Sạt lở đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy cho người dân, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh "màn trời chiếu" đất khi đất đai, nhà cửa, hoa màu rơi vào “miệng hà bá”.
Nhiều gia đình khó khăn, đất lở hết không có nơi nương tựa phải thuê nhà ở trọ hay tá túc người thân, tha hương kiếm sống.
Đoạn đê bị sạt lở qua nhà anh Trần Văn Út. |
Đã hơn một tháng nay, gia đình anh Trần Văn Út (52 tuổi) ở ấp An Hội 1 (xã Tân An Hội, Mang Thít, Vĩnh Long) rơi vào hoàn cảnh khốn khổ khi ngôi nhà của anh sắp rơi xuống sông. Vì không có đất di chuyển đi nơi khác nên cha con anh đành dựng đỡ tấm bạt trên đê sát chỗ lở để ở ban ngày tới lui, còn khi tối thì phải thuê trọ ở.
Căn lều tạm cha con anh Út ở để trông nom bàn thờ tổ tiên. |
Hỏi ra mới biết, do anh không biết chữ, vợ anh đi làm giúp việc nhà trên TP HCM nên khi chính quyền đến vận động hỗ trợ kinh phí để anh tạm lánh nạn đi nơi khác thì anh không biết phải làm sao.
Anh Út nói: “Tôi cũng không rõ được bồi thường như thế nào nữa. Bây giờ kêu đi thì tôi cũng không biết đi đâu nữa. Con tôi còn đi học ở đây. Tôi đâu biết chuyển trường cho nó đi đâu”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trọng, công tác tại Ban quản lý Công trình nông nghiệp nông thôn huyện Mang Thít cho biết: “Vừa qua, đoàn công tác của Ban Quản lý Công trình nông nghiệp-PTNT tỉnh và lãnh đạo huyện, xã có đến khảo sát và ghi nhận hiện trạng ngôi nhà mà anh Út đang ở.
Sắp tới chúng tôi phối hợp đề xuất, xây dựng phương án bồi thường cho anh Út mà không yêu cầu tháo dỡ. Sau khi chúng tôi xây dựng kè khôi phục hiện trạng con đê như cũ thì anh Út có thể dùng hỗ trợ này để sửa lại nhà hoặc xây mới trên nền đất của anh hiện nay”.
Đây là ngôi nhà thứ 3 mà anh Út cất, sắp bị sạt lở đe dọa lấy mất. |
Được biết anh Trần Văn Út là lao động tự do. Gia đình anh có cha là liệt sỹ, mẹ mất sớm. Anh Út mồ côi từ nhỏ được anh chị nuôi nấng.
Tại địa phương anh có máy cưa tay, ai kêu đốn cây, cưa củi thì anh nhận kiếm chút thù lao. Còn ngày khác ai thuê gì làm nấy, thu nhập rất bấp bênh. Ngôi nhà anh Út đang ở cũng là ngôi nhà thứ ba anh xây dựng. Do sạt lở đã lấy đi dần đất đai và hai ngôi nhà trước đó của anh cũng trên nền đất 1.000m2 nay chỉ còn co cụm chừng trăm mét vuông.
Từ khi sạt lở đến nay, do chưa thống nhất được phương án bồi thường, hỗ trợ để gia đình anh Út chuyển đi, công trình sạt lở vẫn chưa được khắc phục. Mùa lũ thì đang tới. Nếu công trình kè trên chưa được hoàn tất thì sẽ đe dọa cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong tuyến đê bao trên.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 7/2019, toàn tỉnh Vĩnh Long có 125 điểm sạt lở xảy ra ở 8/8 huyện, thị xã, TP với tổng chiều dài hơn 3.700m. Tình hình sạt lở gây ra đã ảnh hưởng đến đời sống của 292 hộ dân.