| Hotline: 0983.970.780

Phân bón tăng mạnh, nhà vườn lo lắng!

Thứ Năm 06/05/2021 , 10:18 (GMT+7)

Tây Nguyên bước vào mùa mưa, cũng là mùa bón phân cho các loại cây trồng, nhưng giá phân bón tăng cao khiến bà con lo lắng cho một vụ mùa bất ổn.

Ure tăng mạnh

Khảo sát của chúng tôi, giá phân ure ngày 5/5/2021 tại cảng Quy Nhơn đã chạm ngưỡng 9,5 triệu đồng/tấn. Nhập về các đại lý ở các tỉnh Tây Nguyên, tùy xa hoặc gần sẽ có giá từ 9,7- 9,8 triệu đồng/tấn. Đến khi bán tới tay cho nông dân là 10 triệu đồng mỗi tấn.

Như vậy, so với cùng kỳ năm 2020, giá phân ure đã tăng khoảng 3 triệu đồng mỗi tấn, mức tăng kỷ lục hiếm thấy từ trước đến nay với thị trường phân bón.

Giá phân bón tăng trong khi giá nông sản chưa tăng khiến nhiều nông dân ở Tây Nguyên lo lắng. Ảnh: DPM.

Giá phân bón tăng trong khi giá nông sản chưa tăng khiến nhiều nông dân ở Tây Nguyên lo lắng. Ảnh: DPM.

Cụ thể tại Gia Lai, giá phân ure nhập vào đại lý là 9,7 triệu đồng/tấn, bán ra 10 triệu đồng. Chủ Đại lý phân bón S.T (xã Ia Glai, huyện Chư Sê, Gia Lai) cho biết, tuy phân bón tăng giá nhưng hôm nay chị vẫn bán ra cho nông dân với giá 9.400 đồng/kg.

Chị giải thích: “Đây là hàng cũ, nhập từ trước với giá thấp nên để lại cho bà con như vậy, mình vẫn có lãi, mà lại chia sẻ được cho bà con ít nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau này nhập vào giá cao bán ra cũng phải tương ứng thôi, kinh doanh mà”.

Còn ở Đại lý phân bón K.Đ (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai) trong ngày 5/5, phân ure Phú Mỹ bán ra cho nông dân giá 500.000 đồng mỗi bao (loại bao 50kg), nghĩa là 10 triệu đồng/tấn. Ông chủ đại lý này cho biết: “Hàng về đến đại lý đã có giá 9,8 triệu đồng mỗi tấn, bán ra 10 triệu kiếm chút lãi thôi”.

Tại huyện Đăk Hà, thủ phủ cây trồng của tỉnh Kon Tum, tuy từ cảng Quy Nhơn lên xa hơn Gia Lai, nhưng giá phân bón đến đại lý chỉ khoảng 9,5 - 9,6 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân do Đăk Hà là huyện tập trung nhiều diện tích cây trồng nhất tỉnh nên có nhiều đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, việc vận chuyển được tập trung hơn nên giá có mềm hơn nơi khác đôi chút. Hiện tại, nhiều đại lý ở đây bán ra cho nông dân ure với giá 9,5- 9,6 triệu đồng mỗi tấn đối với hàng nhập từ trước.

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Sáu Nhung (Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), cho biết: Với diện tích cà phê của gia đình ông, trước nay chỉ bón phân dạng viên nén, chưa bao giờ bón ure. Tuy nhiên nhiều vườn của các hộ thành viên trong Hợp tác xã trước giờ vẫn bón ure. Nay giá phân tăng cao, không ít bà con đang băn khoăn tìm cách thay thế cho phân ure để giảm giá thành.

Anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh), than thở: "Khó quá anh ơi, giá cà phê không lên mà phân bón lại tăng giá đến chóng mặt, nông dân chạy theo không kịp. Không biết Nhà nước có cách gì giúp dân không, nếu không nông dân Tây Nguyên, nhất là người trồng cà phê như bọn em chỉ còn biết khóc!”.

Nông dân lo lắng!

Tây Nguyên đang chuẩn bị bước vào mùa mưa, cũng là mùa bón phân cho các loại cây trồng nơi đây. Tuy nhiên với giá phân bón như hiện tại làm bà con hết sức lo lắng cho một vụ mùa bất ổn bởi giá nông sản, đặc biệt là cà phê hiện vẫn đang còn thấp.

