Ông tôi sắm thọ đường

. - Thứ Sáu, 30/12/2022 , 06:10 (GMT+7)

Ông cháu tôi ngồi trên hiên nhà, gió mỗi lúc một nhiều, những bụi mía xào xạc nhắc những triền lau trắng muốt. Bụi mẫu đơn vẫn im lặng nở bên bờ sân...

Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng.

Minh họa: Nguyễn Mạnh Hùng.

Sáng mùa đông, trời lạnh căm. Hai cha con thức dậy sớm để đến trường, ngồi sau xe, thằng bé nói bạt trong tiếng gió, “Hôm nay rét hơn đó ba”… “Ừ, rét quá. Trong lớp, con không được cởi áo ấm ra đâu nhé”.

Đứng một lát, nhìn con đi vào lớp, tôi quay ra ghé thăm ông nội tôi. Ông ở một mình trong căn nhà nhỏ, ông nói “một mình cho tự do”. Thấy cháu, ông cười hà hà, “Rét, đi mô mà sớm rứa”. Ông bảo pha trà đi, nước sôi ông mới nấu đây. Mùa đông, những sợi khói không trôi, cứ đứng lững lờ mãi giữa hai ông cháu. Ngoài bờ sân, mấy cây mẫu đơn đang nở hoa đỏ rực.

- Vô đây, ông cho mi coi cái ni.

Vừa nói ông vừa chống tay xuống gối đứng lên, lập cập đi lại trước cửa phòng ngủ. “Đây này, ông mới mua đấy, đẹp không?”. “Cái gì vậy ông?”. “Thọ đường đấy”. “Thọ đường là cái gì?”. “Áo quan, quan tài chứ lây”. Lúc này tôi mới nhìn thấy một chiếc thùng gỗ dài sẫm màu, đặt dọc phía trong sát với giường ngủ. Một cảm giác rùng mình chạy dọc sống lưng. Rồi ông tôi giải thích, quan tài mà mua khi còn sống thì gọi là thọ đường, chưa dùng đến thì đựng lúa cũng được!

- Mà ông mua cái này làm gì?

- Ông cứ sắm trước, khi chết nằm vào đó là xong, không phải phiền đứa mô cả.

Hai ông cháu quay ra bàn ngồi. Tôi hỏi ông, “Ông mua cái quan tài để ngay bên giường ngủ như vậy, ông không sợ sao”.

- Không, sợ chi, có sống thì phải có chết chứ. Ông chỉ cần chết mau, đừng đau ốm chi cả là được. Mà phải tư tưởng rứa mới khỏe được, chứ sợ chết thì cứ sinh ra lắm bệnh. Ông năm ni 92 tuổi, cả làng chả còn được mấy người, các ông bà ấy đi hết rồi. Ông Châu ít hơn ông cả 5, 7 tuổi mà chừ lẫn, không biết ai lại ai nữa. Ông cứ chuẩn bị trước, khi mô chết thì nhẹ nhàng mà đi cho khỏe. Cho ông tí nước sôi vô đây, trời ni trà nhanh nguội quá, uống mất ngon…

Hàng mía bên kia bờ rào khẽ xào xạc. Bỗng nhớ câu ngày xưa bà hay đọc “trời heo mía leo lên ngọn”. Trời trở lạnh thì mía sẽ ngọt dần lên ngọn, bao nhiêu tinh túy của trời đất dồn cả vào ngọn mía để kịp nuôi những mầm mới khi xuân sang.

Ông bảo, “may mà trước mua được chỗ đất đẹp. Giờ bà nằm trên đó, khô ráo, sạch sẽ; khi ông chết đi, lên đó với bà mi nữa là yên”. Cách đây hơn 10 năm ông đã mua một mảnh đất nhỏ, xây quách để sẵn. Bà đã mất 6 năm rồi, bà ở đó. Ngày ấy ông bà kêu con cháu xây sẵn hai cái quách, tôi cứ thấy khó chịu trong lòng, không hiểu sao người đang sống mà cứ lo chuyện chết như thế để làm gì kia chứ! Đôi khi tôi lại nghĩ, hay là ông tôi buồn điều chi, chứ cứ chuẩn bị cho cái chết mãi thì sao mà vui vẻ sống được.

Nhưng tôi nhầm. Càng lớn mới càng thấy cái vững vàng của những con người thuở trước. Hình như trong những người đã trải qua đói rét nhọc nhằn của một thời gọi là lạc hậu ấy lại có cái gì như minh triết, như lớn lao mà lớp hậu thế không hiểu được.

Nay, tôi thấy người ta chết trong bất an sợ hãi, chết trong những dây ống lòng thòng. Tôi kể cho ông tôi nghe chuyện một nhà thơ, người mà mới tối hôm trước tôi còn thấy ông đăng status kêu đang bị ốm nặng lâu ngày, nay muốn được chích vacxin mũi 3, thế mà sáng hôm sau thức dậy đã nghe tin ông ấy ra đi. Ông tôi trầm ngâm bảo, vậy là vẫn còn tỉnh táo mà dùng điện thoại được cơ đấy, nhưng tinh thần thì chưa thanh thản…

Ông cháu tôi ngồi trên hiên nhà, gió mỗi lúc một nhiều, những bụi mía xào xạc nhắc những triền lau trắng muốt. Bụi mẫu đơn vẫn im lặng nở bên bờ sân, mỗi lúc một rực lên như lửa cháy. Ngoài ngõ, một người đi bán chiếu và nệm ấm đang cất tiếng rao trong gió. Ông tôi gọi lớn, “Có chiếu 1 không?”, “Có cụ ơi, cụ lấy mấy chiếc?”, “Một chiếc thôi”.

