| Hotline: 0983.970.780

Ông lão 80 tuổi và bí quyết nuôi ong cho mật ngọt

Thứ Tư 08/07/2020 , 15:51 (GMT+7)

Với kinh nghiệm sẵn có trong lĩnh vực nuôi ong, cụ ông Trần Mạnh Thừa (81 tuổi) đã quyết định thành lập HTX để liên kết phát triển giữa những người nuôi ong trong vùng.

Gặp cụ Thừa vào buổi chiều mùa hè khi cụ đang say sưa chăm sóc những giò lan trong vườn. Ở tuổi 81 nhưng cụ rất nhanh nhẹn, hoạt bát, thoạt nhìn ai cũng nghĩ cụ mới chỉ ngoài 60. Cụ Thừa hiện là Giám đốc HTX nuôi ong Phúc Thuận, xóm Phúc Tài, xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) với 10 thành viên chủ yếu là những cựu chiến binh cao tuổi.

Cụ Thừa cho biết cụ thành lập HTX nuôi ong từ năm 2004, đến nay cụ đã có hơn 20 năm nuôi ong. Tâm sự với PV Báo NNVN cụ cho biết: Ban đầu lúc mới nuôi ong cũng gặp rất nhiều khó khăn do kinh nghiệm chưa có nên ong bị chết. Dần dần vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước nên sau một thời gian mô hình đã mang lại hiệu quả.

Cụ Thừa kiểm tra sức khỏe của đàn ong. Ảnh: Kiều Hải.

Cụ Thừa kiểm tra sức khỏe của đàn ong. Ảnh: Kiều Hải.

Ngồi trò chuyện, cụ bảo lý do mà thành lập HTX là cụ muốn xây dựng mô hình này để những cựu chiến binh cao tuổi như cụ cùng phát triển kinh tế, đồng thời cũng là để liên kết giữa những người nuôi ong trong vùng với nhau.

Hiện tại, cả HTX có khoảng 4.000 – 5.000 thùng ong, trong đó riêng gia đình cụ năm nay giữ lại 60 thùng để nuôi lấy mật còn đâu là bán giống vì theo cụ làm ong giống vừa hiệu quả mà lại đỡ vất vả hơn nhiều. Từ đầu năm đến nay, HTX nuôi ong Phúc Thuận thu hoạch được 5 tấn mật ong, riêng gia đình cụ Thừa được 1 tấn.

Với kinh nghiệm của người nuôi ong mật lâu năm, cụ cho biết thu hoạch ong chỉ kéo dài 6 tháng mỗi năm, vì từ tháng 6 trở đi sẽ không quay mật nữa mà lúc này là thời điểm dưỡng ong và trong quá trình quay mật phải giữ lại một lượng mật để dự trữ thức ăn cho ong qua hết mùa đông chứ không quay hết, có như thế ong mới khỏe và sống lâu.

Ong thường bị bệnh vào mùa đông, nếu thời tiết ẩm thì bị bệnh thối ấu trùng, hoặc trong quá trình nấu thức ăn cho ong mà để thức ăn loãng quá hoặc không nấu chín ong sẽ bị đi ngoài, còn khi ong đói cũng dễ bị bệnh. Tuy nhiên nếu biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật thì ong rất hiếm khi bị mắc bệnh và tỷ lệ rủi ro gần như không có.

Vào mùa đông khi thời tiết lạnh, cần chú ý giữ ấm cho đàn ong và không để ong tiếp xúc với bên ngoài bằng cách lấy giấy báo ép vào thùng ong. Lúc này thức ăn của ong sẽ là phấn hoa trộn với đường rồi đem nấu chín lên. Mỗi khi vào đông cụ Thừa rất ít khi mở thùng ong ra kiểm tra mà cụ chỉ cần đi qua từng thùng rồi nghe là biết thùng nào ong yếu, thùng nào ong khỏe.

Một điều biệt cần lưu ý trong quá trình nuôi ong là phải giữ cho đàn ong luôn khỏe mạnh và giữ cho ong chúa khỏe, khi con chúa nào yếu thì cần phải gây và thay thế con mới. Ngoài ra, con ong sống phụ thuộc thiên nhiên nên nếu hoa không có phấn thì nó không sống được.

