Nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức đã hoàn tất kế hoạch thành lập một liên doanh với tập đoàn quốc phòng Ukroboronprom của Ukraine vào đầu năm nay, để sản xuất đạn pháo, xe bọc thép và hệ thống phòng không. Là một phần của thỏa thuận hợp tác, Rheinmetall, công ty sản xuất nhiều loại khí tài hiện đại bao gồm cả xe tăng Leopard, tuyên bố sẽ xây dựng 4 nhà máy trên lãnh thổ Ukraine.
Moscow đã lên án động thái này của Đức, cảnh báo rằng các cơ sở như vậy được coi là "mục tiêu hợp pháp" của quân đội Nga.
Hôm 27/10, Armin Papperger, giám đốc của Rheinmetall, xác nhận rằng "mọi thứ đang tiến triển nhanh" ở Ukraine và "nhà máy đầu tiên đã sẵn sàng". "Chúng tôi có nhiều kế hoạch tuyệt vời. Nhà máy đầu tiên đã đi vào hoạt động. Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine là đối tác của chúng tôi", ông nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức TSN của Ukraine.
"Hiện tại, chúng tôi có một cơ sở sản xuất và một cơ sở bảo trì. Đến cuối năm nay, chúng ta sẽ sản xuất được xe chiến đấu bộ binh Lynx hiện đại đầu tiên ở Ukraine. Hiện tại, chúng tôi đang làm nhiệm vụ bảo dưỡng xe chiến đấu bộ binh cũng như xe tăng chiến đấu chủ lực", ông nói thêm, nhấn mạnh rằng việc liên doanh đã chứng minh được hiệu quả.
Ông Medvedev, người hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, bình luận về diễn biến này, ám chỉ rằng nhà máy mới được xây dựng sẽ là mục tiêu tiếp theo của quân đội Nga.
"Công ty Rheinmetall của Đức đã khai trương nhà máy đầu tiên trong số 4 nhà máy quân sự ở Ukraine. Như đã hứa trước đó, chúng tôi háo hức chờ đợi một màn 'bắn pháo hoa' ăn mừng của Nga ngay tại cơ sở sản xuất", ông Medvedev nói trong một bài đăng trên X và kênh Telegram của mình, kèm theo một đoạn video ngắn về một vụ nổ.
Rheinmetall trước đó tuyên bố rằng cuộc xung đột Ukraine đã "cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh" và tăng gần gấp đôi lợi nhuận hoạt động của công ty trong nửa đầu năm 2024. Công ty dự kiến sẽ nhận được đơn đặt hàng trên 60 tỷ euro (64,8 tỷ USD) vào cuối năm nay.
Moscow đã nhiều lần lên án sự can thiệp của phương Tây vào cuộc xung đột, cho rằng những nỗ lực hỗ trợ Kiev chỉ mang lại lợi ích cho tổ hợp công nghiệp quân sự bằng tiền thuế của người dân EU và Mỹ. Nga khẳng định rằng không có khoản viện trợ quân sự nào cho Ukraine có thể thay đổi được kết quả của cuộc xung đột và việc viện trợ cho Kiev sẽ chỉ kéo dài chiến sự.