| Hotline: 0983.970.780

Ớt tuột giá thảm hại, nông dân điêu đứng

Thứ Sáu 09/04/2021 , 14:24 (GMT+7)

Chỉ 1 thời gian ngắn mà giá ớt tại Bình Định từ ‘đỉnh cao’ rớt ào xuống đáy, tiền bán ớt không đủ trả công hái, người trồng ớt năm nay điêu đứng…

Ớt được mùa mất giá

Huyện Phù Mỹ, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ ớt” của tỉnh Bình Định với diện tích cả ngàn ha/năm, đang thời điểm thu hoạch rộ mà giá ớt từ “đỉnh cao” rớt xuống tận đáy, hiện tiền bán ớt không đủ trả công hái.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, vụ đông xuân năm nay nông dân huyện Phù Mỹ trồng đến 1.262ha ớt, tăng 29ha so cùng kỳ năm trước. Ớt được trồng hầu khắp các xã trên địa bàn huyện; trong đó, chỉ người dân 3 xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành và Mỹ Thọ là trồng ớt chỉ thiên, các xã còn lại đều trồng ớt chỉ địa để xuất khẩu sang Trung Quốc, tập trung nhiều nhất tại các xã Mỹ Hiệp, Mỹ Tài…

Nông dân Phù Mỹ (Bình Định) chủ yếu trồng ớt chỉ địa để xuất sang Trung Quốc, hiện giá loại ớt này chỉ còn 3.500đ/kg, tiền bán ớt không đủ trả công thu hoạch. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nông dân Phù Mỹ (Bình Định) chủ yếu trồng ớt chỉ địa để xuất sang Trung Quốc, hiện giá loại ớt này chỉ còn 3.500đ/kg, tiền bán ớt không đủ trả công thu hoạch. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vụ ớt ĐX 2020-2021 nhờ thời tiết thuận lợi nên ớt trồng ở Phù Mỹ cho năng suất khá, đạt hơn 1,5 tấn/sào (500m2) đối với ớt chỉ địa, ớt chỉ thiên đạt 1 tấn/sào. Hiện ớt ở Phù Mỹ đang thu hoạch đại trà thì lại gặp lúc giá ớt giảm sâu, niềm vui được mùa chưa kịp hưởng thì người trồng ớt ở Phù Mỹ đã phải nếm trái đắng vì thua lỗ.

Anh Nguyễn Minh Bảo (31 tuổi) ở xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định), người có 4 sào ớt chỉ địa đang cho thu hoạch rộ, chia sẻ: “4 sào ớt của gia đình tôi cho thu hoạch cách nay hơn 10 ngày, lúc đó ớt chỉ địa còn bán được 7.000đ-8.000đ/kg, bây giờ chỉ còn 3.500đ/kg. Giá ớt đã giảm sâu còn tiêu thụ rất yếu, thương lái mua cầm chừng để cung ứng cho vài cơ sở chế biến tương ớt trên địa bàn huyện, 1 ít được vận chuyển đi bán cho những cơ sở chế biến ớt tương tại Sài Gòn và Bình Dương. Hiện ớt xuất khẩu đi Trung Quốc rất ít, thương lái lại mua lựa rất gắt, trước đây họ mua trọn ruộng ớt thì nay chỉ lựa quả to, thẳng, không bị chấm và không bị nứt cuống mới mua”.

Theo anh Bảo, vào vụ, cây ớt con trồng ương mất 1 tháng, đưa ra trồng 3 tháng nữa, vị chi mất 4 tháng trời mới có ớt hái. Riêng 4 sào ớt của anh Bảo nhờ chăm sóc tốt nên năm nay đạt năng suất 2 tấn/sào. Với giá ớt hiện nay 3.500đ/kg, hái 1 sào ớt anh Bảo bán được 7 triệu đồng, tính ra chẳng còn lời lãi gì.

Trước đây, vào vụ thu hoạch rộ, mỗi đêm bà Cúc đưa sang thị trường Trung Quốc đến 3 xe container ớt tươi, khoảng 50-60 tấn, nhưng giờ đầu ra đã bị 'tắt'. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trước đây, vào vụ thu hoạch rộ, mỗi đêm bà Cúc đưa sang thị trường Trung Quốc đến 3 xe container ớt tươi, khoảng 50-60 tấn, nhưng giờ đầu ra đã bị “tắt”. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo tính toán của anh bảo, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, mỗi sào ớt “ngốn” mất khoản chi phí từ phân bón, thuốc BVTV hết 4 triệu đồng. Khi thu hoạch, thuê 1 công hái ớt hiện nay mất 200.000đ/ngày, mỗi ngày 1 công chỉ hái được 200kg ớt, như vậy 1 sào ớt mất thêm 2 triệu tiền thuê công hái, vị chi tổng chi phí 1 sào ớt mất đến 6 triệu đồng. Trong khi tiền bán 1 sào ớt chỉ có 7 triệu đồng.  Trong khi ớt chỉ địa đạt năng suất 2 tấn/sào như anh Bảo là rất hiếm, bình quân chỉ đạt 1,5 tấn/sào, với mức năng suất này nông dân trồng ớt ở Phù Mỹ năm nay lỗ đậm.

Ớt “bí” đầu ra

Từ trước đến nay, đầu ra của ớt trồng tại Bình Định hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, thế nhưng hiện sức mua tại thị trường này đang rất yếu nên ớt bị sập giá  là chuyện đương nhiên.

Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, ớt chỉ thiên tại Bình Định có giá 120.000đ/kg mà không có ớt bán, giờ chỉ còn từ 13.000đ-15.000đ/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, ớt chỉ thiên tại Bình Định có giá 120.000đ/kg mà không có ớt bán, giờ chỉ còn từ 13.000đ-15.000đ/kg. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bà Phạm Thị Cúc (57 tuổi) ở xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ đại lý thu mua ớt quy mô lớn chuyên cung cấp cho thị trường Trung Quốc, cho biết: “Những năm trước đây, vào thời điểm ớt ở Bình Định thu hoạch rộ, mỗi đêm tôi đưa sang Trung Quốc đến 50-60 tấn ớt tươi, khoảng 3 container lạnh. Thế nhưng hiện nay do thị trường Trung Quốc không còn thu ớt mạnh, giá mua lại thấp nên buộc thương lái phải mua ớt của nông dân giá thấp nhưng lượng hàng tiêu thụ cũng chẳng được bao nhiêu”.

Theo TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, hiện diện tích trồng ớt hàng năm ở tỉnh Bình Định gần 4.000ha. Nếu năm trước ớt được giá thì năm sau diện tích trồng ớt trên địa bàn sẽ tăng đột biến, nhiều diện tích trồng đậu phộng lập tức được nông dân chuyển sang trồng ớt. Tuy nhiên, từ trước đến nay đầu ra của ớt hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, trong khi thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng nếu ngành chức năng lo lắng giá ớt “sụt sùi” đưa ra khuyến cáo thì nông dân cũng không nghe, cứ nhắm mắt trồng.

Đầu ra của ớt lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc nên rủi ro về giá cả tất nhiên sẽ không tránh khỏi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đầu ra của ớt lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc nên rủi ro về giá cả tất nhiên sẽ không tránh khỏi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.