| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nông nghiệp Thủ đô phải khác với các tỉnh thành

Thứ Năm 12/01/2023 , 14:16 (GMT+7)

HÀ NỘI Ngành nông nghiệp Hà Nội phải xác định thật rõ hướng đi, trong đó thấm nhuần định hướng 'phát triển nông nghiệp của Thủ đô phải khác với các tỉnh thành khác'...

Ngày 11/1, Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết ngành NN-PTNT năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Xây dựng 159 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn

Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, năm 2022, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, ngành NN-PTNT Hà Nội vẫn đạt được được nhiều kết quả rất khả quan.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đánh giá cao những kết quả mà ngành NN-PTNT Hà Nội đạt được trong năm 2022. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đánh giá cao những kết quả mà ngành NN-PTNT Hà Nội đạt được trong năm 2022. Ảnh: Trung Quân.

Tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn Thành phố ước tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất đạt hơn 40.600 tỷ đồng (tăng 2,61%).

Trong lĩnh vực trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm hơn 228.500ha (giảm 1,31%); sản lượng lương thực có hạt ước đạt hơn 1 triệu tấn (tăng 2,65%).

Lĩnh vực chăn nuôi nhìn chung ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Sản lượng thịt hơi các loại hơn 403.200 tấn (tăng 0,3%).

Hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 123.000 tấn (tăng 2,94%). Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt 121.300 tấn (tăng 3%), sản lượng khai thác hơn 1.600 tấn (giảm 5,3%).

Công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm sản và thuỷ sản đã duy trì, phát triển được các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi (53 chuỗi sản phẩm động vật, 106 chuỗi sản phẩm thực vật); xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...

Sở NN-PTNT Hà Nội đã chủ động phối hợp với 43 tỉnh, thành phố tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 926 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội; hỗ trợ triển khai trên 50 mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn; đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, đảm bảo ATTP với trên 5.000ha sản xuất rau an toàn, 40 mô hình rau áp dụng hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ (PGS) với tổng diện tích trên 1.700ha; duy trì trên 1.300ha VietGAP rau, quả, chè; 181ha VietGAP nuôi trồng thủy sản, 88 cơ sở VietGAP chăn nuôi, 40ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Du lịch nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều khởi sắc thời gian qua tại Hà Nội.

Du lịch nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều khởi sắc thời gian qua tại Hà Nội.

Về công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn 3 huyện đăng ký hoàn thành trong năm 2022, gồm Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức. Có 57 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), lũy kế đến nay, Hà Nội có 1.649 sản phẩm OCOP (4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao).

Nông nghiệp Thủ đô phải phát triển khác biệt

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết: Năm 2023, ngành NN-PTNT Hà Nội tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu; giá các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất và chăn nuôi không ngừng tăng… Tuy nhiên, ngành NN-PTNT sẽ nỗ lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp từ 2,5 - 3%. Phấn đấu tăng thêm 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trở lên.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt, thực hiện cơ cấu lại sản xuất theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất; mở rộng diện tích trồng rau; tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm; tập trung phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao; chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Trong chăn nuôi, tiếp tục phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm phù hợp với định hướng phát triển của Thành phố; từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư và chấm dứt hoạt động chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi; tập trung phát triển con giống chủ lực, nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu trên địa bàn Thành phố và cung ứng ra các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt hơn 40.600 tỷ đồng (tăng 2,61%). Ảnh: Trung Quân.

Năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đạt hơn 40.600 tỷ đồng (tăng 2,61%). Ảnh: Trung Quân.

Trong lĩnh vực thủy sản, rà soát cơ cấu nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh; khuyến khích nuôi thâm canh, công nghệ cao, thực hành nuôi tốt (GAP) theo quy chuẩn với diện tích 24.500ha, sản lượng khoảng 135.000 tấn.

Trong lĩnh vực phát triển nông thôn và xây dựng NTM, đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới với quan điểm, mục tiêu tổng quát là: Xây dựng NTM cần thực hiện thiết thực, hiệu quả và bền vững hơn, gắn liền với quá trình đô thị hóa. Phát triển, nâng cấp, hoàn thiện và tổ chức đánh giá xếp hạng ít nhất 400 sản phẩm mới; 20 sản phẩm được tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định…

Tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đánh giá cao những kết quả mà ngành NN-PTNT Hà Nội đạt được trong năm 2022.

