| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nông nghiệp đô thị song hành với đô thị hóa

Thứ Năm 27/07/2023 , 11:06 (GMT+7)

Tại Hải Phòng, cùng với quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, việc phát triển nông nghiệp đô thị đã và đang được quan tâm.

Hiệu quả, ít sâu bệnh

Là một trong năm đô thị lớn của cả nước với dân số hơn 2 triệu người, những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ, diện tích đất nông nghiệp ở Hải Phòng dần bị thu hẹp, nông nghiệp đô thị được quan tâm từ sớm.

Hiện tại, dù Hải Phòng chưa có chủ trương cụ thể để phát triển nông nghiệp khu vực đô thị, hỗ trợ nông dân làm các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đô thị hóa, nhưng đã có kế hoạch về cấm nuôi gia súc, gia cầm ở khu vực nội thị và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi diễn ra khá sôi động.

Vườn rau thủy canh tại quận Hải An, TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Vườn rau thủy canh tại quận Hải An, TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Đến nay, Hải Phòng đã manh nha những mô hình nông nghiệp trong đô thị khá hiệu quả, đáng kể nhất là nghề sinh vật cảnh, trồng rau mầm, nấm ăn phát triển nhanh, tạo ra sản phẩm có giá trị. Hàng năm, tại các quận nội thị, cơ quan chức năng có thẩm quyền như Phòng Kinh tế, Hội Nông dân,… đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm, trồng hoa, cây cảnh, các loại rau đậu ngắn ngày..., đồng thời hỗ trợ nông dân về vốn, giống, vật liệu sản xuất, chú trọng trợ giúp những hộ đầu tư làm các mô hình mới.

Cũng từ đây, hàng nghìn hộ dân thành thị được tiếp cận với nghề nông, với rau củ và hoa trái,… có hiệu quả kinh tế khá cao, không chỉ cung ứng được thực phẩm an toàn cho gia đình mà còn chia sẻ với cộng đồng.

Chị Vũ Thị Hiếu, trú tại đường Miếu Hai Xã, quận Lê Chân chia sẻ, gia đình chị có diện tích sân thượng khoảng 50m2, nhưng rau, củ, quả được trồng tại đây không chỉ cung cấp đủ dùng cho gia đình và hai ông bà nội, ngoại mà thậm chí còn chia sẻ cho hàng xóm.

Việc tận dụng sân thượng để trồng thêm rau, quả,… có nhiều lợi ích. Thứ nhất, giúp tôi rèn luyện sức khỏe tốt hơn, mình không ngồi ỳ một chỗ, không xem ti vi nhiều. Thứ hai, trồng được rau sạch tôi không chỉ cung cấp cho gia đình mà còn cho cả ông bà bên nội, bên ngoại ăn thoải mái, đảm bảo sạch sẽ, ngon hơn so với mua ngoài chợ, sản phẩm do mình trồng, chất lượng cảm giác khác hơn so với mua ở ngoài. 

Hàng ngày chị Hiếu giành 1-2 tiếng đồng hồ nhàn rỗi để tưới và chăm sóc vườn rau, quả trên sân thượng. Ảnh: Đinh Mười.

Hàng ngày chị Hiếu giành 1-2 tiếng đồng hồ nhàn rỗi để tưới và chăm sóc vườn rau, quả trên sân thượng. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Hiếu chia sẻ, làm nông nghiệp dưới đất thì nhàn hơn ở khâu tưới tắm nhưng sâu bệnh lại nhiều hơn, gia đình tôi trồng rau, quả chỉ dùng phân hữu cơ, nên không hề có sâu bệnh gì. “Mỗi ngày tôi chỉ tranh thủ thời gian từ 1-2h để chăm sóc vườn rau vào buổi sáng và buổi chiều tối, chủ yếu là lên ngắm là chính. Vào mùa nắng nóng, gia đình trồng dưa là chủ yếu còn vào mùa thu đông thì tôi trồng rất nhiều rau, vừa ăn vừa cho hàng xóm”, chị Hiếu cho hay.

