Ấn tượng ngay ở thông điệp trên cái hộp: MORE THAN WATER - CÒN HƠN CẢ NƯỚC và câu chuyện quá nhiều cảm xúc.
Câu chuyện như thế này: “Tại Elix, chúng tôi tin rằng có thể cung cấp nước uống cao cấp mà không gây tổn hại đến môi trường của chúng ta. Chúng tôi cẩn thận lựa chọn nguồn nước có khoáng chất tự nhiên gần bạn, không tạo ra khí thải carbon và không ảnh hưởng đến chất lượng. Chúng tôi cũng chọn các thùng carton có thể tái chế và làm từ giấy, một nguồn tài nguyên tái tạo”. Và còn nữa: “Nước nguyên sơ của chúng tôi thấm đẫm khoáng chất tự nhiên làm cho nước của chúng ta có vị mịn màng”.
Một hộp nước gói trọn thông điệp vì môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Ngẫm nghĩ sâu hơn, chỉ khi đong đầy tình yêu thiên nhiên, yêu con người mới có những dòng chữ dạt dào cảm xúc đến vậy. Cái hộp bên ngoài không chỉ để chứa sản phẩm mà còn chuyển tải thông điệp của người sản xuất đến người tiêu dùng: “Mỗi người hãy chọn cách sống có trách nhiệm”.
Làm ra một sản phẩm chất lượng đã khó, tạo được bao bì tưởng chừng đơn giản nhưng không phải vậy. Người sản xuất không thể đứng bên kệ hàng suốt ngày để thuyết minh về sản phẩm của mình. Bao bì “thay mặt” người sản xuất kể câu chuyện về sản phẩm một cách tinh tế, ấn tượng, đánh động vào tâm thức người tiêu dùng. Cái hộp biết nói, biết kể chuyện. Có người ví von “Thương hiệu là cái hiệu để người ta thương”. Cái hộp cũng làm cho người ta thương.
Nhiều người đắn đo, làm bao bì như vậy sẽ thêm chi phí, khó cạnh tranh. Ngày nay, người tiêu dùng có trách nhiệm sẵn sàng trả giá cao hơn với những sản phẩm có trách nhiệm. Đó là người tiêu dùng xanh trong nền kinh tế xanh. Không nên suy nghĩ “Tốt gỗ còn hơn tốt nước sơn”. Đối với nhiều người, “gỗ” phải tốt, đồng thời “nước sơn” cũng phải thật ấn tượng, không nên xuề xòa. Không nên có suy nghĩ cái hộp trước sau rồi cũng bị vứt bỏ, làm chi cho phức tạp.
Hãy tưởng tượng, người tiêu dùng cầm một sản phẩm lên, ngắm nghía, phân vân, trước khi quyết định có nên mua hay không trước nhiều sản phẩm tương đồng, điều gì sẽ quyết định hành vi sau cùng? Đó là sự ấn tượng, cả về chất lượng, an toàn thực phẩm, cả về tinh thần trách nhiệm. Tất cả là linh hồn của sản phẩm thông qua câu chuyện.
Làm ra sản phẩm đã khó, lựa chọn cái tên đẹp cũng lại khó, đặt được một cái tên cũng khó. Có được cái tên ưng ý rồi làm sao phải “dạy” cho nó “biết nói” những điều yêu thương để người ta nhớ hoài, nhớ mãi!
Đất nước mình non cao, biển rộng, sông dài. 54 dân tộc bản sắc văn hóa đa dạng, sống hòa mình trong những không gian sinh thái khác nhau dễ tạo được nhiều cảm xúc cho câu chuyện sản phẩm. Những chủ thể khởi nghiệp với biết bao đam mê, khát vọng, lại có thể tích hợp vào những câu chuyện sản phẩm.
Hãy tạo ra những bao bì "biết nói", "biết kể chuyện"!
Thay đổi nhỏ, mang lại kết quả bất ngờ!
Mời độc giả quan tâm theo dõi loạt bài "Chuyện nhỏ khởi nghiệp":
Câu chuyện thứ nhất: Tơ chuối của người Thái
Câu chuyện thứ hai: Khởi nghiệp trong một trường đại học Bỉ
Câu chuyện thứ ba: Câu chuyện thác Bản Giốc
Câu chuyện thứ năm: Khởi nghiệp và văn hóa đọc
Câu chuyện thứ sáu: Vị lành phương Nam