| Hotline: 0983.970.780

Lên núi trồng nghệ

Thứ Năm 25/06/2020 , 10:40 (GMT+7)

Dù biết về tiềm năng còn lớn của rừng núi nhưng ít ai chọn canh tác, vậy mà anh Hứa Văn Tiền lại vác nghệ lên núi trồng và đã thành công.

Sản phẩm nghệ bột của HTX Nông nghiệp và dược liệu Tiền Nguyên do Hứa Văn Tiền làm Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Sản phẩm nghệ bột của HTX Nông nghiệp và dược liệu Tiền Nguyên do Hứa Văn Tiền làm Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Túng quá hóa liều

Hứa Văn Tiền quê ở xã Tân Linh, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), nơi có dãy núi Chúa chạy dài hơn chục cây số, lừng lững xiên dọc sườn Tây 2 huyện Phú Lương và Đại Từ.

Anh thừa nhận, dù sinh năm 1981 nhưng anh có khuôn mặt từng trải của người xấp xỉ ngũ tuần. Diện mạo ấy tích tụ trong suốt một thời gian dài bờ bãi tung hoành từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Bắc Kạn, Hà Giang...

Mỗi năm một hoặc 2 lần, khi đã lấy máu của rừng, Tiền mang ít công lao tích cóp về góp cho vợ nuôi con. Có năm tìm không thấy, mang được người về đã là may. Năm 2016, thành quả đào mỏ được ghi nhận là con số không. Tiền quyết định chấm dứt “nghiệp” quặng tặc sơn trang đầy hiểm nguy và phi pháp.

Năm 2017, anh trồng cây nghệ trên đất ruộng với diện tích 2 sào. Thử nghiệm thất bại toàn tập. Nghệ sinh trưởng và phát triển nhưng củ thì thối gần hết.

Nghĩ lại những ngày trên rừng, Tiền mang nghệ giống lên trồng trên núi Chúa. Cây hợp đất, nghệ lớn nhanh, năng suất cao. Tiền liên tục mở rộng diện tích. Để vào được nơi trồng nghệ, chúng tôi phải leo bộ 15 phút do đường lên khá nhỏ và nhiều đá lớn.

Theo lời kể của anh Tiền, cũng theo lối mòn này,  máy xúc, máy ủi và hơn chục nhân công cùng anh khá chật vật để vào đây san gạt, làm mặt bằng trồng nghệ. Giờ đây hơn 18ha đất hoang hóa được cải tạo, trở thành vùng trồng nghệ tập trung. Một góc sơn lam chướng khí của núi Chúa trở nên xanh biếc, mỡ màng.

Mở rộng quy mô

Trung bình, mỗi ha trồng nghệ cho thu từ 20 - 23 tấn củ tươi/vụ. Sản phẩm ban đầu, Tiền bán nghệ tươi cho thương lái.

Với mỗi ha nghệ, trừ chi phí về nhân công, phân bón, giống, anh thu lãi từ 100 - 120 triệu đồng. Bà con học cách trồng, Tiền cung cấp củ giống cho họ.

Kinh nghiệm được tích tụ, Tiền chia sẻ, cây nghệ được trồng từ tháng 2 - 3 âm lịch và được thu sau 9 - 12 tháng.

Tuy nhiên, để có chất lượng tốt nhất, cây nghệ phải được thu hoạch sau 2 năm. Nghệ là giống cây tương đối dễ trồng, chăm sóc và ít sâu bệnh hại, phù hợp nhất là trồng ở đất vườn, đồi tơi xốp. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn giống, củ giống thường chọn là củ cái, to, không bị thối và sứt sẹo.

Khi nghệ lên được 5 - 6 lá thì người trồng cần bón thúc và vun gốc để củ phát triển tốt nhất. Do là cây lấy củ nên khi lá nghệ quá tốt cần tỉa bớt các lá ở gốc cây để dưỡng chất tập trung vào gốc nghệ. Khi thấy lá nghệ bắt đầu khô dần từ mép, ngả vàng, củ nghệ có màu vàng sẫm, bóng sáng là đã chuẩn bị đến lúc thu hoạch.

Hướng trồng cây dược liệu hứa hẹn triển vọng đối với HTX Tiền Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Hướng trồng cây dược liệu hứa hẹn triển vọng đối với HTX Tiền Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Qua đề xuất từ người thân, Tiền đầu tư trên 450 triệu đồng để mua máy móc chế biến tinh bột nghệ, như: Máy bơm, rửa, máy nghiền, máy vắt li tâm, máy sấy lạnh…

Nghệ sau khi thu hoạch được đưa vào lồng rửa để làm sạch đất cát bám trên bề mặt củ, đồng thời làm bong lớp vỏ lụa phía ngoài, giúp lược bớt tinh dầu và nhựa củ. Sau đó, nghệ được nghiền ly tâm để tách bã, tinh dầu và lắng lọc để thu tinh bột.

Để có 1kg tinh bột nghệ cần khoảng 30kg củ nghệ tươi. Tuy nhiên, giá trị kinh tế lại cao gấp 2-3 lần so với bán củ nghệ.

Hiện tại, mỗi kg tinh bột nghệ, anh bán ra với giá 900 nghìn đồng. Ngoài sản xuất tinh bột nghệ, Tiền còn làm viên nghệ mật ong với giá bán là 1 triệu đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm do cơ sở của anh Tiền sản xuất đều được đóng lọ thủy tinh, có đầy đủ nhãn mác, thông tin về sản phẩm, đồng thời, có mã QR để người tiêu dùng tiện tra cứu. 

Sản phẩm của Tiền được nhiều khách hàng địa phương, trong nước và nước ngoài đặt mua. Để đảm bảo cung ứng, năm 2019, Hợp tác xã Nông nghiệp và dược liệu Tiền Nguyên do Hứa Văn Tiền làm Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT được thành lập.

Với 7 thành viên, HTX đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là trồng cây dược liệu, cây hàng năm, sản xuất tinh bột nghệ và các sản phẩm từ nghệ. Ngoài trồng nghệ, HTX đang ươm giống để trồng một số loại dược liệu khác như đinh lăng, ba kích…

Dự định, HTX sẽ mở rộng vùng sản xuất thêm 4ha, đồng thời, đầu tư khoảng 1,7 tỷ đồng để mua máy sản xuất tinh bột nghệ liên hoàn và phát triển thêm sản phẩm nghệ thái lát sấy khô.

Nhận xét về hoạt động của HTX, ông Nguyễn Đăng Tự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Linh, cho biết, mô hình trồng nghệ dược liệu đang cho thấy triển vọng khi cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của đồng đất nơi đây. Đồng thời, đem lại giá trị kinh tế cao. Chúng tôi luôn ủng hộ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi với hướng đi mới, cách làm sáng tạo của người dân.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.