| Hotline: 0983.970.780

Phủ xanh ngôi làng bị bão biển ‘xoá sổ’

Thứ Ba 14/05/2024 , 13:52 (GMT+7)

Bên bờ biển Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định) tồn tại một ngôi làng chài với những nếp nhà đổ nát, mái ngói xập xệ, không người sinh sống…

Phủ xanh tàn tích

Nằm bên bờ biển Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định) còn sót lại một ngôi làng với những nếp nhà đổ nát, tường gạch bong tróc, loang lở… Ít ai biết rằng đây từng là nơi sinh sống của hơn 100 hộ gia đình trước thời điểm bão Damrey hồi năm 2005 vượt đổ bộ thẳng vào.

Hiện nay, ngôi làng gần như bị bỏ hoang, không người sinh sống. Thế nhưng nơi đây vẫn là vùng đất màu mỡ để bà con có thể canh tác những loại hoa màu như lạc, vừng, dưa, rau… Thật vậy, sau cơn bão, những người dân thuộc khu 23- thị trấn Thịnh Long cũ đã nhanh chóng tận dụng những gì còn sót lại sau khi bão biển quét qua để phục hồi kinh tế, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Nhiều căn nhà “may mắn” còn vẹn nguyên được người dân tận dụng để làm khu vực chăn nuôi gia súc như lợn, gà…Những căn nhà nhỏ hơn như nhà vệ sinh, nhà tắm được người dân tận dụng làm trạm bơm phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.

Ngôi làng gần như bị 'xoá sổ' sau sự cố vỡ đê trong cơn bão Damrey năm 2005. Ảnh: Minh Toàn.

Ngôi làng gần như bị “xoá sổ” sau sự cố vỡ đê trong cơn bão Damrey năm 2005. Ảnh: Minh Toàn.

Những mảnh sân vườn trước kia được người dân biến thành đất nông nghiệp, tận dụng để canh tác hoa màu. Ông Vũ Duy Hiền (68 tuổi, nguyên trưởng khu dân phố 23 - thị trấn Thịnh Long cũ) cho biết: “Mùa nào thì thức ấy. Bây giờ thì người dân chủ yếu trồng lạc, trồng dưa sau nữa thì trồng vừng, mùa đông thì trồng su hào, cải bắp…”.

Ông Hiền cho biết thời gian đầu, khi bão mới đi qua, đất nhiễm mặn, rất khó để trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng những người dân ở ngôi làng này cũng không biết phải làm sao để rửa mặn, phục vụ canh tác. Họ chỉ biết chờ vào những trận mưa “trời ban” để rửa mặn. Ban đầu, hiệu quả canh tác không được cao do đất nhiễm mặn nhưng rồi đất dần bớt mặn, hoạt động canh tác dần đạt năng suất cao trong những năm sau.

Người dân canh tác trên chính những khoảng vườn trước đây. Ảnh: Minh Toàn.

Người dân canh tác trên chính những khoảng vườn trước đây. Ảnh: Minh Toàn.

Mỗi tấc đất đều được người dân tận dụng, “phủ xanh” bằng những hoa màu theo vụ. Những cánh đồng lạc, ruộng dưa đã mang lại sức sống cho ngôi làng sau bão, biến nơi đất chết trở thành những cánh đồng sinh lợi của người dân địa phương.

Trung bình mỗi hộ dân ở đây đều sở hữu từ 3-5 sào ruộng. Ông Hiền bộc bạch: “Hoa màu ở đây quanh năm có giá trị bằng cả tấn lúa. Nếu chăm tốt, một vụ một sào có thể thu về 10-15 triệu đồng, năm 3 vụ…”.

Ký ức đượm buồn

Dù cho cuộc sống dù đã “bình thường” trở lại, thế nhưng những ký ức về trận bão Damrey năm 2005 vẫn là một nốt trầm đối với những người dân khu 23- thị trấn Thịnh Long cũ. Gần 20 năm sau “cơn bão thế kỷ” đó, nỗi buồn dường như chưa vơi đối với những người dân làng chài này.

