Chia sẻ tại buổi công bố hợp tác Chương trình Vietnam Forward, nhằm mục đích nâng cao kỹ năng số và tăng cường khả năng của thanh thiếu niên về các lĩnh vực khoa học công nghệ ngày 14/4, ông Nguyễn Văn Hạnh, Tổng Giám đốc Quỹ Dariu cho biết, 65% trẻ em đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ làm các công việc mà hiện nay chưa xuất hiện.
Trên cơ sở đó, ông Hạnh cho rằng cần phổ cập kỹ năng số cho trẻ em càng sớm càng tốt, kể cả cấp mầm non. "Đó là một cách phân luồng giáo dục, giúp học sinh sớm có kiến thức và những định hướng, tư duy về nghề nghiệp sau này", ông Hạnh nói.
Kể lại kỷ niệm về những ngày đầu đưa máy tính đến nhà trường, ông Hạnh đặt mục tiêu đến năm 2025, khoảng 3 triệu học sinh Việt Nam sẽ được tiếp cận với các kỹ năng số. Để làm được điều đó, ngoài việc phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương, Quỹ Dariu đã nhận sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tập đoàn Qualcomm.
"Khoảng một nửa số máy tính của Quỹ Dariu hiện được Qualcomm tài trợ. Đó là nguồn lực quý báu để Quỹ Dariu đẩy mạnh việc tiếp cận kỹ năng số đến cho học sinh cấp mầm non và tiểu học", ông Hạnh nhấn mạnh.
Trong quá trình xây dựng, Quỹ Dariu cam kết sẽ thay thế, bổ sung những linh kiện, máy tính bị hỏng, giúp ổn định số lượng máy tính cho học sinh.
Ghi nhận những đóng góp của Tập đoàn Qualcomm và Quỹ Dariu, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình nói thêm, học sinh Việt Nam rất thông minh.
"Nhiều bạn lớp một, lớp hai giờ đã có lập trình cơ bản bằng ngôn ngữ Scratch (dạng kéo thả). Điều ấy khiến chúng tôi thực sự bất ngờ, và thể hiện rõ tính lan tỏa của chương trình này", bà chia sẻ.
Vietnam Forward là chương trình trao tặng học sinh máy tính chạy trên nền tảng Snapdragon của Qualcomm và được trang bị kết nối di động để đảm bảo kết nối Internet liên tục. Thông qua nền tảng này, sự chênh lệch về kỹ thuật số trên khắp Việt Nam được rút ngắn, đồng thời định hình lại cách học của học sinh và cách các nhà giáo dục giảng dạy bằng cách đưa lớp học hiện đại vào cuộc sống và tạo ra một thế giới nơi tất cả người học được kết nối thông minh tại gia đình, lớp học và hầu như ở bất kỳ đâu.
Khoảng 100.000 học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở tại 80 trường học nông thôn tại Việt Nam đã được trang bị các nền tảng kỹ thuật để phát triển các kỹ năng cần thiết tại nơi làm việc, từ đó có khả năng tự cung tự cấp về kinh tế. Học sinh học lập trình trên lớp và mang thiết bị về nhà để làm các bài tập lập trình theo nhóm. Nhiều sáng kiến từ học sinh đã được công nhận trong các cuộc thi lập trình khu vực.
Hơn 6.000 giáo viên trên cả nước cho biết, họ tự tin hơn trong việc giảng dạy lập trình nhờ tham gia vào các khóa đào tạo phát triển nghề nghiệp. Dựa trên các kỳ thi năng lực trong lớp học, 90% học sinh đã phát triển các kỹ năng số và khả năng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, dẫn đến nâng cao cơ hội việc làm.
Phát biểu về chương trình, ông St. Liew, Chủ tịch Qualcomm Đông Nam Á, Australia và New Zealand cam kết: “Chúng tôi tin rằng việc gia tăng khả năng truy cập vào các công nghệ không dây có thể cải thiện đáng kể cuộc sống của mọi người. Điều này đặc biệt phù hợp với Việt Nam, nơi chúng tôi thấy được rõ các mục tiêu chuyển đổi số của Nhà nước. Vietnam Forward chỉ là một trong nhiều sáng kiến mà Qualcomm khởi xướng nhằm mang công nghệ của mình để định hình lại cách thế giới học tập và giảng dạy”.
Theo ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục đào tạo, hai khó khăn chính trong việc giảng dạy kỹ năng số cho trẻ em là: cơ chế hỗ trợ chuyển đổi số, và huy động nguồn lực xã hội. Với sự hợp tác của Qualcomm và Quỹ Dariu, "Cả hai vấn đề được giải quyết" - ông Nam bày tỏ.