hoa đầy mẫn cảm.

Cùng với nhân vật đa chiều như Hai Hùng, nghệ sĩ Hoàng Dũng còn ghi dấu ấn trong phim trường với vai Đinh Xuân Ẩn, một kiểu hai mặt trái chiều về hình thức và bản chất nhân vật. Đây là loại người ẩn chứa hai mặt xấu - tốt, nhưng phần xấu nhiều hơn tốt, trong đời sống được thể hiện qua nhân vật Chủ tịch Đinh Xuân Ẩn của Hoàng Dũng. Có thể nói đây cũng là một vai có tính đột phá của anh.

Cũng lại là cái bóng của thời kỳ “Tôi và chúng ta” trở lại. Đó là những bộ phim dám trực diện phản ánh cái xấu một cách hiện thực và sinh động. Và hình như gặp những nhân vật hai màu đen trắng đan xen, ở một gương mặt phức tạp như thế, Hoàng Dũng càng tỏ rõ tài năng của mình trong diễn xuất. Đó chính là sự vượt trội và tạo nên phong cách nghệ thuật Hoàng Dũng.

“Vai diễn” cuối cùng là vai “Giám đốc” Nhà hát Kịch Hà Nội mà Hoàng Dũng “diễn” suốt từ năm 2007 đến nay. Cùng năm đó anh còn được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), với những thành tựu nghệ thuật trong 37 năm qua.

Anh còn là một đạo diễn và giảng viên khoa Kịch nói của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Cùng chia sẻ với đời sống của diễn viên Nhà hát, xuất thân từ một nghệ sĩ nghèo nên NSND Hoàng Dũng có nhiều trăn trở và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ có cơ hội tham gia các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, truyền hình, quảng cáo và tổ chức sự kiện...

Với học trò, anh luôn đau đáu, phát hiện và đào tạo những tài năng cho sân khấu Thủ đô. Anh muốn truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật cho các em và hi vọng vào sự bứt phá của các nghệ sĩ trẻ trong nhà hát, đam mê, tìm cách nuôi dưỡng đam mê và tình yêu với sân khấu.

(KTGĐ số 18)

Xem thêm
Giáo sư Tô Ngọc Thanh trọn đời tâm huyết văn hóa dân gian

Giáo sư Tô Ngọc Thanh, một nhân vật tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian, vừa qua đời ở tuổi 90 vào sáng 24/4 tại Hà Nội.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.