Cựu Chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà tự bào chữa sáng 21/12. |
Ngày 21/12, phiên xét xử đại án Mobifone mua AVG tiếp tục, đáng chú ý là phần tự bào chữa của cựu Chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà.
Trong vụ án này, bị cáo Lê Nam Trà bị đề nghị mức án nặng thứ 2 sau cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son. Ông Trà bị đề nghị 7-8 năm tù tội “Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, 16-17 năm tù tội Nhận hối lộ, tổng hợp hình phạt 23-25 năm tù.
Trong phần tự bào chữa, cựu Chủ tịch Mobifone chia sẻ: “Bản thân bị cáo, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng thành viên, người đứng đầu, đã không đủ khả năng dẫn dắt Mobifone vượt qua các sức ép, quyết định của dự án, để lúc này, các đồng nghiệp, cấp dưới phải đứng trước tòa, trách nhiệm này thuộc về bị cáo... Thực hiện dự án là nhu cầu của Mobifone và chịu chỉ đạo, quyết định, với sức ép lớn về tiến độ, mật, nguyên trạng, quyết định 236, ký hợp đồng… Đây là những yếu tố gây đến những cái mà tôi không vượt qua được...”, ông Trà nói.
Cũng tại tòa, các thuộc cấp của ông Lê Nam Trà khai rằng, dưới thời ông Trà đứng đầu Mobifone, rất nhiều cán bộ biết sai nhưng vẫn phải im lặng và phải làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Cựu Phó Tổng Giám đốc Mobifone Nguyễn Đăng Nguyên trình bày: Năm 2015, ông Lê Nam Trà là Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, nắm quyền lực tuyệt đối ở Mobifone, ít ai dám chống lại.
Theo cựu Phó Tổng Mobifone cáo trạng cáo buộc bản thân “biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua cổ phần cao so với giá trị của AVG thể hiện trên sổ sách kế toán nhưng vẫn cùng Ban Tổng Giám đốc ký báo cáo số 5054 trình HĐTV, cùng Ban Tổng Giám đốc ký quyển dự án để HĐTV trình Bộ TTTT xem xét, phê duyệt dự án” là chưa chính xác.
Bị cáo Nguyễn Đăng Nguyên khai, việc mình tham gia dự án muộn và nhận được những thông tin rất hạn chế. Bản thân bị cáo đã cố gắng hết sức đóng góp ý kiến xác đáng để có cái nhìn rõ ràng và cẩn trọng về dự án. Bị cáo có ý kiến về việc từ chối thanh toán 5% còn lại cho AVG. Nếu tiếp thu một phần ý kiến của bị cáo thì sai phạm đã không xảy ra.
Cáo trạng nêu sai phạm của bị cáo trong việc ký 2 văn bản, nhưng sai phạm của dự án này là giá mua, còn nội dung văn bản mà bị cáo ký lại chỉ rõ rủi ro trong phương pháp định giá của tư vấn... Hơn nữa, tại thời điểm đó chưa xác định được giá mua.
Trước cáo buộc ký khống biên bản họp Ban Tổng Giám đốc ngày 24/12/2015, bị cáo Nguyên cho rằng, nếu bị cáo ký khống thì bị cáo đã không góp ý gì cả... Trong cáo trạng Viện KS không đánh giá việc bị cáo ngăn chặn thanh toán nốt 5% và thanh lý hợp đồng với AVG, việc này rất quan trọng, nó là tiền đề để hủy bỏ hợp đồng. Việc chưa thanh lý hợp đồng mở ra khả năng hủy bỏ hợp đồng ở cả 2 phía, trong trường hợp này là hủy bỏ hợp đồng do cổ đông của AVG tự hủy.
Đáng chú ý, cựu Phó Tổng Giám đốc Mobifone nhiều lần khẳng định: Trong năm 2015, ông Lê Nam Trà là lãnh đạo, ít người dám trái lệnh hay làm trái ý của ông Trà. Cá nhân bị cáo trong thời gian đó đã phản đối việc thanh toán 5% cuối cùng đã tự tạo ra khó khăn cho mình trong công việc. Sang năm 2017, kết hợp với việc bị cáo từ chối ký văn bản giải trình thanh tra Chính phủ cho các sai phạm của dự án này, ông Trà liên tiếp chỉ đạo Ban Tổng Giám đốc kiểm điểm, kỷ luật bị cáo.
“Cho đến tận tháng 7/2017, khi ông Trà nhận quyết định điều chuyển về Bộ TTTT, cuộc sống, công việc của bị cáo mới ổn định trở lại. Hôm đọc quyết định ông Lê Nam Trà về làm chuyên viên Bộ TTTT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn lúc đó đã nói đùa, người vui nhất là bị cáo, thực tế là như vậy”, bị cáo Nguyên trình bày.
Theo bị cáo Nguyên, năm 2014 Mobifone tách ra khỏi VNPT thành DN độc lập, chúng tôi có hoài bão xây dựng Mobifone thành DN viễn thông số 1 thị trường, nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Dưới sự dìu dắt của những người lãnh đạo, trước đó chúng tôi là tập thể đã được trao danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Chúng tôi là những cá nhân xuất sắc, điểm sáng trong tập đoàn viễn thông và thị trường viễn thông. Nhưng việc xảy ra sau đó thật đau xót cho cá nhân tôi, cho tất cả những người ở đây và tập thể người lao động Mobifone, chúng tôi đi vào giông bão với dự án này.
“Người ta chia nhỏ công việc, để dự án mật, và đưa ra nhiều mục tiêu cao cả. Với những mục tiêu cao cả ấy, những người yêu Mobifone không nắm được thông tin chi tiết về vụ việc. Việc phân chia nhỏ để không ai thấy bức tranh toàn cảnh của vụ việc này để có ý kiến phản đối kiên quyết”, bị cáo Nguyên cho rằng, mức án mà đại diện Viện KS đề nghị xử phạt bị cáo là quá nặng, không phù hợp với ý thức và hành vi của bị cáo, mong HĐXX có cái nhìn công tâm.
Tương tự, cựu thành viên HĐTV Mobifone Phan Thị Hoa Mai cũng khai, bản thân nhận được rất ít thông tin và thụ động trong việc tiếp cận dự án mua AVG và từng phản đối việc mua 2 dự án đầu tư ngoài ngành của AVG vì dù không mất tiền nhưng nó vẫn nằm trong sổ sách kế toán, có thể gây bất lợi...
Cụ thể, khi Phan Thị Hoa Mai phản đối việc mua 2 dự án đầu tư ngoài ngành của AVG đã bị Chủ tịch Trà phê bình "nói lằng nhằng". Bà Mai nhận mình và bị cáo Hồ Tuấn (cựu Phó Tổng Mobifone) là "hai người bị động nhất" bởi giữa năm 2015 mới được thông báo về dự án. Khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, bà đã tích cực tham gia thu hồi tài sản cho nhà nước, cho rằng phía cổ đông AVG sẽ không tự chuyển trả lại tiền cho Mobifone khi huỷ hợp đồng nếu không có tác động của các thành viên hội đồng thành viên.
"Chủ tịch HĐTV (tức Lê Nam Trà) có nói đã không tính tiền lại còn nói lằng nhằng, tôi rời cuộc họp sớm. Tôi không họp và tham gia biểu quyết đồng ý cho Chủ tịch HĐTV trình văn bản lên Bộ nên Chủ tịch ký khống là trách nhiệm của Chủ tịch", bà Mai nghẹn ngào khai tại tòa.