Một người dân ngụ xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) cho biết: “Trước đến giờ, cứ đến mùa muốn bón phân gì ra đại lý mua loại phân đó rồi chở trực tiếp vào rẫy. Tuy nhiên, phân bón năm nay tăng giá ngay trước thời điểm bón phân cho mùa mưa, trong khi giá nông sản "sụt sùi" nên nhà nông chúng tôi lo lắm. Đợt vừa rồi tôi lấy mấy bao về bón cho 1,5ha cà phê của gia đình, tùy vào từng loại phân mà giá lên từ 30.000 đến hơn 100.000 đồng/bao”.  

Chưa hết, theo nhiều người dân nơi đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không có tiền mặt nên đa phần bà con nông dân phải mua chịu phân bón từ đại lý. Sau khi thu hoạch cà phê, tiêu, cà mang đến đại lý bán để trả tiền. Lúc này, đại lý sẽ tính một phần lãi nên người nông dân sẽ phải mất thêm chi phí trong khi giá nông sản không cao.

Tương tự, chị H’Măng Byă (ngụ buôn Rư, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, Đăk Lăk) cho biết: Gia đình có 9 sào đất trồng cà phê, tiêu. Năm trước, giá phân Đầu Trâu mùa mưa chỉ 450.000 đồng/bao nhưng năm nay giá lên 500.000 đồng/bao.

“Khi chúng tôi ra mua phân đại lý báo tăng giá. Nhưng khi hỏi sao tăng giá đại lý nói công ty báo giá vậy phải bán theo. Do cây trồng đến thời điểm bỏ phân để kích thích ra hoa, đậu trái nên chúng tôi vẫn phải nhắm mắt mua”, chị H’Măng nói.

Hiện giá phân ure đến tay bà con nông dân tại Tây Nguyên có giá trung bình từ 9,7 - 10 triệu đồng/tấn. Ảnh: DPM.

Hiện giá phân ure đến tay bà con nông dân tại Tây Nguyên có giá trung bình từ 9,7 - 10 triệu đồng/tấn. Ảnh: DPM.

Cũng theo chị H’Măng, mỗi đợt bón phân gia đình mất hơn 1,5 triệu đồng. Do đó, gia đình bỏ ra 7 triệu đồng mỗi năm để đầu tư mua phân cho 9 sào rẫy.

“Gia đình tôi bỏ ít phân chứ nhiều như các gia đình khác phải hết hơn 10 triệu mỗi mùa. Giá cà phê, tiêu liên tục giảm giá nhưng phân lên cao quá”, chị H’Măng nói.

Một đại lý phân bón tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar (Đăk Lăk) cho biết, hiện giá phân tăng hơn mọi năm. Theo người này, mọi năm đại lí cho người dân mượn phân đến mùa thu hoạch rồi lấy lại. Tuy nhiên giá nông sản xuống thấp nên người dân không đủ tiền trả.

“Phân giờ bán ế lắm! Năm nay lượng mưa giảm một nửa, giá phân lên cao nhưng giá nông sản giảm. Theo đó phân ure lên hơn 100.000 đồng/bao, phân Đầu Trâu lên mấy chục nghìn một bao. Theo thông báo của công ty do giá nhập khẩu cao nên phải tăng giá bán”, chủ đại lí phân bón xã Cư Suê chia sẻ.

Theo chủ đại lý phân bón Bích Giám (Cư M’gar), mới bắt đầu mùa mưa nên người dân vẫn chưa mua phân nhiều, nhưng giá phân đã lên cao. Trước đây, giá phân ure chỉ 350.000 đồng/bao nhưng nay lên 480.000 đồng/bao. Đại lý nhập vào giá cao phải bán ra chênh 20.000-30.000 đồng/bao mới đủ chi phí.

“Người dân ra đại lý hỏi mua phân khi thấy giá cao họ đều lưỡng lự, mua với số lượng ít. Hầu hết các loại phân đều lên giá. Việc này khiến đại lý khó bán còn người dân không có tiền đầu tư tái sản xuất”, chủ đại lý phân bón Bích Giám cho biết.

Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Ia Grai, cho biết: Mỗi ha cà phê một năm cần bón khoảng 6 - 7 tạ phân ure, chưa kể các loại phân bón khác. Với diện tích cà phê hiện có của Tây Nguyên, lượng phân bón cần thiết quả là khổng lồ. Phân bón cũng chiếm chi phí cao trong tổng chi phí cho vườn cây. Giờ giá phân bón lên cao cả nhà vườn lẫn doanh nghiệp đều phải đối diện với nhiều khó khăn.

Xem thêm
Nông dân Đồng Tháp chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nhãn tiếng Việt

Thay vì sử dụng tràn lan, theo thói quen cũ, nông dân tỉnh Đồng Tháp đã chủ động trong việc tìm hiểu thông tin về thuốc và sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng.

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?