| Hotline: 0983.970.780

Phân bón truyền thống 'đánh bại' phân bón công nghiệp

Thứ Ba 19/04/2022 , 08:25 (GMT+7)

Ấn Độ Trong cuộc thử nghiệm kiểm tra sức khỏe đất mang tính “đối đầu” giữa phân bón công nghiệp và phân bón truyền thống cho thấy, lối cũ khiến đất đai trở nên màu mỡ hơn.

Phân bón hữu cơ truyền thống mang lại cho đất nhiều đặc tính bền vững hơn so với phân bón hóa học. Ảnh: iStock.

Phân bón hữu cơ truyền thống mang lại cho đất nhiều đặc tính bền vững hơn so với phân bón hóa học. Ảnh: iStock.

Một nghiên cứu thử nghiệm đối chứng trực tiếp về các đặc tính của đất ở miền Tây Ấn Độ đã chỉ ra rằng, bón phân hữu cơ dựa trên kiến thức sinh thái truyền thống đã kích thích cấu trúc và độ phì của đất tốt hơn, ngay cả trong thời kỳ hạn hán. Mặc dù mới chỉ có khoảng 10% - 15% diện tích các cánh đồng trong khu vực được sử dụng phân bón truyền thống, nhưng những nghiên cứu như thế này có thể khuyến khích các thực hành nông nghiệp bền vững hơn.

Kể từ những năm 1960, chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu chính sách trợ cấp phân bón hóa học thâm dụng để nông dân nước này tăng cường sự phát triển của cây trồng để đảm bảo lương thực. Tuy nhiên với nghiên cứu mới vừa công bố thì một câu hỏi đang đặt ra là liệu mô hình này có thể tồn tại trong tương lai?

Trong nhiều năm qua, trợ lý giáo sư khoa học môi trường Seema Sharma (Đại học Krantiguru Shyamji Krishna Verma Kachchh) đã lắng nghe những câu chuyện từ những người nông dân nói về một loại phân hữu cơ truyền thống khiến cho đất khỏe mạnh và bền vững hơn so với các phương pháp sử dụng hóa chất. Bà Seemma nói, các công thức phân bón truyền thống và thời gian sử dụng thậm chí còn được mô tả trong kinh Vệ Đà từ cách nay hơn một nghìn năm.

Bà Sharma cho biết đã từng nêu ra vấn đề này nhân tham dự một hội nghị toàn cầu thảo luận về các chiến lược nông nghiệp truyền thống ở các vùng bán sơn địa thiếu nước của Ấn Độ. Tuy nhiên bà thừa nhận vẫn cần tiếp tục các thử nghiệm phân bón truyền thống một cách bài bản hơn để đi đến kết luận cuối cùng.

Và kết quả nghiên cứu mới nhất về cuộc “đối đầu” giữa phân bón truyền thống và phân bón hóa học cho thấy: Sức khỏe của đất nói chung phụ thuộc vào các đặc điểm vật lý, hóa học và sinh học chính. Trong một nghiên cứu vào năm 2020 , bà Sharma đã so sánh các đặc điểm sinh học của đất được bón bằng hóa chất và đất được bón kết hợp giữa phân hữu cơ và jeevamrutha -một chất lỏng lên men của phân bò, nước tiểu bò và bùn. Đất được bón phân truyền thống cho thấy sự đa dạng của vi sinh vật hơn, kết cấu, sức khỏe của đất và khả năng phục hồi cũng tốt hơn so với đất được bón phân hóa học.

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLOS Sustainable and Transformation, bà Sharma đã thử nghiệm thực nghiệm và so sánh các đặc điểm vật lý và hóa học của đất truyền thống và đất được bón phân hóa học, bao gồm khả năng giữ nước tối đa, độ dẫn điện và độ pH của đất.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã theo dõi thử nghiệm đất từ ​​10 trang trại ở huyện Kachchh của bang Gujarat, bằng cách sử dụng phân bón hóa học thương mại và 10 trang trại trong cùng khu vực sử dụng phân bón truyền thống. Các thông số kiểm tra đối chứng diễn ra cả trong và sau khi thu hoạch 6 vụ mùa của 3 năm canh tác.

Nông dân Ấn Độ tự sản xuất loại phân bón truyền thống có tên jeevamrutha để bón cho cây trồng. Ảnh: Natural Farming

Nông dân Ấn Độ tự sản xuất loại phân bón truyền thống có tên jeevamrutha để bón cho cây trồng. Ảnh: Natural Farming

Kết quả là khả năng giữ nước của đất được bón phân truyền thống cao hơn so với đất sử dụng phân bón hóa học, ngay cả trong suốt hai vụ mùa hạn hán. Điều này cho thấy đất càng giữ được nhiều nước thì càng ít bị rửa trôi chất dinh dưỡng, giúp đất bền vững hơn. Mặt khác, đất sử dụng phân bón truyền thống cũng có mật độ đất thấp hơn, điều này rất quan trọng đối với sự ra rễ của cây và mức độ pH ổn định hơn trong suốt thời gian khô hạn, mặc dù điều kiện khô hạn có xu hướng làm tăng độ mặn. Đất được xử lý bằng phân bón hóa học có xu hướng có độ pH cao hơn theo thời gian, điều này có thể làm giảm khả năng hòa tan của các chất dinh dưỡng.

Sudeshna Bhattacharyja, một nhà khoa học về đất tại Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ cho biết, bà không ngạc nhiên về kết quả này vì các nghiên cứu tương tự đã được thực hiện trên khắp đất nước. Tuy nhiên với nguồn dữ liệu mới từ vùng bán sơn địa ở miền tây Ấn Độ, nơi đất khô hơn và nhiều muối hơn, đã mang lại sự hiểu biết rộng rãi hơn về những gì mà phân hữu cơ truyền thống có thể làm được.

“Điều quan trọng là khu vực mà nghiên cứu thực hiện đã đem lại dữ liệu có thể giúp cung cấp thông tin cho các mô hình nhằm có những dự đoán tốt hơn về sức khỏe của đất trong các hệ thống quản lý khác nhau. Điều này sẽ thực sự tốt cho tương lai”, bà Sudeshna cho hay.

Nhà nghiên cứu Sharma nói rằng, các bước tiếp theo của nhóm là kiểm tra xem năng suất cây trồng sử dụng phân bón truyền thống có thể cao bằng những cây trồng sử dụng phân bón hóa học hay không. Việc chuyển đổi từ phân bón hóa học sang phân hữu cơ dự kiến có thể làm giảm sản lượng trong vài năm, nhưng người nông dân biết rằng việc chuyển đổi này sẽ rất xứng đáng vì nó thúc đẩy hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.

(eos.org)

Xem thêm
Bệnh chết cây con dưa hấu và cách phòng trị

Dưa hấu có thể trồng quanh năm và cho giá trị kinh tế cao, nhưng thường bị bệnh chết cây con khiến nhà nông rất mệt mỏi và âu lo.

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?