Damrey là một trong những cơn bão mạnh nhất năm ấy đổ bộ vào Việt Nam và ngôi làng bên bãi biển Thịnh Long là một trong số những nơi hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão.

Người dân tận dụng những viên ngói cũ để làm luống, phân cách ruộng. Ảnh: Minh Toàn.

Người dân tận dụng những viên ngói cũ để làm luống, phân cách ruộng. Ảnh: Minh Toàn.

Ngôi làng này gần như đã bị “xoá sổ” sau trận bão năm đó. Đê vỡ, nước tràn vào làng. Chỉ hơn 30 căn nhà trên tổng số 100 nóc nhà còn đứng vững được sau cơn bão. Nhà có thể còn, người có thể không có thiệt hại nhưng hoa màu và tài sản của người dân ở thời điểm đó đều bị cuốn trôi.

Chị Trần Thị Hiền (42 tuổi) cho biết: “Vừa đẻ đứa con gái được 14 ngày thì bão vào. Nhà tôi trôi mất luôn, không còn gì. Đứng trên đê, thấy nước cuốn trôi nhà mà không biết làm gì cả. Sau bão, cát nó lấp, bây giờ còn không biết chính xác nhà ở chỗ nào luôn…”.

Hầu như không còn căn nhà nào nguyên vẹn sau trận bão. Cũng vì vậy mà người dân được di dời lên khu tái định cư cách nơi bị “xoá sổ” khoảng 5-6km. Thế nhưng cuộc sống của người dân khó lòng mà ổn định ngay sau đó được.

Sau bão, nhiều nhà phải đi ở nhờ nhà người thân. Ai không có người thân ở gần thì đành phải bám trụ lại nơi này. Người nhanh nhất cũng phải mất đến 6 tháng để có thể “an cư”. Thậm chí, ông Hiền mất tới 7 năm mới có thể xây dựng lại căn nhà của mình.

Sau gần 20 năm, những mảnh đất tàn giờ đã được phủ xanh bởi hoa màu của chính những người từng chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão. Ảnh: Minh Toàn.

Sau gần 20 năm, những mảnh đất tàn giờ đã được phủ xanh bởi hoa màu của chính những người từng chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão. Ảnh: Minh Toàn.

Thế nhưng có một căn nhà còn đứng vững sau trận bão kinh hoàng ấy. Đó là ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Dinh (85 tuổi). Vào thời điểm đê vỡ, căn nhà của bà Dinh không nằm chính diện dòng chảy hơn nữa vừa được tu sửa nên không bị sập. Tuy nhiên tất cả của cải, hoa màu đều bị cuốn theo dòng lũ.

Trở về nhà sau cơn bão, bà Dinh không khỏi bàng hoàng. Thế nhưng bà vẫn cảm thấy may mắn vì “còn nhà”. Việc bà Dinh cần làm chỉ là sắm sửa lại nội thất của căn nhà là có thể tiếp tục sinh sống.

Gần 20 năm sau cơn bão, cuộc sống của người dân dần ổn định. Con đê bị sóng đánh trôi trước đây cũng được xây dựng lại vững chãi, an toàn. Những mảnh vườn hoang tàn đã được phủ xanh bởi hoa màu. Ngôi làng trở thành một "bảo tàng chứng tích" sự tàn phá của thảm họa thiên nhiên.

Xem thêm
Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác thúc đẩy nông nghiệp thông minh, bền vững

Bộ Nông nghiệp hai nước nhất trí thành lập Nhóm công tác lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc trong khuôn khổ của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc.

Nhiệm vụ khoa học công nghệ phải thấm nhuần quan điểm 'lượng đổi chất phải đổi'

Ngày 2/7, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2024.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Những vườn cây trái 'độc lạ' ở Đồng Nai

Nhiều du khách khi đến với lễ hội trái cây Long Khánh 2024 bất ngờ tận mắt chứng kiến những vườn cây 'độc lạ' và được thưởng thức nhiều loại trái đặc sản tại vườn.