Cũng như gia đình chị Hiếu, dọc các con phố trung tâm ở Hải Phòng, hầu như các gia đình có nhà cao tầng đều tận dụng để trồng rau sạch, mướp, dưa, cây gia vị,… và thậm chí là cây cảnh có giá trị.

Sản phẩm nông nghiệp làm ra, chị Hiếu thoải mái cung cấp cho gia đình và thậm chí là chia sẻ cho hàng xóm. Ảnh: Đinh Mười.

Sản phẩm nông nghiệp làm ra, chị Hiếu thoải mái cung cấp cho gia đình và thậm chí là chia sẻ cho hàng xóm. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Vũ Thị Thơm, một nhà vườn sân thượng có thâm niên ở phường Dư Hàng, quận Lê Chân bộc bạch, vườn ngoài cung cấp rau củ quả cho bữa ăn gia đình thêm sạch sẽ, đảm bảo chất lượng thì còn là môi trường tuyệt vời cho tuổi thơ của con phát triển lành mạnh và hướng ngoại hơn.

Sống ở thành phố nhiều tường bê tông, không khí ngột ngạt, chật chội lại xô bồ nên tôi thích các khoảng xanh nhỏ được xây dựng trong nhà là cần thiết và rất bổ ích. Do đó, cứ mùa nào là rau đấy, rất nhiều loại cây cho lá, cho quả được chị lựa chọn để trồng.

Người lớn có thể tranh thủ thời gian nhàn rỗi để làm vườn, chăm sóc cây, còn trẻ nhỏ sẽ được dạy từ nhỏ cách chăm cây, làm vườn, vui chơi trên không gian xanh an lành. “Mỗi gia đình thay vì mái nhà toàn bê tông, tôn chống nóng thì được phủ xanh bằng những vườn rau, mát mẻ, vừa có không gian xanh cho con cái chơi vừa có chỗ để người lớn làm lụng thư giãn và đặc biệt nhất là cung cấp được bữa ăn chất lượng, tươi sạch cho gia đình. Đây vừa là sân chơi vừa là nguồn thực phẩm sạch, giúp giảm thải hiệu ứng nhà kính, bao phủ màu xanh cho thành phố, chỉ có lợi không có hại”, chị Thơm bộc bạch.

Vườn dưa chuột hữu cơ của gia đình chị Vũ Thị Thơm. Ảnh: Đinh Mười.

Vườn dưa chuột hữu cơ của gia đình chị Vũ Thị Thơm. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Kinh tế quận Lê Chân cho biết, do chưa có chủ trương hay chính sách gì liên quan đến phát triển kinh tế nông nghiệp trong đô thị nên quận chưa có thống kê số liệu cụ thể. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy hầu như các gia đình có nhà cao tầng, hoặc có đất trống đều tận dụng không gian để trồng thêm rau, quả để cải thiện và tạo cảnh quan mát mẻ. Việc các hộ dân tận dụng không gian trống để sản xuất nông nghiệp, trồng rau, quả vừa góp phần tạo không gian xanh, mát mẻ, gần gũi thiên nhiên vừa tạo ra sản phẩm an toàn thể cải thiện bữa ăn.

Chị Tô Thúy Hoàn, trú tại quận Đồ Sơn chia sẻ, từ khi có khu vườn trên sân thượng, chị thấy cuộc sống thay đổi tích cực, gia đình không phải mua rau củ bên ngoài mà luôn sẵn thực phẩm sạch, tươi ngon. Thậm chí khi ăn không hết, chị còn mang biếu người thân, bạn bè thưởng thức.

Ngoài cung cấp rau củ sạch, khu vườn trên sân thượng còn là nơi chị Hoàn thư giãn, tập yoga, ngắm hoa, chụp ảnh. Vào dịp Tết khi bên trên là giàn cà chua chín đỏ rực, thì bên dưới là đủ loại hoa khoe sắc và rau củ xanh mướt. Từ khi có vườn cây, hoa trái, chị thấy yêu ngôi nhà hơn và dành thời gian để thư giãn, sống khỏe hơn.

