Các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu về tiến hóa của Mỹ vừa thông báo những mẩu xương hóa thạch tìm thấy của một loài chim ở bang Nam Carolina (Mỹ) cho thấy đây là loài chim lớn nhất mọi thời đại.
Theo nghiên cứu công bố của nhóm nhà khoa học này trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, loài chim cổ đại này có tên khoa học là Pelagornis sanderi, nó có sải cánh từ khoảng 6,06m đến 7,38m, gấp đôi loài chim biển lớn nhất hiện nay là hải âu vua, và vượt qua sải cánh rộng 6,4m của Argentavis magnificens, loài chim có hình dáng giống kền kền ở Nam Mỹ cách đây khoảng 6 triệu năm.
Sải cánh của P. sanderi lớn đến nỗi, các nhà khoa học suy đoán loài chim từng thống trị bầu trời đại dương cổ đại 25 - 28 triệu năm trước này phải chạy đà từ trên đồi hoặc lợi dụng các luồng gió rất mạnh mới có thể cất cánh được. Tuy nhiên, một khi đã thả mình vào không trung, P.sanderi có thể liệng nhiều dặm mà không cần vỗ cánh, một lợi thế trong công cuộc tìm kiếm thức ăn ở một vùng rộng lớn như đại dương.
Cùng với đôi cánh khổng lồ, P. sanderi còn sở hữu chiếc mỏ dài và những chiếc răng cứng, sắc nhọn, không có men răng dùng để đâm xuyên con mồi gồm cá và mực ống sống gần bề mặt nước.
Loài chim đã tuyệt chủng này có thể là tổ tiên của loài chim biển Pelagornithid nổi tiếng với bộ răng không có men đã biến mất hoàn toàn 2,5 triệu năm về trước. Xương cánh, chân và hộp sọ là những bộ phận hóa thạch đầu tiên của P. sanderi được tìm thấy năm 1983 gần thị trấn Charleston, bang Nam Carolina khi người ta bắt đầu khởi công xây dựng một sân bay quốc tế mới.
Hóa thạch này đã giúp sáng tỏ thêm một phần khả năng bay lượn của những loài chim cổ đại khổng lồ song cũng khiến các nhà khoa học đặt ra câu hỏi về nguyên nhân sự tuyệt chủng của loài chim vốn sống ở tất cả 7 lục địa cổ đại.