Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) được UBND tỉnh Khánh Hòa giao thực hiện 3 dự án hạ tầng theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) gồm: Dự án các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang; Dự án Đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội và dự án nút giao Ngọc Hội có tổng mức đầu tư hơn 3.336 tỷ đồng.
Cả 3 dự án BT được sử dụng diện tích quỹ đất để thanh toán tương ứng là 20,64 ha đất thương mại, dịch vụ tại khu Trung tâm đô thị, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Dự án của Tập đoàn Phúc Sơn tại Nha Trang |
Năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hoà đã chấp thuận cho Công ty Phúc Sơn triển khai đầu tư dự án.
Mục tiêu dự án là xây dựng khu đô thị mới hiện đại, kiến trúc cảnh quan đẹp, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, khớp nối hài hoà với các khu vực hiện trạng và các dự án quy hoạch kề cận, gia tăng quỹ đất ở của thành phố, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, góp phần thúc đẩy tốc độ đô thị hoá trên địa bàn TP. Nha Trang.
Theo đánh giá của Sở Tài chính Khánh Hòa tại văn bản số 4466/STC-ĐT ngày 2/11/2015: Vốn sở hữu của Công ty Phúc Sơn đến hết năm 2014 là 1.191,4 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu theo quy định tại Nghị định số 11 của Chính phủ và Nghị định số 15 của Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư cần phải đảm bảo để thực hiện 6 dự án (1.166,9 tỷ đồng).
Sở Tài chính đã kiến nghị chấp thuận đầu tư dự án. Đồng thời đề nghị chủ đầu tư tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng để đảm bảo phù hợp với nguồn vốn chủ sổ hữu hiện có.
Còn tại văn bản số 2679 ngày 5/11/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hoà cho biết việc Công ty Phúc Sơn lập hồ sơ đề nghị chấp thuận đầu tư dự án theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt là "phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng".
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng vốn chủ sở hữu của Phúc Sơn lớn hơn vốn chủ sở hữu theo quy định quy định tại Nghị định 11 và Nghị định 15 của Chính phủ để đảm bảo thực hiện 6 dự án. Điều cần lưu ý là bổ sung vào tên dự án hoặc thay đổi tên dự án để tránh nhầm lẫn.
Tại văn bản số 5095 ngày 4/11/2015, UBND TP. Nha Trang cũng khẳng định: "Công ty Phúc Sơn thực hiện nhiều dự án trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản nên có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khu đô thị".
Tại báo cáo gửi UBND tỉnh ngày 9/12/2015, Sở Xây dựng Khánh Hoá cũng nêu rõ: “Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư dự án, chủ đầu tư khẩn trương thực hiện triển khai các bước tiếp theo và báo cáo cụ thể cam kết tiến độ thực hiện và phân ký đầu tư cho từng giai đoạn…”.
Kết quả thẩm định dự án trong văn bản của Sở Xây dựng cũng nêu rõ: Thiết kế cơ sở cơ bản phù hợp với đồ án quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại các Quyết định số 2715 ngày 21/9/2015; Quyết định số 2910 ngày 29/9/2016; Quyết định số 564 ngày 3/3/2017…
Thiết kế cơ sở công trình hạ tầng kỹ thuật dự án Khu trung tâm đô thị thương mại – dịch vụ - tài chính – du lịch Nha Trang đủ điều kiện thực hiện các bước tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại điều 26 Luật Đấu thầu theo phương thức đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư theo đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hoà và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Trước đó, tại văn bản 2398 về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân bay Nha Trang được ký ngày 2/12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Khánh Hoà tại tờ trình về việc xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân bay Nha Trang.
Việc giao toàn bộ diện tích 62,3ha cho Công ty Phúc Sơn để quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng đất để thực hiện dự án Khu trung tâm đô thị, dịch vụ tài chính du lịch Nha Trang tại phân khu 2, phân khu 3 và phân khu 2A - theo thỏa thuận ghi tại 3 hợp đồng BT được UBND tỉnh Khánh Hoà thực hiện vào năm 2016.
Tại Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (ngày 14/6/2016), UBND tỉnh Khánh Hoà đã nêu rõ lý do phải sử dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đối với 3 dự án BT nêu trên. Theo tỉnh này, nguồn vốn đầu tư các dự án cấp bách nêu trên khoảng 3.077 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 không thể cân đối để đầu tư trực tiếp.
Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho các dự án, Ban thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất chỉ có thể mới gọi đầu tư bằng hình thức đối tác công tư.
Đối với các dự án nói trên, cũng không thể thu phí nên không thể thực hiện theo các hình thức BOO, BOT… mà chỉ có thể thực hiện theo hình thức hợp đồng BT là phù hợp nhất.
Trong khi đó, quỹ đất trên địa bàn TP đã hết, sân bay Nha Trang đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép di chuyển, chuyển mục đích sử dụng đất để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tạo nguồn lực đầu tư xây dựng sân bay mới tại Phan Thiết và Cam Ranh.
Tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hoà cũng nêu rõ, Bộ Quốc Phòng và UBND tỉnh Khánh Hoà đã thống nhất ranh giới quy hoạch khu đất có diện tích 51,96ha ở phía Đông đường lăn hàng không dân dụng – sân bay Nha Trang để phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng. Phần diện tích còn lại 186,19ha giao lại cho Khánh Hoà quản lý, sử dụng để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Sau đó tỉnh Khánh Hoà đã quy hoạch khu vực này thành Trung tâm đô thị thương mại – dịch vụ - tài chính – du lịch Nha Trang.
Tại văn bản ngày 6/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại điều 26 Luật Đấu thầu theo phương thức đàm phán trực tiếp với nhà đầu tư theo đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hoà và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.