Tiềm năng lớn

Theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2045 - 2050, Hải Phòng sẽ trở thành đô thị có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới, là thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại.

Một nhà vườn được đầu tư bài bản tại trung tâm TP. Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Một nhà vườn được đầu tư bài bản tại trung tâm TP. Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Cụ thể, về quy mô, dự kiến đến năm 2030, Hải Phòng sẽ có khoảng 2,8 - 3,0 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 74 - 76% và đến năm 2040 sẽ có khoảng 3,9 - 4,7 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80 - 86%. Theo xu hướng này, diện tích sản xuất nông nghiệp sẽ giảm mạnh, trong khi đó lượng người tăng dần, nhu cầu về nhu yếu phẩm, rau, củ, quả,… cũng tăng.

Do vậy, các quận, huyện cần xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị có tính chất dài hạn, phù hợp, cũng như khoanh vùng chức năng cho đất sản xuất nông nghiệp quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp đô thị. Cần huy động và tận dụng tối đa các không gian ở đô thị để sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại môi trường sống xanh cho người dân.

Phát triển nông nghiệp đô thị ở Hải Phòng cơ bản còn manh mún, chưa được thực hiện bài bản do dư địa phát triển nông nghiệp ven đô còn lớn. Ảnh: Văn Nguyễn.

Phát triển nông nghiệp đô thị ở Hải Phòng cơ bản còn manh mún, chưa được thực hiện bài bản do dư địa phát triển nông nghiệp ven đô còn lớn. Ảnh: Văn Nguyễn.

Bên cạnh đó, cần sớm có các chính sách, các chương trình phát triển nông nghiệp đô thị để ứng dụng các công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và hỗ trợ người dân trong việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đô thị để đảm bảo cho việc sản xuất diễn ra thường xuyên và tổ chức thêm không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Ông Bùi Cảnh Đức - Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng) cho hay, hiện nay không chỉ Hải Phòng mà tại các đô thị lớn, dư địa để phát triển nông nghiệp đô thị không hề nhỏ. Cơ bản người dân đều tận dụng những không gian trống để trồng hoa, rau sạch, hoa quả, cây gia vị,… nếu biết cách chăm sóc thì không chỉ đảm bảo cung ứng thực phẩm cho gia đình mà còn góp phần thanh lọc không khí, tạo môi trường xanh sạch đẹp, bản thân những người dân thành thị cũng được trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, loại bỏ tính chây ỳ, lười vận động.

Người dân Đồ Sơn trồng cà chua sai trĩu quả ngay trên sân thượng của gia đình. Ảnh: Tô Thúy Hoàn.

Người dân Đồ Sơn trồng cà chua sai trĩu quả ngay trên sân thượng của gia đình. Ảnh: Tô Thúy Hoàn.

Do nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp - dịch vụ tăng nhanh, quỹ đất ngày càng thu hẹp, kéo theo đó, tư duy sản xuất nông nghiệp cũng có sự chuyển biến, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong rất nhiều giải pháp, phát triển nông nghiệp đô thị đang được nhiều thành phố lớn xem là hướng đi có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.

"Những hiệu quả quan trọng mà phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững mang lại, đó là: nông nghiệp đô thị góp phần giảm chi phí đóng gói, lưu trữ và vận chuyển nông sản phẩm để cung ứng cho khu vực đô thị. Nông nghiệp đô thị đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu về lương thực, rau quả và các loại nông sản phẩm khác một cách trực tiếp, tại chỗ cho cư dân đô thị thay vì phải vận chuyển từ nơi khác đến”, ông Đức chia sẻ.

Xem thêm
Hơn 500 kg lòng lợn hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện 520kg lòng lợn bốc mùi hôi thối sắp được bán lại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất lạp sườn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.