Theo ông Quyền, đối với Thành phố Hà Nội, ngành nông nghiệp luôn là “bà đỡ” cho phát nền kinh tế và đời sống người dân, điều này thể hiện rõ nhất trong giai đoạn toàn toàn Thành phố gồng mình chống dịch Covid-19. Hiện nay, Hà Nội phát triển nông nghiệp ngoài những thuận lợi về công nghệ, nguồn lực, thị trường hơn 10 triệu dân; luôn có ngành công thương, du lịch song hành... thì cũng đối diện với không ít khó khăn, trong đó nổi bật lên là tốc độ đô thị hóa nhanh; đất sản xuất nông nghiệp có giá trị cao, manh mún nên khó tích tụ ruộng đất; người dân không còn mặn mà với đồng ruộng...

Công tác quản lý an toàn thực phẩm của Hà Nội ngày càng đi vào nề nếp với sự hình thành của hàng trăm chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm của Hà Nội ngày càng đi vào nề nếp với sự hình thành của hàng trăm chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn.

Do đó, ngành nông nghiệp phải xác định thật rõ hướng đi, xây dựng kế hoạch phát triển bài bản, trong đó, thấm nhuần định hướng “phát triển nông nghiệp của Thủ đô phải khác với các tỉnh thành khác”.

Ông Quyền cho rằng: Để có thể phát triển bền vững, ngành nông nghiệp trên cơ sở định hướng của Thành phố, cần xây dựng lại quy hoạch; rà, duyệt, sắp xếp lại tất cả các nội dung một cách khoa học; đây là điểm rất quan trọng, nếu không làm được thì khó có thể thành công trong hoạt động.

Trong lĩnh vực trồng trọt, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sản xuất ra những giống lúa chất lượng cao; tạo ra những giống cây trồng đa giá trị, vừa có giá trị kinh tế vừa có thể đóng góp tích cực trong xây dựng cảnh quan phát triển du lịch.

Phát triển chăn nuôi trên quan điểm giữ ở quy mô ổn định, theo hướng tập trung, trang trại; quản lý chặt chẽ các cơ sở giết mổ tập trung để vừa đảm bảo nguồn cung chất lượng, vừa bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan Thủ đô.

Công tác thủy lợi, quản lý đê điều phải tiếp tục được thắt chặt; quy trình đầu tư phải đi theo tư duy mới, áp dụng công nghệ hiện đại; thắt chặt hoạt động cấp phép để đảm bảo an toàn hệ thống công trình thủy lợi...

Trong lâm nghiệp, phải đẩy mạnh chuyển công tác chuyển đổi số, chuẩn hóa, rà soát lại toàn bộ chỉ giới ranh giới rừng, tránh tình trạng “rừng trên sổ sách”. Trên cơ sở đó, xây dựng đề án phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Tại hội nghị, nhiều cá nhân, đơn vị của ngành NN-PTNT Hà Nội đã được nhận cờ thi đua, bằng khen của Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội vì đã có những thành tích xuất sắc trong hoạt động năm 2022. Ảnh: Trung Quân.

Tại hội nghị, nhiều cá nhân, đơn vị của ngành NN-PTNT Hà Nội đã được nhận cờ thi đua, bằng khen của Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội vì đã có những thành tích xuất sắc trong hoạt động năm 2022. Ảnh: Trung Quân.

Đối với công tác xây dựng NTM, các làng nghề là “kho báu” của Thành phố, ngành nông nghiệp phải luôn trăn trở làm thế nào để bảo vệ, bảo tồn, phát triển được các làng nghề, tổ chức lại sản xuất làng nghề, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch...

Công tác quản lý chất lượng sản phẩm, ATTP, phải chuẩn hóa lại quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo tất cả các sản phẩm khi đưa ra thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng; phải chỉ rõ được đơn vị nào làm thật, đơn vị nào gian dối để thanh lọc thị trường, tạo động lực khuyến khích người dân sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Từ đó, giúp gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao đời sống người dân...

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.