Ông khen chiếu dày, còn may mép đẹp nữa. Ông cầm manh chiếu, mân mê, “Chiếu ni mùa hè nằm mát đây”. Rồi ông mang vô trải thử lên giường, cạnh chiếc thượng đường, “Ừ, vừa gớm”, rồi lại khệ nệ mang ra, vắt lên cánh cổng phơi gió.

Tấm chiếu khẽ lung lay trong gió lạnh, màu cói xanh lơ, cái màu của một biền bãi vô tận còn vương lại trong những sợi cói khô mềm hòa với mùi cói mới thơm thơm như mùi cơm nếp mới. Ông tôi bảo, trông vậy chứ bền hơn chiếu nhựa đấy, nằm lại không bị đau lưng. “Ông nằm khi nào hư 5 chiếc chiếu nữa rồi đi đâu hãy đi nha ông”. Hai ông cháu cười vang trong gió buốt, một vạt nắng cũng vừa ló lên trên những cành xoan trụi lá mùa đông…

Trưa rồi, quay ra đón con tan học. Thằng bé con nhảy chân sáo, đưa tay vẫy ba.

- Áo khoác con đâu?

- Chết, con bỏ quên trong lớp. Ba đợi con…

Hai cha con trở về nhà trên con đường buổi sáng âm u giờ đã đầy nắng vàng như mật ủ trong sương mù, làm cả không gian hừng lên. Trời sắp Tết, người đi như lạc vào một bờ bến khác. Vừa quen, vừa lạ…

Thái Hạo

.
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ
Đôi điều suy nghĩ của một Phật tử về câu chuyện xung quanh ông Minh Tuệ11

Là một Phật tử, theo dõi hành trình và xem gần hết các video trên mạng về ông Minh Tuệ, chúng tôi nhận thấy văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể gây hiểu lầm.

Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay
Tác giả trẻ phủ sóng một cuộc thi Thơ Hay

Tác giả trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X đã chiếm ưu thế tuyệt đối tại cuộc thi Thơ Hay vừa tổ chức trao giải thưởng vào sáng 16/5 tại TP.HCM.

Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?
Nhân hiện tượng Minh Tuệ: Đi tu để được gì?11

Hiện tượng ông Minh Tuệ một lần nữa nhắc cho ta biết rằng cũng như trong căn nhà đóng kín, chúng ta sẽ không thấy được gì, nhưng chỉ cần một tia sáng lọt vào, lập tức thấy bụi bặm nhảy múa đảo điên.

Thổn thức cùng sông Nghèn
Thổn thức cùng sông Nghèn

Quy luật muôn đời là các dòng sông đều chảy, nhưng khi thực hiện dự án 'ngọt hóa', thau chua rửa mặn thì sông Nghèn thành dòng sông duy nhất ở Việt Nam... không chảy.

Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân
Từ trường hợp Minh Tuệ: Y pháp bất y nhân1

Câu ấy có nghĩa là [người tu phải] căn cứ vào giáo pháp (chân lý) chứ không được căn cứ vào cá nhân.

Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?
Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay như thế nào?

‘Tác phẩm hay trong sự tiếp nhận hiện nay’ là cuộc tọa đàm văn chương giữa các tác giả thuộc Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên.

Bên dòng Kiến Giang huyền thoại
Bên dòng Kiến Giang huyền thoại6

Sự hiểu biết cùng cảm xúc rất đặc biệt của cô bé Hà Nội 12 tuổi về đất và người Lệ Thủy, Quảng Bình.

'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam
'Dân Ông Tạ' cất giữ một phần ký ức đô thị phương Nam

'Dân Ông Tạ' là cộng đồng người gốc Bắc di cư vào nam, được tác giả Cù Mai Công phản ánh trong bộ sách 'Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó'.

Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt
Viết ngược từ theo sở thích làm méo mó ngôn ngữ Việt

Gần đây, trường hợp viết đảo ngược từ xuất hiện tràn lan và ngày một phát triển. Có cơ hội, có dịp là đảo ngược. Đảo lấy được. Nhà văn, nhà báo cũng đua nhau viết ngược từ.

Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal
Chùa Một Cột trên thành phố bị lãng quên Bandipur, Nepal

Đi hành hương lần này, đoàn chúng tôi có 8 người. Đi một chuyến đi 'lịch sử đời người', vì sẽ đến những nơi chưa từng đến, những nơi mà để đến được, thì vô cùng khó khăn mới đến được, nhưng đã đến được thì quá xứng đáng để đi. Đến dãy Núi Tuyết Hy Mã Lạp Sơn, và thành phố cổ Bandipur...

Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.