Vì vậy vào mùa đông những người nuôi ong phải di chuyển ong đến những vùng có hoa và thời tiết thuận lợi để giữ cho đàn ong khỏe mạnh, rồi khi tới mùa hoa lại đem ong quay trở lại.

Gia đình cụ Thừa giữ lại 60 thùng ong để lấy mật, còn lại là nuôi ong giống để bán. Ảnh: Kiều Hải.

Gia đình cụ Thừa giữ lại 60 thùng ong để lấy mật, còn lại là nuôi ong giống để bán. Ảnh: Kiều Hải.

Theo cụ Thừa thì ong mật có hai loại là ong nội và ong ngoại. Đối với ong nội có ưu điểm là mật đặc và chất lượng tốt hơn do loại ong này chỉ hút nhụy hoa nên giá trị cao. Còn ong ngoại thì ăn tạp hơn nên mật loãng, chất lượng thấp hơn và giá trị cũng thấp hơn so với ong nội. Bởi vậy cụ Thừa chỉ chọn nuôi ong nội.

Đối với mật ong, với mỗi loại lại có một công dụng khác nhau, tuy nhiên khác với nhiều người nuôi ong, trong quá trình quay mật, HTX của cụ Thừa sẽ phân loại và tách riêng biệt từng loại mật một chứ không để mật hỗn hợp. Như vậy để khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn khi mua đồng thời phát huy được tối đa hiệu quả của từng loại mật ong với người sử dụng.

Đối với mật nhãn và vải khi để già mới quay sẽ có trọng lượng gần 1,4kg/lít, còn đối với các loại mật khác chỉ đạt 1,350kg/lít mật. Mật nhãn và vải được HTX của cụ bán với giá trung bình từ 170.000 – 180.000đ/lít, cao hơn mật keo khoảng 20.000đ/lít do chất lượng tốt hơn.

Còn khi bán giống ong, có giá khoảng 200.000đ/cầu ong, thông thường mỗi thùng ong sẽ có từ 3 – 4 cầu. Cụ Thừa chia sẻ, khi bán giống ong phải lựa chọn ong tốt, đẹp, chúa khỏe, khách hàng mua về chỉ đợi đến khi ong đẻ là tách thùng.

Ông Hoàng Văn Thụ một trong những thành viên tham gia từ ngày đầu thành lập HTX cho biết, phải là những người thật sự tâm huyết mới có thể nuôi ong thành công. Ảnh: Kiều Hải.

Ông Hoàng Văn Thụ một trong những thành viên tham gia từ ngày đầu thành lập HTX cho biết, phải là những người thật sự tâm huyết mới có thể nuôi ong thành công. Ảnh: Kiều Hải.

Trung bình mỗi năm với việc bán ong giống và bán mật ong, cụ Thừa thu về khoảng 150 triệu đồng tiền lãi, còn những năm mất mùa cũng được khoảng 70 – 80 triệu đồng. Hiện nay, HTX ngoài những người cao tuổi còn có một số thành viên là người trẻ để kế nghiệp và phát huy những thành quả cũng như kinh nghiệm của những lớp người đi trước, để gây dựng và phát triển HTX ngày càng lớn mạnh.

Thị trường bán mật ong của gia đình cụ Thừa hiện nay tương đối ổn định chủ yếu tại Thái Nguyên và Hà Nội, phần lớn là khách hàng quen thuộc lâu năm.

Ông Hoàng Văn Thụ, xóm 4, xã Phúc Thuận, một trong những thành viên tham gia từ ngày đầu thành lập HTX chia sẻ: Gia đình ông hiện tại có khoảng gần 100 thùng ong cho thu nhập từ 70 – 80 triệu đồng mỗi năm. Theo ông Thụ phải là những người thật sự tâm huyết, đam mê và kiên trì, tỉ mỉ mới có thể nuôi ong thành công. Vì nuôi ong không chỉ để phát triển kinh tế mà còn là một thú vui của những người lớn tuổi.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm